Người dân địa phương phải chịu cảnh hàng đoàn xe chở cát chạy mịt mù gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù bãi tập kết cát trái phép tồn tại nhiều năm và cả những bãi mới mọc lên nhưng không hề bị cơ quan chức năng và chính quyền xử lý. Gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử có cuộc đi thực tế dọc theo đường Nghi Sơn - Bãi Trành trên địa bàn xã Phú Sơn, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng đoàn xe chở cát, có xe thì che bạt, xe thì để không chạy bạt mạng. Chỉ một đoạn đường khoảng chừng hơn 1 km chạy men theo lòng hồ Yên Mỹ có đến 5 bãi tập kết và kinh doanh cát trái phép gồm các bãi của các ông, bà: Hồ Văn Tiếp, Cù Thị Nhung, Hoàng Văn Hùng, Hoàng Văn Lường...
Bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép của ông Hồ Văn Tiếp |
Theo tìm hiểu của Phóng viên, các bãi tập kết, kinh doanh cát này tồn tại “ngang nhiên” nhiều năm nay, mỗi ngày bãi bán được hơn 100 xe cát/bãi, tương đương với khoảng 1.000 m3 cát/bãi, với giá bán hiện tại là 60.000 đồng/m3 thì mỗi ngày bãi cát này bán được 60 triệu đồng/bãi. Nhất là vào thời điểm Khu Kinh tế Nghi Sơn đi vào san lấp mặt bằng và xây dựng các công trình có thời điểm không đủ cát để bán.
Bãi tập kết cát mới lập của ông Đ, khi thấy người lạ đã bỏ đi hết |
Có mặt tại bãi tập kết cát của người có tên là Đ tại thôn Tây Sơn, khi vừa thấy người lạ xuất hiện người lái máy xúc liền tắt máy đi ngay vào nhà không tiếp chuyện với ai. Hỏi người dân quanh khu vực được biết: Vì thấy lợi nhuận thu được từ tập kết và kinh doanh cát khá cao nên nhiều người thi nhau lập bãi. Bãi cát của gia đình ông Đ trước kia là đất trồng đào, trồng mía, nhưng vì lợi nhuận thấp nên cho thuê để lập bãi. Tuy bãi mới được lập nhưng bán cũng khá, lượng cát tập kết về mỗi ngày khoảng chục thuyền.
Đi vòng ra sau bãi cát là hồ Yên Mỹ, cũng là đúng lúc một tàu hút cát đang cập bến. Chủ thuyền hút cát cho biết: "Tôi không trực tiếp làm bãi, nhưng khi chủ bãi cát nào cần cát là tôi cho thuyền ra giữa hồ tìm chỗ nào có cát thì lấy. Nhưng khi hỏi chủ thuyền cát bán bao nhiêu tiền một khối thì chủ thuyền nhất quyết không nói".
"Vòi rồng" được dăng như tơ để chuẩn bị hút cát |
Tại bãi tập kết kinh doanh cát của hộ gia đình ông Hồ Văn Tiếp tại thôn Tây Sơn, chúng tôi chứng kiến cả khoảng đất rộng hàng héc-ta được chất đầy cát, hai chiếc máy xúc công suất lớn đang xúc những gầu cát đưa lên xe ô tô để đưa đi các công trình trong huyện và Khu kinh tế Nghi Sơn. Dưới lòng hồ, Chủ bãi cát vừa hút trực tiếp, vừa hút từ thuyền lên bãi.
Được biết, ngày 23/10/2015, Công an huyện Tĩnh Gia có Quyết định số 03/QĐ-XPHC về việc xử phạt hành chính đối với ông Hồ Văn Tiếp với hành vi: Khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không có giấy phép khai thác khoáng sản. Đã vi phạm Điểm b, Khoản 1, Điều 37, Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ. Theo đó, xử phạt hành chính hộ gia đình ông Hồ Văn Tiếp 8 triệu đồng
Ông Trần Văn Kh, nhà ở gần bãi cát bức xúc cho biết: "Gia đình tôi sống ở đây đã lâu, nhưng từ khi có các bãi tập kết, kinh doanh cát mọc lên ở đây chúng tôi khốn khổ, xe chở cát chạy bất kể ngày đêm, mưa nắng, các cháu nhỏ không học được vì xe đi lại quá nhiều. Trời nắng thì khói bụi mịt mù, trời mưa thì đường lầy lội ô nhiễm, ngay cả nhà tôi có đất ruộng để trồng mía năng suất cũng thấp không biết có phải do ô nhiễm hay không?".
Tàu hút cát đang cập bãi cát |
Lý giải về vệc tập kết và kinh doanh cát trái phép, đa số các chủ bãi đều cho rằng: "Vì thấy đất của bà con để hoang cũng phí nên thuê để làm, biết là sai nhưng “các anh ấy” cũng tạo điều kiện để cho làm, còn cát chúng tôi mua của dự án nạo vét lòng hồ Yên Mỹ, có hóa đơn chứng từ đoàng hoàng".
Nhưng khi được hỏi: "Việc lập bãi tập kết, kinh doanh cát các anh biết là sai sao vẫn làm?, còn việc lấy cát từ lòng hồ Yên Mỹ lên tập kết trên bãi thì vừa rồi UBND tỉnh có Công văn tạm ngừng khai thác của dự án. Vậy thì các anh lấy hóa đơn đâu mà nói là hợp pháp?"; thì các chủ bãi đều không nói gì.
Ngày 04/12/2015, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tĩnh Gia phối hợp với UBND xã Phú Sơn đã Biên bản kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết cát đối với các hộ ông, bà: Hồ Văn Tiếp, Hoàng Văn Hùng, Hoàng Văn Lường, Cù Thị Nhung. Trong Biên bản của ông Hồ Văn Tiếp ghi rõ: “Diện tích bãi tập kết khoảng 12.000 m2,, khối lượng cát tập kết khoảng 5.000 m3, đất khoảng 2.000 m3. Nguồn gốc đất là đất nông nghiệp khai hoang của các hộ gia đình thôn Tây Sơn và một phần diện tích do UBND xã quản lý. Biện pháp khai thác là bơm hút trực tiếp từ lòng hồ lên bãi chứa, không qua bể lắng lọc và xử lý nước thải chảy tràn trực tiếp ra bãi và đổ xuống hồ…”
Tàu hút cát vừa cập bến để chuẩn bị hút cát. Mặc dù lệnh dừng của UBND tỉnh đã có hiệu lực |
Bãi của ông Hoàng Văn Hùng có diện tích khoảng 10.000 m2, khối lượng tập kết khoảng 12.000 m3. Còn tại bãi của bà Cù Thị Nhung có diện tích khoảng 2.000 m2, khối lượng khoảng 1.000 m3. Nguồn gốc đất của 2 bãi này là đất nông nghiệp và một phần đất hoang do UBND xã quản lý. Qua kiểm tra cho thấy biện pháp thi công hút cát tại bãi là bơm hút trực tiếp từ lòng hồ lên bãi, không qua bể lắng, bơm tràn ra bãi, nước chảy trực tiếp ra khe.
Ngày 22/2/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1522/UBND-CN với nội dung: Đồng ý theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường đồng ý dừng dự án xã hội hóa nạo vét hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong đó có hồ Yên Mỹ kể từ ngày 1/3/2016. Lý do, các dự án trên chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh môi trường và các quy định có liên quan về nạo vét có tận thu khoáng sản làm vật liệu san lấp
Rõ ràng việc lập bãi tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn là trái phép, còn việc các chủ bãi tập kết các lý giải là mua cát các của dự án có hóa đơn chứng từ là hợp pháp. Nhưng không hiểu tại sao, Công văn 1522 dừng khai thác, nạo vét lòng hồ Yên Mỹ kể từ ngày 1/3/2016, các chủ bãi vẫn không thực hiện. Nhiều người hoài nghi đặt câu hỏi: Phải chăng có ai đó “ chống lưng” nên cát tặc mới ngang nhiên lộng hành như vậy?.
Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra, làm rõ những khuất tất trên.
Bài & ảnh: Tuyết Trang -Tùng Minh