Tiếng kêu cứu từ đại ngàn

13/03/2015 00:00

(TN&MT) - Những dòng sông êm đềm, những cánh rừng nguyên sinh ở các huyện miền Tây xứ Quảng (Nam Giang - Đông Giang - Phước Sơn) đang dần bị thay thế bởi những dòng sông sắp hóa thạch, những cánh rừng nham nhở bên triền đá lốc khốc. Đó là hậu quả nghiêm trọng để lại từ nạn khai thác vàng trái phép lâu nay.

Nước mắt rừng xanh

Chưa bao giờ người dân vùng hạ du lại thảng thốt trước những diễn biến bất thường của khí hậu. Hạn hán đang dần vào những ngày cao điểm đã cho thấy sự khốc liệt chưa từng có đối với cả con người và thiên nhiên. Lưu lượng dòng chảy trên các nhánh sông như Thu Bồn hay Vu Gia (Quảng Nam) bị suy kiệt nghiêm trọng. Từ thân đập Nhà máy Thủy điện Đắc Mi 4 (Phước Sơn) nhìn về, mới thấy hết thảm nạn về môi trường sống mà hàng triệu dân ở vùng hạ du phải gánh chịu bao năm qua. Đào đãi vàng và nạn phá rừng trái phép đã khiến hơn 50km lòng sông kéo dài từ chân đập thủy điện này theo sông Nước Mỹ đổ về sông Bung cầu Bến Giằng (Nam Giang). Có những đoạn, sông hoàn toàn biến mất, dòng nước tức tưởi giữa hàng đống cát, sỏi chất cao như núi. Nhiều nơi đã trở thành bãi chăn thả trâu bò.

Chủ tịch UBND xã Phước Xuân Nguyễn Chí Sâm nói như than: “Lúc trước, bất kể mùa khô hay mùa mưa, nước sông dâng đầy là nguồn sống đáng kể cho đồng bào khai thác thủy sản. Nay tất cả cạn kiệt, thủy sản cũng biến mất theo dòng nước. Nghiêm trọng hơn, sông cạn mở đường cho lâm tặc vào triệt hạ rừng và vàng tặc đổ về khai thác không thể kiểm soát được”.

ẢNH
Những dòng sông đục ngầu bởi nạn đào đãi vàng trái phép đầu nguồn

Thảm nạn ấy cũng là bi kịch chung của hầu hết những dòng sông ở thượng nguồn Vu Gia. Theo dòng Vu Gia ngược lên các nhánh sông Cái, sông Bung, Đắc Mi, A Vương... đâu đâu cũng thấy cảnh những dòng sông bị bức tử, đầu độc bởi nạn phá rừng, khai thác vàng. Ngược ngàn quốc lộ 14D có hàng chục bãi vàng khai thác lộ thiên giữa ban ngày với hàng chục máy móc thiết bị cơ giới hạng nặng, đất cát, chất độc theo sông suối đổ hết ra sông.

Lang thang giữa vùng giáp ranh 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn như Đắc Pring, Đắc Pre, Phước Đức, mới thấy được cơn sốt vàng tại đây sôi sùng sục khi hàng ngàn phu vàng từ các nơi kéo đến, tấn công và hủy hoại không thương tiếc những khu rừng nguyên sinh quý hiếm. Giữa cái nắng khắt, bốn bề đá dựng, chúng tôi bám theo nhóm phu vàng gốc Thanh Hóa đang cõng chuyến vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh sau những ngày ém quân vì “có động”. Từ cầu khe Vinh bắc qua sông Bung nằm giáp ranh xã Tà Pơ và Chà Vàl (Nam Giang), phải mất gần nửa ngày đường, chúng tôi mới vào tiếp cận lãnh địa vàng tặc nằm sâu trong vùng lõi.

Nhiều đoạn phải mò mẫm băng qua suối hết sức nguy hiểm. Muốn vào sâu các điểm nóng, còn phải chinh phục nhiều đỉnh dốc dựng đứng, trơn trượt. Nghe hơi người, vắt, muỗi, ruồi vàng túa ra. Trên đường vào bãi, chúng tôi gặp rất nhiều tốp từ 3-5 người lầm lũi gùi cõng dầu máy, lương thực vào ra liên tục. “Ngoài quê chẳng có việc, em vào đây làm thuê cho ông chủ, chuyên làm vàng sa khoáng ở khe Tà Vạt với mức lương 2 triệu đồng/tháng, chưa kể ông chủ bao ăn uống. Sau mấy ngày ém quân vì đoàn truy quét đẩy đuổi, đập phá máy móc, ông chủ lệnh trở lại vào rừng khai thác” - một phu vàng cho biết.

Càng vào sâu vùng lõi Sông Thanh, càng bàng hoàng khi chứng kiến khung cảnh tan hoang. Tại bãi vàng khe Tà Vạt, khe Ru, hàng loạt thảm rừng nguyên sinh phòng hộ bị bức tử. Lẩn khuất trong những cánh rừng, ven khe, suối, những lán trại với đầy đủ thiết bị hậu cần, lương thực dựng lên làm nơi trú ngụ cho các đội quân làm vàng. Máy móc, thiết bị, máy nổ, máy bơm, máy hút, máy xay nghiền quặng, bể lắng lọc vàng, dây nhợ... cũng được tập kết phục vụ cho việc khai thác. Đất đá, suối, khe đầu nguồn đang bị “làm thịt” xới tung một màu đỏ quạch. Nhiều quả đồi bị đánh sạt, nham nhở, những cây cổ thụ vài người ôm bị triệt hạ, trơ gốc hoặc đốt cháy đen.

“Máu rừng” vẫn chảy

Trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam có rất nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua. Trước hết là QL 14B từ Đà Nẵng đi Cửa khẩu Đắc Ốc, qua địa bàn huyện Nam Giang. Trước đây con đường này được xem là tuyến đường nóng bỏng với những địa danh như Cà Dy, Tahbing, Cha Val... nổi tiếng “đặc sản” lim xanh, chò, chỉ... Mỗi ngày, các đối tượng khai thác hàng chục mét khối gỗ lậu rồi chuyển về xuôi bằng 2 loại phương tiện đường thủy (sông Bung) và đường bộ (QL14B).

“Đa phần người hành nghề này là những lao động nghèo. Khi nghề đào đãi vàng còn thịnh vượng, họ là những lao động chuyên cõng chuyến, thồ chở hàng và dẫn người vào các bãi vàng, nhưng khi các cơ quan chức năng tăng cường việc truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn, họ “thất nghiệp”. Không công ăn việc làm, họ chuyển nghề bằng cách vận chuyển lâm sản trái phép. Số này tập hợp thành từng đoàn, hằng đêm dùng xe máy chở gỗ phóng bạt mạng trên đường đã trở thành nỗi kinh hoàng cho những người tham gia giao thông” - một cán bộ kiểm lâm huyện Nam Giang tiết lộ.

Rừng xanh vẫn từng ngày
Rừng xanh vẫn từng ngày "chảy máu"

Trước thực trạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh sẽ bị mất đi sự đa dạng sinh học nếu lâm tặc tiếp tục hoành hành, các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp quản lý như: Tổ chức di dời hàng trăm hộ dân khỏi vùng lõi, tuyên truyền và giao gần 1.000ha rừng thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho người dân địa phương quản lý, bảo vệ, đồng thời lập 3 trạm Kiểm soát lâm sản tại Chaval, bến Giằng và Thạnh Mỹ để kiểm tra các phương tiện qua lại. Để đối phó với hệ thống kiểm soát trên, các đối tượng chuyên vận chuyển lâm sản trái phép bằng 2 loại phương tiện là ghe thuyền và ô tô đã chuyển sang hình thức vận chuyển mới là xe máy.

Trước đây, khu vực rừng đầu nguồn thuộc các xã Phước Năng, Phước Kim, Phước Đức, Phước Thành là “thủ phủ” của vùng vàng huyện Phước Sơn chỉ duy nhất con đường độc đạo đi lại vào mùa nắng. Còn mùa mưa thì không thể. Bây giờ, muốn xâm nhập vào vùng rừng này chỉ cần một chiếc đò máy công suất khoảng 30CV, sau một giờ đồng hồ có thể dễ dàng vượt lòng hồ và vào các vùng rừng nguyên sinh đầu nguồn ở xã Phước Kim, Phước Thành.

Lợi dụng tuyến đường thuỷ như “ma trận” của lòng hồ thuỷ điện Đắk Mi 4, lâm tặc từ nhiều tháng nay đã bắt đầu mở những con đường “không số” xâm nhập vào vùng rừng nguyên sinh để khai thác gỗ và lợi dụng đêm tối vận chuyển gỗ vượt lòng hồ đưa ra tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E để đưa đi tiêu thụ.

Lắc rắc mưa, chiều tối u tịch sương giăng đầy miền Tây xứ Quảng. Tiếng chim hú gọi bầy còn vang vọng xa xa, nghĩ về một rừng cây… chợt nhớ về một đời người! Đời người cũng ngắn ngủi như một rừng cây… 

Bài và ảnh: Xuân Lam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng kêu cứu từ đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO