Tiền tỷ cứu Cửa Đại như "muối bỏ biển"?

28/11/2017 00:00

(TN&MT) - Tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang ngày càng nghiêm trọng. Hàng trăm tỷ đồng đầu tư của Nhà nước và công sức của nhân dân chống chọi với sạt lở biển Cửa Đại trong những năm qua như “muối bỏ biển”.

Từ đầu mùa mưa bão năm 2017, do ảnh hưởng của những đợt mưa lũ kèm sóng to, Cửa Đại đã bị sạt lở nay càng sạt lở mạnh hơn. Sau cơn bão số 12, hơn 1.100m bờ biển Cửa Đại vừa được gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật như: dùng túi địa hay cừ Larsen, mỏ hàn chữ T đã bị sóng biển cuốn phăng. Hàng trăm tỷ đồng được lãnh đạo thành phố Hội An đầu tư để tạo bãi, giữ bờ đã không thể ngăn cản sự tàn phá của sóng biển.

Tại khu vực các khu nhà hàng ven biển, nơi được đầu tư khá lớn tiền của, công sức để làm kè, sóng lớn quét qua khiến nhiều nơi bị sạt lở nặng nề. Có điểm tạo thành những hàm ếch rộng. Nhiều hàng dừa lẫn hàng cây thông có tuổi đời hàng chục năm bị sóng đánh bật rễ, cuốn trôi nằm la liệt ra phía mép bờ biển. Một vị trí ngay sát khu du lịch Palm Garden resort Hội An, sóng lớn đánh tan hoang kè biển và xâm thực sâu vào bờ, tạo thành một hàm ếch cao.

Hiện tượng sạt lở đang gia tăng dần cường độ và có xu hướng lan rộng theo hướng Bắc của dải bờ biển
Hiện tượng sạt lở đang gia tăng dần cường độ và có xu hướng lan rộng theo hướng Bắc của dải bờ biển

Theo những người dân sinh sống gần bờ biển, tình trạng sạt lở, xâm thực ở Cửa Đại đã bắt đầu từ năm 2009 tới nay nhưng trong mấy ngày qua, bờ biển và nhiều diện tích rừng thông phía bên trong lại bị sạt lở nặng nề nhất từ trước tới nay. Điều đáng lo ngại là hiện tượng sạt lở đang gia tăng dần cường độ và có xu hướng lan rộng theo hướng Bắc của dải bờ biển. Tình trạng biển xâm thực, gây sạt lở đang có xu hướng kéo dài đến giáp ranh bờ biển của thị xã Điện Bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Thế Hùng lo lắng, với mức độ sóng biển xâm thực như đợt mưa bão vừa qua là quá lớn. Vệt sạt lở mới từ khách sạn Agribank kéo về phía Bắc khoảng hơn 400m, xâm thực sâu vào đất liền. Tình trạng vượt quá khả năng ứng phó của thành phố.

“Trước thời điểm xảy ra lũ, bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền tại vị trí rừng dương liễu giáp phía Nam khu du lịch Vinpeal. Nhưng do tác động của gió mùa Đông Bắc và của lũ thì tình hình đã rất khác: cửa biển mở mới rộng hơn so với trước đó; lượng cát bồi từ rừng dương hiện trạng ra phía biển khoảng 200m. Nếu không có biện pháp xử kịp thời và phù hợp thì tới đây, không chỉ riêng các khu du lịch, dịch vụ nằm sát bờ biển, mà cuộc sống một bộ phận dân cư không nhỏ đang làm dịch vụ du lịch ở khu vực Cửa Đại cũng sẽ bị tác động mạnh.”- ông Hùng nói.

Bờ biển được gia cố bằng nhiều giải pháp kỹ thuật cũng bị sóng biển cuốn phăng.
Bờ biển được gia cố bằng nhiều giải pháp kỹ thuật cũng bị sóng biển cuốn phăng.

Những năm qua, tình hình sạt lở tại bờ biển Cửa Đại ngày càng nghiêm trọng, không chỉ chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam mà cả Trung ương đã vào cuộc triển khai các giải pháp để cứu bãi biển này khỏi nguy cơ bị “xóa sổ”. Theo đó có rất nhiều hội thảo cấp tỉnh đến cấp quốc gia và quốc tế. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiều kế hoạch cụ thể.

Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam cho áp dụng kinh nghiệm của Hà Lan với hình thức làm đê chắn để phá sóng và tạo bãi biển với tổng kinh phí 55 tỷ đồng. Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương sẽ hỗ trợ 40 tỷ đồng từ nguồn chi dự phòng ngân sách để tỉnh Quảng Nam chống sạt lở bờ biển Cửa Đại...

Mới nhất như dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực trên tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm, với chiều dài nạo vét 2,04 km, khối lượng là 82.775 m3. Dự án này nhằm mục địch lưu thông cho nơi bị bồi là cửa biển để lấy cát bù đắp vào hàng cây số bờ biển Cửa Đại bị sạt lở.

Ngoài ra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch ở đây đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng để xây kè, đê mềm, mỏ hàn cừ thép; các kè bảo vệ khu du lịch tư nhân,… Thế nhưng, đoạn này vừa kè xong thì xuất hiện sạt lở ở những đoạn khác. Và ngay những đoạn kè mềm chưa kịp tạo bãi cũng bị sóng đánh tơi tả.

Các nhà khoa học nhận định, nguyên nhân xói lở chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát. Nguồn cát cung cấp cho bờ biển trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đang thiếu hụt do những con sông có quá nhiều thủy điện. Do vậy những giải pháp kè mềm hay mỏ hàn cừ thép là chưa mang tính bền vững.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng ở T.Ư và tỉnh Quảng Nam cần phải khẩn trương khảo sát, để tìm ra giải pháp tối ưu hơn cho việc chống sạt lở bãi biển Cửa Đại. Và theo nhiều nhà khoa học, chúng ta cần có giải pháp tổng thể chống sạt lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) từ phía thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn.

Bài, ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền tỷ cứu Cửa Đại như "muối bỏ biển"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO