Tìm giải pháp xử lý ô nhiễm biển miền Trung

14/07/2016 00:00

(TN&MT) - Các nhà khoa học đang phối hợp với Bộ TN&MT đánh giá khảo sát, đo đạc tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên – Huế, phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng Phenol và Xyanua còn lại. Kết quả này là cơ sở để đưa ra phương án xử lý ô nhiễm môi trường biển khu vực 4 tỉnh miền Trung.

Các nhà khoa học phối hợp với Bộ TN&MT đánh giá khảo sát, đo đạc tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên – Huế. Ảnh: MH
Các nhà khoa học phối hợp với Bộ TN&MT đánh giá khảo sát, đo đạc tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên – Huế. Ảnh: MH

“Nhờ” thiên nhiên can thiệp

Bàn về các giải pháp làm sạch môi trường biển bị ô nhiễm, PGS. TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Biển tự hấp phụ và tự động nhả hấp phụ, nồng độ chỗ nào cao, tự chuyển sang nơi có nồng độ thấp. Độc tố sẽ hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian. Trong môi trường nước, kể cả trong nước biển, vi sinh tự phân hủy được. Nếu kết quả khảo sát hàm lượng chất độc trong biển không còn nhiều, theo thời gian biển có thể tự làm sạch. Còn GS. TS Trần Nghi, khẳng định: Theo thời gian chắc chắn biển sẽ trở lại bình thường. Hệ sinh thái sẽ tự hồi phục và rất nhanh bởi dòng chảy đáy là đới ven bờ và liên tục từ Bắc đến Nam (mức độ ô nhiễm chủ yếu là ở đới ven bờ và lan ra đến độ sâu khoảng 30m). Việc phục hồi này chúng ta không cần phải can thiệp mà thiên nhiên sẽ làm.

Theo các nhà khoa học, các độc tố còn lại trên bề mặt nước, dần sẽ bị pha loãng và theo thời gian nước biển sẽ trở lại bình thường bởi dòng chảy nó không đứng yên. Những chất tích tụ ở dưới đáy biển, một phần nào đó theo thời gian, cũng sẽ phát tán lên dòng nước chảy ở đáy biển. Dòng chảy này liên tục chảy từ Bắc đến Nam và không cố định nên mức độ phát tán của nó hết sức nhanh theo thời gian. Độc tố sẽ dần hòa tan và giảm đi. Tuy vậy, để giải pháp phục hồi tự nhiên trở thành hiện thực, biển phải không tiếp nhận thêm chất thải hay tác động từ hoạt động đánh bắt của con người, nếu không các chất độc sẽ tiếp tục cộng hưởng, môi trưởng biển tiếp tục ô nhiễm. "Dù áp dụng phương pháp hay công nghệ nào trong xử lý môi trường biển, quan trọng vẫn là quản lý khai thác nguồn lợi từ ngư dân và hệ thống xả thải từ hoạt động của con người ra biển" - TS. Vũ Thành Ca (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) nói.

Hiện, có ý kiến cho rằng, để xử lý thu hồi chất độc hại cần phải hút trầm tích ở đáy biển lên. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học nhận định, điều này là không tưởng. Bởi lẽ, các chất độc tố không tập trung vào một chỗ mà phát tán toàn bộ đới biển ven bờ từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế, các chất này nằm ở trầm tích sét (trầm tích keo). Muốn hút được, phải biết các chất này nằm ở đâu? Các độc tố bị phát tán ở trầm tích đáy, chúng ta có hút 1 triệu năm cũng không hết được bởi lớp bùn ở dưới đáy biển được cung cấp liên tục từ sông, hồ ra. Trong khi đó, từ Hà Tĩnh cho đến Đà Nẵng, có quá nhiều sông ngòi. Vật liệu phù sa ở trên núi được đưa ra biển, trong đó, có đất sét, có cát… Dòng chảy ven bờ bao giờ cũng đi từ Bắc đến Nam. Các loại này nặng nên nó đi là là dưới đáy biển.

Phục hồi san hô bằng phương pháp nhân tạo

Sự cố xả thải của Formosa đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Theo các nhà khoa học, có 50% rạn san hô bị phá hủy và mất ít nhất 50 năm hệ sinh thái biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mới có thể phục hồi như trước.

Hiện nay, đối với các sự cố môi trường ở diện tích, khu vực nhỏ, để phục hồi các rặng san hô đã chết bởi nhiễm hóa chất độc, người ta sẽ phải dọn sạch hoặc di dời sang môi trường khác để phục hồi. Đối với những khu vực có diện tích bị nhiễm độc rộng, sẽ tạo môi trường, tạo cá thể, dùng nguồn san hô ở nơi khác để cấy.

Theo Th.S Nguyễn Trọng Lương, Viện KH&CN Khai thác thủy sản, Đại học Nha Trang, để khôi phục, tái tạo nguồn thủy sinh vật tại các tỉnh miền Trung, có thể dùng phương pháp nhân tạo tạo các rạn. Viện Hải Dương học đã tiến hành thử nghiệm di trồng san hô sống trên giá thể cứng (rạn nhân tạo bằng bê tông) tại Hòn Ngang, tỉnh Bình Định, Núi Thành (Quảng Nam), Hòn Mun (vịnh Nha Trang). Kết quả thử nghiệm san hô trồng trên các giá thể rạn sau 1 năm cho thấy, san hô phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 82,5% và mức độ phát triển khoảng 5 - 6 cm/năm. Kết quả nghiên cứu này khẳng định việc thả rạn nhân tạo là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phục hồi rạn san hô và tăng cường nguồn lợi hải sản 4 tỉnh miền Trung.

Tuy vậy, để áp dụng phương pháp này, trước mắt, phải kiểm tra xem trong nước có còn tồn tại những hoá chất độc không. Đồng thời, cũng phải kiểm tra trong trầm tích lượng chất độc còn bao nhiêu. Nếu nước và trầm tích an toàn, mới tính đến các biện pháp phục hồi. “Nếu trong trầm tích mà những chất độc còn lắng đọng, có phục hồi cũng vô nghĩa thôi - TS. Nguyễn Hữu Huân (Viện Hải dương học) nhấn mạnh.

Với mong muốn phục hồi nhanh hệ sinh thái biển nói chung, san hô nói riêng các chuyên gia đề nghị, cơ quan quản lý cần triệt để cấm đánh bắt cá bằng các hình thức hủy diệt và đánh bắt cạn kiệt, trong đó, có các loài có lợi cho san hô như cá dìa, cá mó... Bên cạnh đó, cần quản lý chặt Formosa và các công ty có hệ thống xả thải ra biển.

Linh Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp xử lý ô nhiễm biển miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO