Tiêu chuẩn nào để đê biển chống được lũ, ứng phó BĐKH, nước biển dâng?

24/12/2013 00:00

(TN&MT) - Hệ thống đê biển xây dựng từ lâu, thực hiện bằng lao động thủ công và các công cụ đơn giản, cho nên còn nhiều khiếm khuyết, chưa bảo đảm an toàn.

(TN&MT) - Hệ thống đê biển được xây dựng từ ngàn xưa, thực hiện bằng lao động thủ công và các công cụ đơn giản, cho  nên còn nhiều khiếm khuyết, chưa bảo đảm an toàn của nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, nâng cấp, xây dựng một hệ thống đê biển vững chắc, làm thành lũy bảo vệ dân cư và các vùng kinh tế là nhiệm vụ to lớn, đặt lên hàng đầu. Để có cơ sở khoa học cho các tiêu chuẩn thiết kế lũ, đê biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam và giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai (BĐKH.61) và giao cho Viện Thủy văn Môi trường và BĐKH, Đại học thủy lợi thực hiện.
   
Thực trạng hệ thống đê biển
   
  Theo chiến lược biển Việt Nam tới năm 2020 và tầm nhìn 2030 thì biển và vùng ven biển trở thành khu vực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðể đạt được mục tiêu đó, hàng loạt các cơ sở hạ tầng, trung tâm kinh tế - xã hội sẽ hình thành dọc ven biển, trong đó tuyến đường bộ dọc theo bờ biển sẽ được xây dựng. Và thực tế, những năm qua, hệ thống các công trình bảo vệ bờ biển, đê kè biển đã được quan tâm đầu tư, củng cố. Tuy nhiên, do sự đầu tư chưa đủ mạnh, cho nên các tuyến đê được nâng cấp mới chỉ có thể chống chịu được bão cấp 9, mực nước triều tần suất 5% và phần lớn gặp sự cố khi bão đổ bộ vào bờ, như năm 2005, một loạt hệ thống đê từ Hải Phòng tới Thanh Hóa bị vỡ do bão gây ra. Nguyên nhân dẫn đến hư hỏng của hệ thống đê biển chủ yếu là do thiết kế, thi công, sử dụng và quản lý. Theo Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Vũ Văn Tú, mùa mưa bão năm nay, trên cả nước, hệ thống đê bao, đê nhỏ còn nhiều đê trong tình trạng không an toàn. Có những tuyến đê khi đắp lên do tính toán, quy hoạch chưa phù hợp, cho nên nếu xảy ra lũ, bão bất thường thì có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
   
  Qua khảo sát tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng cho thấy, từ năm 2006, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam", nhiều tuyến đê biển đã được quan tâm đầu tư, nâng cao. Tại tỉnh Quảng Ninh có 160 km đê nằm trong Chương trình này, trong đó có đê Hà Nam thị xã Quảng Yên có khả năng chống bão cấp 10, thủy triều 5%; các tuyến còn lại chống bão cấp 9, thủy triều 5%. Mặc dù trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng đến nay, tuyến đê Hà Nam đã được nâng cấp 20,5 km; tuyến còn lại dài 13,17 km tiếp tục được nâng cấp trong thời gian tới. Một số tuyến đê khác như Hải Long-Bình Ngọc, Hải Xuân (TP Móng Cái), Quảng Minh, huyện Hải Hà, Hà Dong, huyện Tiên Yên, Trường Xuân, huyện Cô Tô; Hang Son, Vành Kiệu III (TP Uông Bí)... cũng được đầu tư nâng cấp, với tổng chiều dài được nâng cấp gần 40 km, bảo đảm chống bão cấp 9 thủy triều 5%. Cũng giống như Quảng Ninh, TP Hải Phòng hiện có hơn 420 km đê, 73,3 km kè và 393 cống dưới đê. Ðặc biệt, tuyến đê, kè biển từ Bến Gót đến Gia Lộc trên đảo Cát Hải (huyện Cát Hải) dù được đầu tư tu bổ, gia cố, nhưng vẫn luôn trong tình trạng bị uy hiếp mỗi khi bão xuất hiện hoặc nước biển dâng...
   
   
  Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín, với tổng chiều dài gần 600 km. Với địa hình đặc biệt, cao trình mặt đất tự nhiên của Thái Bình rất thấp, về mùa lũ, mực nước sông thường cao hơn mặt đất tự nhiên từ 3 đến 5 m. Nếu vỡ đê bất cứ chỗ nào thì một nửa tỉnh sẽ bị ngập sâu từ 2 đến 4 m nước trở lên, hoặc vỡ đê biển thì hàng nghìn ha đất canh tác bị nhiễm mặn phải cải tạo, thau rửa nhiều năm mới hồi phục được. Chính vì vậy,  việc bảo đảm an toàn các tuyến đê, nhất là đê biển được chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm. Hiện, các tuyến đê biển số 5, 6, 7, 8 đều có những biện pháp gia cố hữu hiệu.
   
  Ðiển hình trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng về cơ chế phá hoại bãi ven bờ là tỉnh Nam Ðịnh. Với 91 km đê biển trải dài qua ba huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng; trong đó có 51 km đi qua nền đất cát và 45 km tiếp giáp trực diện với biển. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh đã nâng cấp  hơn 56 km đê biển, xây tám cống qua đê, 46 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê. Toàn bộ hệ thống công trình được nâng cấp theo tiêu chuẩn công trình cấp III, chống gió bão cấp 10 tổ hợp với triều tần suất 5%. Trao đổi với chúng tôi, Chi cục Phó Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Nam Ðịnh Ðặng Ngọc Thắng cho biết, Nam Ðịnh luôn xác định an toàn đê biển gắn liền với an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, môi sinh, môi trường của vùng dân cư do tuyến đê bảo vệ. Do vậy, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng đê luôn được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, từ sau cơn bão số 7 năm 2005 đến nay, nhiều tuyến đê biển chưa được thử thách với bão và nhiều hệ thống kè lát mái đã xảy ra hư hỏng. Mặt khác, theo tiêu chuẩn về đê biển mới ban hành năm 2012 thì 100% hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh không đạt yêu cầu.
   
Đề xuất giải pháp cụ thể, bền vững
   
  Theo xu thế phát triển chung, vùng ven biển nước ta là một vùng kinh tế trọng điểm năng động và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, du lịch, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất (tăng nuôi trồng thủy, hải sản) và khôi phục các làng nghề truyền thống, thì tuyến đê nói chung và đê biển nói riêng sẽ không chỉ có mục tiêu ngăn lũ, ngăn mặn mà còn phải kết hợp đa mục tiêu, vừa ngăn lũ, kiểm soát mặn, bảo đảm an toàn cho người dân, kinh tế cho vùng đê bảo vệ, đồng thời kết hợp là tuyến đường giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, an ninh quốc phòng. Ðiển hình như việc đầu tư nâng cấp và làm mới 50 km đường ven biển trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước; bảo đảm giao thông thông suốt để phục vụ công tác phòng chống lụt bão cho các tuyến đê biển, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
   
  Hiện nay, dọc các tỉnh ven biển đã có hệ thống đê, với các quy mô khác nhau được hình thành qua nhiều thế hệ, bảo vệ cho sản xuất, dân sinh, kinh tế của các vùng trũng ven biển. Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần ổn định đời sống người dân vùng ven biển nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, cần khẩn trương quy hoạch một cách khoa học các tuyến đê biển. Nhà nước cần có tiêu chuẩn an toàn cho đê biển, đưa ra một mức an toàn ứng với một tần suất thiết kế nào đó mà mức độ rủi ro của vùng được đê bảo vệ là chấp nhận được, phù hợp điều kiện của nước ta hiện nay. Mặt khác, khi lập quy hoạch đê biển, cao trình đỉnh đê của một tuyến đê phụ thuộc vào cấp của công trình (cấp công trình phụ thuộc vào diện tích, dân số trong vùng, độ ngập sâu khi có sự cố đê và tính chất quan trọng khác trong vùng được đê bảo vệ). Tuy nhiên, cấp công trình đê biển hiện nay chưa được làm rõ ràng. Ðặc biệt tại tỉnh Nam Ðịnh, nơi "biển tiến bãi thoái", nhiều tuyến đê được xây dựng dọc bờ biển tiến, không có rừng chắn sóng bảo vệ, phần đất được bảo vệ phần lớn là ruộng lúa, đồng muối và khu dân cư. Vì vậy, việc lựa chọn cao trình đê tối ưu về kinh tế nên được xem xét lựa chọn. Mặt khác đây là vùng biển tiến, do đó việc đầu tư xây dựng hai tuyến đê là rất cần thiết để giảm thiệt hại khi có bão lớn gặp triều cường.
   
  Đặc biệt, khi Đề tài nghiên cứu khoa học BĐKH.61 hoàn thiện, sẽ cung cấp bộ tiêu chí về hiểm họa, vỡ đập, vỡ đê biển và tiêu chí sự cố trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đề xuất Bộ tiêu chuẩn thiết kế lũ và thiết kế đê biển trong điều kiện BĐKH; ứng dụng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn vào thực tế, giải quyết vấn đề còn tồn tại trong thiết kế hiện nay của hệ thống đê điều.
   
Hoàng Dương
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chuẩn nào để đê biển chống được lũ, ứng phó BĐKH, nước biển dâng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO