Tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất bằng thiết bị điện thoại di động

21/02/2019 17:20

(TN&MT) - Theo nghiên cứu của Tổ chức Nhân đạo quốc tế (OXFAM), Biến đổi khí hậu đã làm cho các vụ thảm họa thiên nhiên tăng gấp 4 lần trong 20 năm trở lại đây. Số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên không ngừng gia tăng. Việc giảm thời gian tìm kiếm, phát hiện nạn nhân là vấn đề rất quan trọng, quyết định mạng sống của các nạn nhân. Để có thêm phương án cứu hộ hiệu quả, vừa qua, Bộ môn Tác chiến điện tử, Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam đã giới thiệu mô hình Mô phỏng hiện trường thảm họa bằng thiết bị điện thoại di động nhằm tìm kiếm chính xác vị trí của nạn nhân cũng như khái quát vị trí xung quanh để có thể tìm kiếm nạn nhân một cách nhanh nhất.

T11
Ứng dụng công nghệ định vị điện thoại di động vào phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: MH

Thông thường, mỗi nạn nhân đều mang theo người ít nhất 1 máy điện thoại di động, trong trường hợp nạn nhân bị bất tỉnh, hay bị đất đá vùi lấp không thể nào thực hiện được cuộc gọi trong khi điện thoại vẫn có thể hoạt động được. Lúc này việc xác định được vị trí điện thoại tương ứng với việc xác định được vị trí nạn nhân. Về mặt kỹ thuật, một thiết bị điện thoại sẽ được định vị khi có đầy đủ các tham số như: Số nhận dạng thiết bị di động IMEI (International Mobile Equipment Identity) và Số nhận dạng thuê bao di động MSIN (Mobile subscriber Identification Number). Thông qua phương pháp định vị này có thể xác định được từng nạn nhân, từ đó, biết được nạn nhân là ai, ở vị trí nào để phục vụ các bước cứu hộ. Cũng thông qua cách này có thể nhanh chóng mô phỏng toàn bộ hiện trường cứu hộ trên một bản đồ với số lượng gần đúng của số nạn nhân, phân bố tập trung họ ở từng khu vực một như thế nào.

Theo báo cáo từ đề tài nghiên cứu, hiện các thiết bị giả lập BTS (trạm định vị) hiện nay đều do các nước Ixaren, Đức, Nga… chào hàng vào Việt Nam và chủ yếu chỉ giành cho lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và với giá thành rất cao. Các giải pháp về công nghệ trong những thiết bị này đều được các hãng giữ bí mật hoàn toàn, không công bố mà chỉ hạn chế trong hướng dẫn sử dụng thiết bị mà thôi, do đó việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới tự chủ chế tạo thiết bị giả lập trạm BTS trong nước là một hướng đi đúng đáp ứng các mục đích của quốc phòng an ninh và có thể sử dụng trong tìm kiếm cứu nạn trong thảm họa thiên tai ở Việt Nam.

Giả lập BTS là hệ thống chủ động dò tìm, xác định, định vị trên mạng GSM/UTMS và sử dụng công nghệ can thiệp chủ động thực hiện các hoạt động của nó. Phụ thuộc vào các kiểu hoạt động và vị trí của giả lập BTS được sử dụng, nó sẽ hoạt động trên các dải tần số sau: Dải 850 MHz, Dải 900 Hz, Dải 1700 MHz, Dải 1800 MHz, Dải 1900 MHz, Dải 2100 MHz. Điện thoại di động có thể tìm thấy trạm giả lập BTS trước khi nó cố gắng đăng ký.

Để thiết bị hoạt động như một BTS giả lập với chức năng định vị, tìm kiếm, người ta sẽ đưa thiết bị đến gần, áp sát hiện trường vụ tai nạn và xác định vùng cần định vị phù hợp với công suất phủ sóng của thiết bị (đường kính phủ sóng 30 - 50 mét; 100 - 500 mét tùy thiết kế). Sau đó, khởi động thiết bị, tạo vùng phủ sóng của thiết bị tại vùng cần định vị lớn hơn công suất phát của nhà mạng để các máy điện thoại (ME) thâm nhập vào vùng phủ sóng của thiết bị giả lập BTS (lúc này các thuê bao-MS sẽ dò quét và xâm nhập vào BTS giả lập). Thiết bị định vị khi hoạt động sẽ chủ động phá toàn bộ các sóng vô tuyến của các nhà mạng, bao gồm cả sóng 2G, 3G như đã phân tích ở trên, từ đó, thiết bị phát ra sóng vô tuyến 2G để bắt buộc các máy điện thoại trong vùng phủ sóng của thiết bị phải tự động điều chỉnh về dải tần của 2G mới có thể rà quét và thâm nhập vào thiết bị giả lập BTS. Các ME sau khi thâm nhập sẽ gửi các thông tin về thiết bị như: Số nhận dạng thiết bị di động IMEI (International Mobile Equipment Identity); số nhận dạng thuê bao di động IMSI (International Mobile Subcriber Identity) để phục vụ cho việc nhận định và xử lý các tiến trình định vị tiếp theo.

Đặc biệt, khi chưa xác định được các số thuê bao di động MSIN (Mobile Subscriber identification Number) của các nạn nhân, thiết bị sẽ tự động quét số lượng ME nằm trong vùng phủ sóng thông qua số IMEI và IMSI thu được sẽ phối hợp với nhà mạng cung cấp số thuê bao di động MSIN (Mobile Subscriber Indentificaion Number) được nhà mạng gán cho từng IMSI để xác định được những chủ sử dụng các thuê bao trên, từ đó, qua phân tích sẽ biết được ai là nạn nhân trong đống đổ nát. Trường hợp này có thể quét được tất cả các số MSIN nằm trong vùng phủ sóng của thiết bị, như vậy, có thể có những số MSIN nằm trong vùng lân cận (của người dân xung quanh khu vực cứu hộ).

Khi biết trước được các số thuê bao di động MSIN (Mobile Subscriber Indent Ificaion Number) của các nạn nhân, có thể phối hợp với các nhà mạng để xác định các số MSIN này đã được nhà mạng gắn với từng số IMSI (International Mobile Subscriber Idensity) nào, từ đó, căn cứ vào các số IMSI chính xác của các nạn nhân ấy để ấn định vào thiết bị nhằm điều khiển các IMSI thực hiện các thao tác phục vụ các tiến trình định vị tiếp theo.

Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị điện thoại di động vào phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn ở Việt Nam vẫn là vấn đề mới, nhóm nghiên cứu và tác giả đã chế tạo thử nghiệm thành công thiết bị giả lập BTS bằng nguồn vật tư có sẵn trên thị trường, các kết quả thử nghiệm đã khẳng định đầy đủ tính năng kỹ thuật như yêu cầu của trạm giả lập BTS, với ứng dụng này có thể bổ sung thêm một công cụ hữu ích có thể phục vụ tốt cho công tác tìm kiếm, cứu nạn ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất bằng thiết bị điện thoại di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO