Ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn
Theo kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) của Bộ TN&MT ban hành theo Quyết định số 101/QĐ – BTNMT ngày 20/1/2014 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường (TCMT) đã soạn thảo và xây dựng gửi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành được 21 TCVN, 18 TCVN đang được Bộ KH&CN thẩm định trước khi ban hành. Trong năm 2014 cũng nghiên cứu và xây dựng 16 TCVN.
Đối với việc xây dựng và ban hành QCVN, trong giai đoạn 2008 – 2013, Bộ TN&MT đã rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới 44 QCVN. Trong đó, có 14 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh (nước, không khí, trầm tích, tiếng ồn, độ rung) và 30 QCVN về chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn, phế liệu...). Trong năm 2014, TCMT được giao rà soát, xây dựng 9 QCVN. Hiện 6 dự thảo quy chuẩn (nước thải ngành chế biến cao su thiên nhiên, chất lượng nước mặt, chất lượng nước ngầm, chất lượng nước biển ven bờ, nước thải công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải công nghiệp dệt may) cũng đang được xây dựng. Đồng thời, TCMT cũng đã xây dựng và ban hành một quy chuẩn môi trường riêng cho thủ đô Hà Nội và phối hợp với Hiệp hội sắn Việt Nam để nghiên cứu xây dựng quy chuẩn riêng cho ngành sản xuất tinh bột, dự kiến hoàn thiện và trình ban hành vào quý III năm 2015.
Quan trắc môi trường là việc làm hữu ích cho việc xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn |
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường đã ban hành của Việt Nam là cơ sở để đánh giá chất lượng môi trường xung quanh và kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người gây ra. Xuất phát từ thực tế sản xuất kinh doanh và sự phát triển của một số ngành nghề công nghiệp, Bộ TN&MT cũng đã tiến hành xây dựng và ban hành một số quy chuẩn riêng cho các ngành công nghiệp đặc thù như công nghiệp lọc dầu, nhiệt điệt, thủy sản, cao su... mà công nghệ hiện tại khó đáp ứng được quy chuẩn chung.
Những năm qua Bộ TN&MT cũng thường xuyên cập nhật thông tin về những khó khăn cũng như bất cập trong công tác áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn để rà soát sửa đổi cho phù hợp. Công tác phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cũng được duy trì thường xuyên. Hàng năm, cán bộ của các Sở TN&MT thuộc 63 tỉnh thành, ban quản lý các khu công nghiệp, các hiệp hội ngành nghề... đã được tham gia tập huấn, phổ biến các quy chuẩn mới theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Dần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý ở cấp địa phương, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện hành đã được hoàn thiện hơn đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường giai đoạn hiện nay, góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường. Việc có một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cùng với các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp đã đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở sản xuất kinh doanh khi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn môi trường trước đây.
Trong năm 2015, TCMT sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng 14 TCVN và 11 QCVN theo Quyết định 525 đã được ban hành đồng thời sẽ kiến nghị Bộ TN&MT lên kế hoạch xây dựng bổ sung 8 QCVN.
Tuy nhiên, hiện việc áp dụng và thực TCVN, QCVN cũng gặp nhiều khó khăn. Năng lực của các cơ quan quản lý môi trường một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống quan trắc môi trường chưa đầy đủ và đồng bộ cũng gây khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng chưa đồng bộ cụ thể nên chưa thực sự phù hợp khi áp dụng. Ngoài ra mặt bằng trình độ công nghệ của các loại hình doanh nghiệp, các khu vực là khác nhau nên gây khó khăn cho quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đối với khu vực làng nghề, với trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ thì việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện hành là cực kỳ khó khăn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng...
Để từng bước khắc phục những khó khăn, theo lãnh đạo của Tổng cục Môi trường cần phải nghiên cứu, rà soát và sớm ban hành thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các loại hình sản xuất đặc thù. Bên cạnh đó, để tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng trong thực tế cần tăng cường công tác phổ biến và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cho các đối tượng có liên quan.
Nguyễn Cường