Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phổ, các cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về các điển hình tốt thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bảo vệ rừng; tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia giám sát. Đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về nội dung chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai còn yêu cầu UBND thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, Ia Grai, Chư Pah, Kbang, Mang Yang, Đak Đoa chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; duy trì hoạt động của các Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra các vụ khai thác, phá rừng, lấn, chiếm đất quy hoạch phát triển rừng gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm đã phát hiện; tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý...
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện tượng lâm tặc phá rừng, các đơn vị chủ rừng làm mất rừng diễn ra rất "nóng". Mới đây nhất, tại xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, cơ quan chức năng phát hiện có hơn 164m3 gỗ thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly bị lâm tặc tàn phá. Công an huyện Chư Pah đã đề nghị truy tố bị can Lê Công Hoàng (trú phường Yên Thế, TP Pleiku) về tội vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng; 17 đối tượng khác liên quan đến vụ phá rừng trên bị xử phạt hành chính. Sau đó, nhiều tập thể, cán bộ được giao quản lý khu rừng trên phải nghiêm khắc tự kiểm điểm, bị ngành chức năng phê bình...