Tiếp bài "Sông Dinh kêu cứu vì cát tặc": Cần một giải pháp hữu hiệu

29/03/2015 00:00

(TN&MT) - Giữa tháng 1/2015,  Báo TN&MT có bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Dinh (đoạn qua xã Thọ Hợp, Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp,...

 

(TN&MT) - Giữa tháng 1/2015,  Báo TN&MT có bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Dinh (đoạn qua xã Thọ Hợp, Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm, “cát tặc” vẫn đang ngang nhiên hoạt động trong sự thờ ơ của các cơ quan có thẩm quyền huyện Quỳ Hợp.

Công văn của Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu Huyện ủy Quỳ Hợp xử lý vấn đề Báo TN&MT phản ánh
Công văn của Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu Huyện ủy Quỳ Hợp xử lý vấn đề Báo TN&MT phản ánh

Nan giải “cát tặc”

Như đã đề cập ở trên, sau khi Báo TN&MT phản ánh, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn gửi Huyện ủy Quỳ Hợp yêu cầu kiểm tra, xử lý vấn đề báo nêu. Công văn của Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ: Ngày 19/01/2015, Báo Tài nguyên & Môi trường có bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Dinh, đoạn qua xã Thọ Hợp và Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) khiến cho môi trường bị ô nhiễm, thất thoát tài nguyên và gây nguy cơ sạt lở...

Trước sự việc Báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh, Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu: Huyện ủy Quỳ Hợp yêu cầu UBND huyện Quỳ Hợp kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc, nếu đúng như báo nêu thì kịp thời có biện pháp khắc phục, xử lý theo đúng quy định, đảm bảo môi trường sống cho nhân dân. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 15/3/2015.

Văn bản của cơ quan chức năng đã rõ ràng như vậy, tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Thọ Hợp thì tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên dòng sông Dinh vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, hàng chục xe tải vẫn vào ra hút cát một cách ngang nhiên
Tuy nhiên, hàng chục xe tải vẫn vào ra hút cát một cách ngang nhiên

Có mặt tại khúc sông Dinh (đoạn giáp ranh của xóm Sợi Dưới, xã Thọ Hợp và xóm Chạo, xã Tam Hợp) vào sáng ngày 24/3/2015, ghi nhận của PV là hàng chục chiếc xe tải chở cát vẫn nườm nượp ra vào để chở cát. Ngay sát bờ sông Dinh là một lán trại của “cát tặc” được dựng lên với đầy đủ đồ đạc phục vụ cho một nhóm người hoạt động khai thác cát trái phép. Bên kia sông Dinh, ngay sát với vườn mía và hoa màu của người dân xã Tam Hợp là một “đại công trường” khai thác cát trái phép.

Thấy PV ghi hình, hàng chục “cát tặc” vẫn ngang nhiên làm việc như không có chuyện gì xảy ra, thi thoảng một vài người đứng trên xe còn chỉ trỏ về phía PV. Theo quan sát của PV, do “cát tặc” đã hoạt động trong một thời gian khá dài nên nhiều hầm hố rộng lớn như ao đã xuất hiện, nhiều diện tích đất sát bò sông bị sạt lở nghiêm trọng, dòng chảy của sông Dinh cũng vì thế mà bị biến dạng và ô nhiễm nghiêm trọng.

Hàng chục xe tải vẫn vào ra hút cát một cách ngang nhiên
Hàng chục xe tải vẫn vào ra hút cát một cách ngang nhiên

Một người dân đang làm cỏ mía gần bãi khai thác cát trái phép, bức xúc cho biết: “Hiện tượng khai thác cát trái phép tại sông Dinh, đoạn chảy qua xã chúng tôi đã xuất hiện lâu. Thế nhưng, quy mô chưa bao giờ lớn và rầm rộ như thời gian qua. Mặc dù người dân chúng tôi đã có phản ánh, kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng sau đó đâu lại vào đấy; hầu như không có tiến triển gì”. Cũng theo người dân này, do hiện tượng khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt nên gây nguy cơ sạt lở đất sản xuất, mất đất canh tác mía và hoa màu của người dân trong mùa mưa lũ là điều hiện hữu. Người dân xã Thọ Hợp và Tam Hợp đang vô cùng hoang mang, lo lắng trước nguy cơ này.

Theo điều tra của PV, người đứng ra khai thác cát trái phép tại khúc sông Dinh, đoạn chảy qua khu giáp ranh giữa xóm Sợi Dưới, xã Thọ Hợp và xóm Chạo, xã Tam Hợp là ông Đường (người dân địa phương). Người đàn ông này đứng ra đầu tư máy móc hút cát, nhân công rồi hút cát  bán cho các xe tải đến chở với giá dao động từ 300 đến 400 nghìn đồng (xe từ 5 đến 8 mét khối cát). Như vậy, ước tính mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải ra vào hút cát thì tài nguyên quốc gia bị rút ruột sẽ lên đến hàng nghìn mét khối cát.

Một xe hút cát dưới lòng sông Dinh
Một xe hút cát dưới lòng sông Dinh

Cần giải pháp hữu hiệu

Ông Nguyễn Như Khôi – Phó trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Sau khi thông tin Báo TN&MT phản ánh, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra và đã truy quét, đẩy đuổi hoàn toàn “cát tặc”. Từ tháng 2/2015 đến nay thì tình trạng trên đã không còn”. Khi PV trao đổi thông tin về việc vẫn còn hàng chục xe cát và công cụ hút cát hoạt động vào sáng 24/3/2015. Ông Khôi cho biết thêm: “Theo tôi được biết, vừa rồi có dự án di dời dân để tránh vùng sạt lở. Vì thế tỉnh và huyện có cho phép tiến hành nạo vét, nắn dòng chảy sông Dinh tránh sạt lở”(?). Tuy nhiên, như đã phản ánh ở trên, tại hiện trường, ghi nhận của PV không đơn thuần là “nắn” dòng sông Dinh mà thực chất là hút cát và khai thác cát ồ ạt.

Theo tìm hiểu của PV, nhằm giải quyết tốt nhu cầu sử dụng cát sỏi lòng sông, trên cơ sở quy hoạch khoáng sản VLXD đã có, UBND tỉnh Nghệ An đã công bố, công khai 70 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông phục vụ nhu cầu tại địa phương, các khu vực được phân đều theo nhu cầu sử dụng cho địa bàn các huyện, thị xã. Theo đó địa bàn huyện Quỳ Hợp có 2 điểm cát sỏi được UBND tỉnh công bố khu vực không đấu giá và được các sở, ngành, UBND huyện Quỳ Hợp kịp thời tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò cuối năm 2013 cho doanh nghiệp tại địa phương. Nhưng, không hiểu lý do vì sao hiện những đơn vị đã được cấp phép thăm dò vẫn chưa được cấp phép khai thác?.

Ngoài ra, tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra và đề xuất thêm 5 khu vực thuộc sông Dinh vào quy hoạch thăm dò, khai thác và công bố khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hiện đang được các sở, ngành gấp rút tham mưu UBND tỉnh Nghệ An cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định.

Hiện tượng khai thác cát trái phép đã gây nên tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng hai bên bờ sông Dinh
Hiện tượng khai thác cát trái phép đã gây nên tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng hai bên bờ sông Dinh

Sau khi thừa nhận có tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tại địa phương, ông Hoàng Xuân Ngữ - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, kiến nghị: “Theo tôi được biết, khu vực bãi bồi xã Tam Hợp (nơi đang xảy ra hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép - PV) và bãi bồi thuộc các xã Thọ Hợp, Nghĩa Xuân gồm 5 khu vực đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép thăm dò cho Công ty CP Thuận Thiên từ năm 2014. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao đến nay vẫn chưa được cấp phép khai thác. Vì thế, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại các khu vực trên vẫn diễn ra, nguyên nhân chủ yếu cũng do nhu cầu VLXD trên địa bàn, nhất là nhu cầu cát sỏi phục vụ nông thôn mới. Địa phương chỉ mong sao UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền sớm xem xét cấp phép khai thác cho các đơn vị đủ điều kiện để dễ quản lý, chấm dứt tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây nhức nhối địa bàn trong thời gian qua”.

 

Bài & ảnh: Phạm Tuân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài "Sông Dinh kêu cứu vì cát tặc": Cần một giải pháp hữu hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO