Tiếp vụ cấp "nhầm" sổ đỏ vào đất nhà thờ tổ họ Nguyễn: Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm?

14/09/2017 00:00

(TN&MT) – Dù UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp “nhầm” sổ đỏ khu vực đất nhà thờ tổ họ Nguyễn (số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế) cho một cá nhân trong dòng họ nhưng khi đặt ra bài toán trách nhiệm, lỗi lại thuộc về chính ... người dân.

Cán bộ phụ trách làm hồ sơ phải chịu trách nhiệm?

Như báo TN&MT đã phản ánh trong bài viết trước, gần 10 năm qua, tập thể con cháu dòng họ Nguyễn (hiện sinh sống tại số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) miệt mài đi tìm câu trả lời tại sao UBND quận Hai Bà Trưng lại cấp sổ đỏ khu vực đất nhà thờ tổ của dòng họ - được di chúc thừa kế vĩnh viễn cho cả dòng họ - cho một cá nhân là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khải (một thành viên của dòng họ Nguyễn).

Phần nhà thờ và sân nhà thờ tổ họ Nguyễn đã bị tách đôi, phần nhà thờ thuộc thửa 118, phần sân nhà thờ thuộc thửa 119
Phần nhà thờ tổ họ Nguyễn thuộc thửa 118, trong khi phần sân nhà thờ lại thuộc thửa 119

Cụ thể, UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với hai thửa được đánh ký hiệu là 118, tờ bản đồ số 6H-IV-06 và 119, tờ bản đồ số 6H-IV-06 cho ông Nguyễn Trọng Khải và vợ là bà Trần Kim Oanh. Điều đáng nói là ngôi nhà thờ tổ và phần sân nhà thờ được di chúc làm sinh kế vĩnh viễn cho dòng họ lại nằm trên cả hai thửa đất 118 và 119.

Và dù rất nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, đồng thời Thành ủy, UBND TP. Hà Nội cũng nhiều lần có văn bản chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng làm rõ thông tin để trả lời người dân nhưng vụ việc cho tới thời điểm hiện nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Nhằm làm rõ những khúc mắc trong câu chuyện nêu trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế. Tại buổi làm việc, ông Toàn cho biết, việc làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa 118 và 119, phường căn cứ vào biên bản tự thỏa thuận trong việc phân chia nhà và đất thừa kế giữa ba ông Nguyễn Trọng Khải, Nguyễn Trọng Huy  và Nguyễn Trọng Tiến ký vào ngày 15/2/2002.

Theo biên bản tự thỏa thuận, đối với thửa 118, ông Khải được quyền sở hữu ngôi nhà gạch một tầng mái bằng, diện tích 37,4 m2 do ông này tự xây năm 1988. Phần còn lại là nhà thờ tổ được xây dựng từ năm 1930, diện tích 60 m2, ông Khải được quyền quản lý và sử dụng trong việc bảo tồn, thờ cúng tổ tiên theo di chúc thừa kế vĩnh viễn của dòng họ. Đối với thửa đất 119, ông Khải được quyền sở hữu và sử dụng phần đất có diện tích 179,3 m2 nhưng phải dành ra 50 m2 làm sân nhà thờ và 20 m2 làm lối đi chung.

Trả lời câu hỏi tại sao biên bản tự thỏa thuận đã ghi rất rõ ràng như vậy mà UBND phường Phố Huế vẫn làm hồ sơ để trình UBND quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với hai thửa nêu trên cho ông Nguyễn Trọng Khải, ông Nguyễn Song Toàn cho hay: “Đối với thửa đất số 118, đó là sơ suất của cán bộ phụ trách thời điểm đó làm hồ sơ. Riêng đối với thửa 119, ngôn từ trong đó gây hiểu nhầm rằng, ông Khải được quyền sở hữu toàn bộ thửa đất 119 nên mới vậy”.

Lỗi thuộc về UBND phường và người dân!

Chưa thỏa mãn với những lời giải đáp từ phía UBND phường Phố Huế, PV báo TN&MT tiếp tục liên hệ với UBND quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu thêm thông tin. Sau hơn 1 tháng đặt lịch, cuối cùng phóng viên cũng đã có buổi làm việc với bà Trịnh Lan Anh, cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hai Bà Trưng.

Biên bản thỏa thuận giữa các thành viên trong dòng họ ghi rõ, ông Khải chỉ được quản lý, sử dụng nhà thờ để thờ cúng tổ tiên theo di chúc thừa kế vĩnh viễn của dòng họ
Biên bản thỏa thuận giữa các thành viên trong dòng họ ghi rõ, ông Khải chỉ được quản lý, sử dụng nhà thờ để thờ cúng tổ tiên theo di chúc thừa kế vĩnh viễn của dòng họ

Tại buổi làm việc, bà Lan Anh cho biết: “Vụ việc này đã kéo dài gần chục năm nay và có nhiều nội dung phức tạp. Việc làm hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất ban đầu là do gia đình tự kê khai và nộp lên cho UBND phường Phố Huế. UBND phường phải có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm tra thông tin và các văn bản liên quan, đồng thời làm hồ sơ trình UBND quận. UBND quận chỉ căn cứ vào những hồ sơ mà người dân và UBND phường cung cấp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa 118, 119 theo quy định của pháp luật”.

Bà Lan Anh cho biết thêm: “Thời điểm làm hồ sơ, gia đình hoàn toàn không có khiếu kiện gì. Năm 2008, khi cấp giấy chứng nhận cho ông Khải, theo nguyên tắc thời điểm đó là phải công khai thông tin ở UBND phường 1 tháng. Trong một tháng đó, gia đình cũng không có ý kiến gì. Đến khoảng năm 2010, gia đình mới có đơn gửi lên các cơ quan chức năng. Khi sự việc xảy ra như vậy, lỗi thứ nhất thuộc về người dân (trong trường hợp người dân khai báo thông tin không trung thực), lỗi thứ hai thuộc về UBND phường Phố Huế khi cán bộ phụ trách không xác minh nguồn gốc đất cùng các thông tin liên quan”.

Trả lời câu hỏi tại sao vụ việc đã kéo dài gần 10 năm nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tiến độ xử lý vẫn “dậm chân tại chỗ”, bà Trịnh Lan Anh chia sẻ: “Vụ việc này có nhiều yếu tố phức tạp. Thứ nhất ông Khải đã đứng tên bão lãnh thế chấp thửa đất 118 cho người khác vay vốn tại ngân hàng Techcombank. Trong khi bây giờ vợ chồng ông Khải đều đã qua đời. Thứ hai là thửa đất 119, ông Khải đã sang nhượng toàn bộ cho con gái là bà Nguyễn Kim Yến. Bà Yến sau đó lại bán một phần mảnh đất đó cho người khác. Như vậy mảnh đất bị biến động chủ nên theo quy định hiện nay, việc phán xử phải do tòa án. Chính vì những nguyên nhân nêu trên mà chúng tôi chưa thu hồi được hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 118 và 119 để tiến hành đính chính”.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

Phạm Văn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp vụ cấp "nhầm" sổ đỏ vào đất nhà thờ tổ họ Nguyễn: Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO