Tìm kiếm bác sĩ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu

22/05/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 21/5, Bộ Y tế phối hợp với trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) tổ chức Hội thảo tham vấn với các địa phương, cơ sở đào tạo dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo
Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo

Căn cứ kết quả thu thập số liệu báo cáo của 63 tỉnh/thành, hiện tại số lượng bác sĩ của tuyến huyện chiếm 30% trên tổng số bác sĩ của cả nước (16.213/57.066 bác sĩ). Song trên thực tế ở một số bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện của các huyện nghèo, số lượng và chất lượng của đội ngũ bác sĩ còn nhiều bất cập, một số bệnh viện chỉ có 5- 8 bác sĩ, trong đó có 1- 2 BSCKI.

Theo ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Bộ Y tế chủ động xây dựng Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”, nhằm thu hút bác sĩ trẻ khá, giỏi mới ra trường tình nguyện về công tác tại tuyến huyện một số địa phương. Những địa phương này thường có điều kiện khó khăn, thiếu thốn bác sĩ, trong khi người dân lại rất cần. Dự án làm sao để có bác sĩ khá giỏi thực sự về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, qua đó giúp xóa đói giảm nghèo.

Ông Tác cho biết, Dự án chính thức triển khai năm 2014 và đến nay đã đào tạo được 4 khóa với 55 bác sĩ. Dự kiến cuối tháng 6 này sẽ phấn đấu lên khoảng 100 bác sĩ và đưa về một số bác sĩ về các huyện ở các tỉnh vùng sâu miền Bắc công tác.

Đông đảo sinh viên đến tham dự hội thảo
Đông đảo sinh viên đến tham dự hội thảo

Buổi hội thảo đã thu hút hơn 600 sinh viên đang theo học ngành y tại Huế tham gia. Cuối hội thảo, các sinh viên điền thông tin vào phiếu đăng ký, sau đó ban tổ chức sẽ rà soát lại để chọn ra những ứng viên tốt nhất.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp được chọn sẽ được tuyển dụng vào làm việc các bệnh viện tuyến TW. Sau đó, các em sẽ được cử đi học bác sĩ chuyên khoa I theo phương pháp đặc biệt 1 thầy 1 trò với hơn 70% thời lượng học là thực hành.Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Các bác sĩ trẻ cũng nhận được nhiều chế độ, phụ cấp ưu đãi. Sau khi kết thúc nghĩa vụ sẽ được trở về làm việc tại các bệnh viện tuyến TW đã tiếp nhận hoặc ở lại công tác lâu dài, hoặc công tác tại các cơ sở khám bệnh tuyến tỉnh theo nguyện vọng của mỗi cá nhân.

“Qua việc đào tạo, chúng tôi nhận thấy dự án rất tốt. Các bạn sinh viên rất thuận lợi khi tham gia đào tạo, phát huy tính tuổi trẻ, tình nguyện và trách nhiệm xã hội; qua đó có đầy đủ kỹ năng để lên đường phục vụ các huyện còn khó khăn...”- ông Tán chia sẻ.

Tin & ảnh:Thế Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm bác sĩ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO