Tỉnh táo khi đầu tư condotel

13/06/2019 10:29

(TN&MT) - Loại hình bất động sản (BĐS) condotel xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây và phát triển vượt bậc trong năm 2017, dẫn đến việc xây dựng tràn lan, khó kiểm soát cùng với hàng loạt vụ tranh chấp, khiếu nại do chủ đầu tư không bảo đảm đúng cam kết.

T10
Condotel trở thành phân khúc "hot" nhất trong dòng bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: MH

Thông tin không minh bạch

Với cam kết lợi nhuận ở mức 8 - 12%/năm trong vòng 5 - 10 năm, condotel đã hút lượng lớn khách hàng và trở thành phân khúc "hot" nhất trong dòng bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy vậy, nhiều khách hàng đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi trao tài sản lớn cho chủ đầu tư quản lý, vận hành nhưng cuối cùng lại không bảo đảm cam kết lợi nhuận.

Cách đây 2 - 3 năm, nhiều khách hàng đã tố một chủ đầu tư condotel ở Nha Trang không trả lợi nhuận cho khách hàng, mặc dù trước đó, khi khách hàng mua dự án được hứa trả 9 - 10% lợi nhuận/năm. Theo lý giải của chủ đầu tư, nguyên nhân là do lượng khách không đạt đủ công suất nên không có lợi nhuận và chỉ có thể có lợi nhuận từ năm thứ 3, 4 đi vào vận hành.

Có những chủ đầu tư, để xoay đủ nguồn vốn trong một thời gian ngắn để xây dựng dự án, họ đã công bố mức giá bán căn hộ condotel thấp hơn so với giá thị trường. Chính giá cả hấp dẫn sẽ thu hút khách hàng, nghĩ rằng đã sở hữu căn hộ 5 sao quốc tế, giá nội địa nhưng thực chất là đang “ngậm trái đắng”.

Tại Nha Trang, cùng trên một khu đất tại Mũi Né, có những dự án bán căn hộ nghỉ dưỡng giá rẻ hẳn từ 10% - 20% so với dự án khác liền kề. Thực chất, chủ đầu tư quảng cáo sản phẩm ở mức độ tầm trung nhưng nội thất bàn giao cơ bản, danh mục hoàn thiện nội thất bên trong chỉ như các căn hộ chung cư thông thường. Bên cạnh đó, dự án chưa được khởi công, xây dựng nên chủ đầu tư chỉ cần đưa ra mức đóng 10% giá trị hợp đồng bằng các hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn… để hợp thức việc bán sản phẩm khi chưa đủ điều kiện huy động vốn theo pháp luật.

Chưa có khung pháp lý rõ ràng

Theo các chuyên gia, những hạn chế của thị trường condotel bộc lộ thời gian qua, bên cạnh sự không minh bạch trong thông tin còn do sản phẩm bất động sản này vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng.

Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, về bản chất, condotel là một loại khách sạn. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu với những công trình khách sạn phải theo tính chất sử dụng đất mà bất động sản đứng chân.

Thực chất condotel được xem là sản phẩm mới, có pháp lý chưa rõ ràng và chưa được xác định cụ thể trong luật. Riêng condotel hiện chưa có sản phẩm nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cam kết lợi nhuận khủng nhưng không có cơ sở đảm bảo các cam kết được thực thi. Ngoài ra, sau thời gian cam kết, không ai biết sản phẩm sẽ được vận hành ra sao.

Đáng chú ý, loại hình BĐS này chỉ sở hữu có thời hạn. Chính vì vậy, nhà đầu tư thứ cấp cần cân nhắc, tính toán sao cho hiệu suất đầu tư cao nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất, đồng thời, có kế hoạch gia hạn khi hết thời hạn sở hữu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cảnh báo: “Đầu tư là quyền lợi của khách hàng, đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro. Lợi nhuận càng nhiều, rủi ro càng lớn. Việc cam kết lợi nhuận lên tới 12 - 15% là quá khó khăn vì lợi nhuận của           condotel chủ yếu từ khách thuê phòng. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện được cam kết lợi nhuận là điều đương nhiên”.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai nhằm sớm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn đối với các loại hình bất động sản này. Hiện tại, các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó, đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, kinh doanh các loại hình căn hộ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh táo khi đầu tư condotel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO