Tĩnh Gia – Thanh Hóa: Dân bức xúc việc nhà máy chế biến hải sản xả thải gây ô nhiễm

23/05/2016 00:00

(TN&MT) - Vừa qua Báo Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được phản ánh của nhân dân thôn Tiền Phong, Tân Hải, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) về tình trạng các nhà máy chế biến hải sản đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây. 

Nhiều người dân sống ở thôn Tiền Phong, xã Hải Bình cho biết: “Đã nhiều năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ các nhà máy chế biến hải sải. Các loại cá sau những chuyến đi biển tùy từng chủng loại mà phân ra để làm bột cá, chả cá… nhưng tất cả các sản phẩm ra đời thì đều phải qua công đoạn ép và sấy khô. Vì vậy mà trời nắng thì mùi tanh hôi thối bốc ra từ các nhà máy, phát tán vào dân cư gây ô nhiễm bầu không khí, nhiều hộ phải đóng cửa cả ngày nhưng vẫn không thể ngăn nổi mùi tanh thối nồng nặc khó chịu. Đó là chưa kể đến những hôm động trời, mùi tanh thối kèm với ruồi muỗi tràn vào nhà dân càng khiến người dân bất an, đồ ăn thức uống không che chắn kịp thời là kín đặc cả ruồi muỗi. Còn nước thải của các nhà máy được xả thẳng ra sông Bạng đã nhiều lần làm thủy hải sản chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho bà con”.

Nguyên liệu phục vụ sản xuất đổ tràn lan tại Công ty Ngọc Sơn
Nguyên liệu phục vụ sản xuất đổ tràn lan tại Công ty Ngọc Sơn

Trên địa bàn xã Hải Bình có 3 Công ty chế biến hải sản là Công ty CP TM vận tải và chế biến hải sản Long Hải (Công ty Long Hải), Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn (Công ty Ngọc Sơn), Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa. Các công ty này chủ yếu là chế biến chả cá, bột cá. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất là cá tươi thu mua tại bến neo đậu tàu thuyền của Cảng cá Lạch Bạng và các cảng lân cận.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo bờ sông Bạng với thời tiết nắng chói chang đến điểm xả thải của Công ty Long Hải. Ngay tại bờ sông Bạng là một hệ thống cống to được Công ty Long Hải xả trực tiếp ra sông. Tại đây nguồn nước mà Công ty thải ra có màu đục, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Người dân nơi này cho biết: "Nếu hôm nào trời mưa to thì họ lại xả nhiều hơn và nguồn nước có màu đen ngòm, còn trời nắng như hôm nay thì bốc lên mùi hôi thối. Các vỏ bao bì từ các nhà máy thì họ vứt la liệt khắp nơi, ruồi nhặng bâu đầy. Người dân chúng tôi vô cùng bức xúc, kiến nghj nhiều với các cơ quan chức năng rồi, nhưng còn việc xả thải của công ty thì họ vẫn xả. Không những thế, có hôm 3 ống xả khói của Công ty hoạt động khói bay mù mịt, mùi hôi khó chịu". 

Từ nguyên liệu, vỏ bao bì của Công ty Ngọc Sơn đổ khắp nơi dòi bọ, ruồi bu lúc nhúc bốc mùi hôi thối
Từ nguyên liệu, vỏ bao bì của Công ty Ngọc Sơn đổ khắp nơi dòi bọ, ruồi bu lúc nhúc bốc mùi hôi thối

Trao đổi về về vấn đề này, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Long Hải cho biết: “Công ty hoạt động chế biến hải sản đông lạnh như mực, cá. Sản phẩm là chả cá khoảng 2.200 tấn /năm, bột cá 2.500 tấn/ năm. Nước thải từ khâu chế biến chả cá, bột cá được thu gom và bơm về hệ thống xử lý nước thải tập trung rồi qua các bể lắng có công suất 600m3/ngày/đêm sau đó thải ra sông Bạng". Về nguồn nước thải hiện tại đang xả ra sông Bạng có màu đục, mùi hôi thối thì ông Tùng lý giải "đây là nước làm mát có màu đục và hôi thối là do cặn lơ lửng của bột cá chảy ra theo, nguồn nước này không ảnh hưởng đến môi trường và được phép xả ra sông Bạng”.

Từ nguyên liệu, vỏ bao bì của Công ty Ngọc Sơn đổ khắp nơi dòi bọ, ruồi bu lúc nhúc bốc mùi hôi thối
Từ nguyên liệu, vỏ bao bì của Công ty Ngọc Sơn đổ khắp nơi dòi bọ, ruồi bu lúc nhúc bốc mùi hôi thối      

Tuy nhiên, theo kết quả phân tích chất lượng môi trường của Sở TN&MT Thanh Hóa kiểm tra trong năm 2015 tại Công ty Long Hải cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép. Các chỉ tiêu phân tích nước thải sau hệ thống xử lý khí thải ra sông Bạng có chỉ tiêu BOD5 vượt 1,15 lần, chỉ tiêu COD vượt 1,14 lần, chỉ tiêu Amoni theo N vượt 1,17 lần quy chuẩn cho phép; Nước thải sau hệ thống xử lý tập trung ra sông Bạng có chỉ tiêu Amoni theo N vượt 1,2 lần quy chuẩn cho phép.

Ống khói xả ra từ Công ty Long Hải
Ống khói xả ra từ Công ty Long Hải

Ngày 7/5/2016, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa kiểm tra các nhà máy chế biến hải sản đóng trên địa bàn xã Hải Bình, kết quả kiểm tra tại Công ty Long Hải cho thấy chất thải nguy hại chưa được thu gom triệt để về kho chứa còn để ngoài trời, chưa lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại. Chất thải rắn, rác thải còn để tồn đọng nhiều nơi. Báo cáo giám sát chất lượng môi trường định kỳ chưa đúng.

Về phía Công ty Ngọc Sơn, đoàn kiểm tra cũng cho thấy tại khu vực sản xuất nước thải, chất thải tồn đọng chưa có biện pháp thu gom, xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hệ thống xử lý khí thải chưa thay thế nước thường xuyên và được xây lắp không đúng theo nội dung đề án BVMT, không có bể khử trùng, hệ thống phân tích nước mặt chưa được xây dựng. Tại đây đoàn kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đo đạc chất lượng khí thải ống khói dây chuyền sản xuất bột cá và lấy nước thải ra môi trường để phân tích đối với Công ty Long Hải và Công ty Ngọc Sơn. Nếu kết quả phân tích vượt quy chuẩn cho phép sẽ tiếp tục xử lý vi phạm theo quy định.

Trên cơ sở đó, ngày 11/5/2016, Thanh tra Sở TN&MT Thanh Hóa có Quyết định số 14 và 15/QĐ-XPHC xử phạt Công ty Ngọc Sơn 40 triệu đồng và Công ty Long Hải 30 triệu đồng

Nước thải của Công ty Long Hải xả ra sông Bạng có màu đục, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc
Nước thải của Công ty Long Hải xả ra sông Bạng có màu đục, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc

Ông Nguyễn Văn Chi – Chủ tịch UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia cho biết: “Các nhà máy chế biến hải sản đóng trên địa bàn có gây ra mùi hôi thối, tanh khó chịu như bà con phản ánh là đúng”. 

Việc các nhà máy chế biến hải sản tại xã Hải Bình gây ô nhiễm môi trường đã và đang khiến dư luận bức xúc. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xử lý nghiêm minh những sai phạm trên.

                                                          Bài & ảnh: Thu Thủy - Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tĩnh Gia – Thanh Hóa: Dân bức xúc việc nhà máy chế biến hải sản xả thải gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO