Tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn: Tồn tại nhiều bất cập

21/03/2017 00:00

(TN&MT) - Đầu tư các dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp đang là chủ trương được Ngân hàng nhà nước ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang ngày càng thắt chặt bằng việc liên tục phát đi các thông điệp khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh “rót” vốn vào lĩnh vực này. Song để nguồn tín dụng này thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy, nông nghiệp, nông thôn “cất cánh” đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều rào cản.

80% doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay Việt Nam đã có nhiều chính sách để ưu đãi tập trung dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn và áp sàn dư nợ…Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 18-19% trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ –CP. Tính đến cuối tháng 6-2016, tổng số dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn chỉ ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 18% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Theo số liệu điều tra Tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam (VARHS) chỉ có hơn 38% số hộ nông dân có vay vốn tín dụng, trong số chỉ có gần 37% đã vay được tín dụng từ các ngân hành. Còn lại có tới hơn 63% vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức như họ hàng, bạn bè thậm chí là tín dụng đen. Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng cho thấy có trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp rất khó hoặc không thể tiếp cận nguồn vốn.

Chế biến gỗ tại Nhà máy Lâm sản Nam Định
Chế biến gỗ tại Nhà máy Lâm sản Nam Định

Từ thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại thời gian qua chưa thực sự ưu đãi khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại hầu hết là ngân hàng cổ phần. Vì vậy,  quyết định đầu tư của các nhà băng hoàn toàn phụ thuộc vào các cổ đông những người luôn lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro nhất và có lợi nhuận nhất. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp, thường được đánh giá là rủi ro cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn như: thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường… Ngay cả khi đã quyết định đầu tư tín dụng vào nông nghiệp mặc dù đã có quy định mức giảm dự trữ bắt buộc với ngân hàng thương mại về tỷ trọng nợ nông nghiệp khoảng 70% và áp sàn dư nợ phải bảo đảm không thấp hơn 20% tổng  dư nợ hàng năm thì các cổ đông cũng thường ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cần “ngốn” vốn tín dụng lớn như đê điều, kênh mương, đường giao thông…

Nhiều hợp tác xã khó “với” được các nguồn vốn

Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ của cá hộ nông dân, chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã đẩy mạnh hình thức cho vay theo tổ nhóm và hợp tác xã (HTX) để mở rộng quy mô từng khoản vay đồng thời nâng cao khả năng giám sát, quản lý vốn vay và giảm chi phí giao dịch.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỷ lệ HTX được vay vốn tín dụng thời gian qua là rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 cả nước chỉ có 0,67% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và cũng chỉ có 2,25% HTX nông nghiệp được tiếp cạn với quỹ hỗ trợ HTX.

Hiện tại các HTX nông nghiệp rất khó tiếp cận các khoản tín dụng dài hạn từ các ngân hàng thương mại do yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp. Mặc dù Nghị định 55/2015 cho phép các ngân hàng thương mại cho HTX vay tín chấp đến mức 3 triệu đồng/HTX nhưng các nhà băng vẫn yêu cầu HTX phải bảo đảm được các yêu cầu: có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, làm ăn có lãi liên tục trong 3 năm, HTX phải có chủ nhiệm không thay đổi. Đặc biệt, phải có báo cáo tài chính liên quan đến vấn đề khoanh nợ, xóa nợ. Tuy nhiên, phần lớn các HTX nông nghiệp thường không đáp ứng đủ các điều kiện này nên không tiếp cận được vốn vay ưu đãi.

Nhiều nông dân ĐBSCL đã đựơc vay vốn hỗ trợ mua máy móc trong thu hoạch lúa
Nhiều nông dân ĐBSCL đã đựơc vay vốn hỗ trợ mua máy móc trong thu hoạch lúa

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đánh giá : Nguyên nhân không hoàn toàn thuộc về phía ngân hành. Ngân hàng có nhiều vốn nhưng khó cho vay, bởi đa số các HTX không đáp ứng được những điều khoản, thủ tục cho vay. Hiện tại, phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng 6 không: Không trụ sở, không có hoặc rất ít vốn điều lệ, không có phương án sản xuất kinh doanh, không hạch toán, không có hợp đồng bao tiêu, về nhân sự, ban quản lý HTX thực sự không đáp ứng”.

Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hiện cả nước có khoảng 38 tỉnh/ thành phố thành lập và do Liên minh HTX tỉnh quản lý. Tuy nhiên, các quỹ này hầu như có số vốn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu vay của HTX. Bên cạnh đó, các sản phẩm tín dụng chuyên biệt cho khu vực nông nghiệp vẫn còn đơn điệu, như vay lưu vụ hay trong thu mua nông sản thiếu sự liên kết giữa các quỹ với nhau.

Đâu là giải pháp ?

Để chính sách tín dụng nông nghiệp đến được tay người dân một cách rộng khắp góp phần thúc đẩy sản xuất Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng trước hết cần đơn giản hóa cac thủ tục và điều kiện vay vốn. Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ và các tài sản thế chấp khác cần xem xét các điều kiện khác có thể bảo đảm thế chấp để vay vốn ngân hành như tài sải trên đất, dự án đầu tư, hợp đồng bảo hiểm… của hộ nông dân. HTX...

Bên cạnh đó, theo ông Thành thời gian tới cần phải tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại, Chính phủ nên có các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp chung và dài hạn. Đồng thời tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp đối với một số nông sản chủ lực trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ  hỗ trợ tín dụng trng ngành ngân hàng có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, am hiểu đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật cũng như các cơ chế chính sách liên quan đến khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Ở những địa phương có trình độ dân trí thấp, các tổ chức tín dụng chính thức ngoài việc cho vay nên có chủ trương hướng dẫn người dân cách sử dụng vốn hợp lý, giúp họ xây dựng phương án phù hợp để quản lý nợ và rủi rõ.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay nhiều đồng bào dân tộc  ở Yên Bái đã có nguồn vốn để phát triển cây cải vàng
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay nhiều đồng bào dân tộc ở Yên Bái đã có nguồn vốn để phát triển cây cải vàng

Về lâu dài, theo Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp thì không chỉ 1 xã, một hộ dân hay 1 dự án là xong mà phải làm đồng bộ, có được một ý tưởng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Đồng thời người nông dân cần phải có một mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp nếu không tiền cho vay với nông dân sẽ vẫn chỉ như "muối bỏ biển".

Sỹ Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn: Tồn tại nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO