Tiêu dùng thái quá

25/10/2018 15:59

(TN&MT) - Theo tính toán của tổ chức phi chính phủ mang tên Global Footprint Network (Mỹ) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), mặc dù, tốc độ sử dụng tài nguyên đã có xu hướng chậm lại, song tình trạng này vẫn không hề được kiểm soát và đến năm 2030, nhân loại sẽ tiêu thụ hết lượng tài nguyên trong một năm vào ngày 28/6 (gần nhất, năm 2017, tính đến ngày 2/8, nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên mà Trái đất có thể tái tạo trong một năm).

3
Những thành phố lớn đang “ngốn” nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm

Hội đồng Phát triển Châu Á thì cảnh báo: “Dân số ở các thành phố tăng thêm 44 triệu người mỗi năm, tương đương với 120.000 người mỗi ngày. Sự tăng trưởng này yêu cầu xây dựng hơn 20.000 ngôi nhà mới, 250 km đường giao thông mới và cơ sở hạ tầng bổ sung để cung cấp hơn 6 mega lít nước sạch”.

Cũng theo cảnh báo trên, mỗi năm, toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ tự nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36% - 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch. Đặc biệt, sự “lan nhanh” của các thành phố đang đẩy mức tiêu thị các nguồn tài nguyên lên ngày một cao.

Khi các thành phố phát triển quá mức sẽ tiêu thụ một lượng hàng hóa khổng lồ: năng lượng, lương thực thực phẩm và nước… Cũng chính từ đây, các loại rác, nước thải, khí ô nhiễm được đưa ra bên ngoài thành phố. Cả hai quá trình này đều phá vỡ sự cân bằng sinh thái - từ khu vực đô thị đến mức độ quốc gia và toàn cầu. Thế nên, người ta chống sự ra đời những thành phố siêu lớn do nó không đủ khả năng xử lý các loại rác thải làm ô nhiễm dòng chảy nước mặt, nước ngầm, ven biển…

4
Trái Đất ngày càng bị ô nhiễm và nguy cơ sẽ cạn kiệt tài nguyên trong tương lai gần. Ảnh: Internet

Sự phát triển đó đã “góp phần” làm nhiệt độ Trái đất khắc nghiệt hơn - thế là dẫn tới việc phải làm mát hoặc sưởi ấm các thành phố, như vậy, chi cho năng lượng lại cao hơn - hậu quả lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra.

Tại Việt Nam, hơn 20 năm qua chúng ta có thêm hơn 200 đô thị mới ở các quy mô, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người theo đó cũng giảm… Thế nhưng, dường như sự gia tăng này chưa có một tỷ lệ tương xứng về chất lượng sống tại các đô thị. Thêm nữa, do nguồn lực có hạn, nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị không theo kịp, mất cân đối với các yêu cầu của sự phát triển đô thị. Nước sạch thất thoát lớn, úng ngập, nhiều đô thị lớn không được bảo vệ trước triều cường, mưa lũ.

Không những thế, sự tăng trưởng xây dựng đang hủy hoại nguồn tài nguyên. Hàng vạn ha đất trồng lúa đang bị khai thác không thương tiếc để sản xuất vật liệu xây dựng. Rất nhiều núi bị khai thác nham nhở.

Theo báo cáo của Ủy ban Tài nguyên Quốc tế thuộc Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố, dân số thế giới dự đoán tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050, để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng này, lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác có thể tăng từ 85 tỷ tấn/năm lên tới 186 tỷ tấn/năm vào năm 2050. Như vậy, tốc độ Trái đất sẽ cạn kiệt tài nguyên trong tương lai ngày càng rút ngắn.

Tiêu dùng thái quá, tài nguyên sẽ ngày một cạn kiệt nhanh, gây ô nhiễm môi trường sống. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không có một tầm nhìn sâu rộng, dài hạn, chúng ta sẽ phải trả giá đắt.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu dùng thái quá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO