Thực hiện công văn số 3630/BTNMT-KHTC ngày 6/7/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ảnh hưởng thủy điện Phúc Long đến việc quan trắc, đo đạc của trạm thủy văn Bảo Yên thuộc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Việt Bắc; và văn bản số 3047/UBND-KT ngày 7 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc di chuyển trạm thủy văn Bảo Yên, Tổng cục KTTV đã triển khai việc tổ chức khảo sát vị trí lắp đặt trạm Thủy văn Bảo Yên đến vị trí mới và các nội dung liên quan đến việc di chuyển trạm.
Trạm Thủy văn Bảo Yên là trạm thủy văn duy nhất của Đài Khí tượng Thủy văn Việt Bắc đặt trên sông Chảy được xây dựng vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Trạm đo đạc yếu tố mực nước, lượng mưa, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, lưu lượng nước và lưu lượng chất lơ lửng phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai tại địa phương, vận hành hồ chức Thác Bà, vận hành liên hồ chứa khu vực sông Hồng.
Thủy điện Phúc Long được xây dựng cắt ngang dòng sông Chảy khiến dòng sông cạn trơ đáy có thể lội qua. Ảnh: BH |
Chuỗi số liệu quan trắc của trạm Thủy văn Bảo Yên trong nhiều thập kỷ qua đã góp phần quan trọng trong phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc vận hành hồ thủy điện Thác Bà, đồng thời kết nối dữ liệu để đánh giá, dự báo tình hình thiên tai, bão lũ trên sông Hồng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của việc tích nước ở thượng nguồn phục vụ hoạt động của các thuỷ điện nên nên dòng chảy trên sông đã mất tính tự nhiên. Hiện nay, có thời điểm nước sông gần như cạn trơ đáy, nước lên xuống cũng rất cực đoan, có khi số liệu 2 lần đo dù chỉ cách nhau 1 - 2 tiếng nhưng lại chênh lệch hàng mét nước.
Những số liệu quan trắc không phải của dòng chảy tự nhiên nên không thể căn cứ vào đó dự báo được dòng chảy theo lượng mưa. Các thiết bị đo độ bồi lắng phù sa cũng không thu thập được dữ liệu chính xác vì ngay cả mùa lũ, lượng phù sa đổ về cũng không đáng kể bởi phần lớn đã lắng lại ở các hồ chứa thượng nguồn.
Ngoài ra, cách Trạm Thủy văn Bảo Yên khoảng 4 km về phía hạ lưu còn xây dựng thủy điện Phúc Long. Theo thiết kế, khi thủy điện này tích nước thì toàn bộ khu vực đo đạc của trạm thủy văn sẽ bị ngập đến mức báo động 1, không còn tính tự nhiên của dòng chảy nên mọi công tác đo đạc đều vô nghĩa.
Việc xây dựng nhà máy thủy điện Phúc Long sẽ ảnh hưởng đến vận hành của trạm thủy văn Bảo Yên; các thông số như vậy khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động thì tuyến đo thủy văn của trạm thủy văn Bảo Yên sẽ nằm trong vùng lòng hồ của nhà máy thủy điện Phúc Long.
Do đó, số liệu đo trạm của thủy văn Bảo Yên sẽ không phản ánh chính xác các thông số đo, lưu lượng và diễn biến lưu lượng nước đến cửa sông Chảy… Việc di chuyển Trạm Thủy văn Bảo Yên là vô cùng cấp thiết.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện; tổ chức khảo sát thêm vị trí để có so sánh, đối chiếu.
Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng giao Vụ Quản lý Mạng lưới KTTV phối hợp Trung tâm Quan trắc KTTV theo dõi, thẩm định và trình Tổng cục các phương án khảo sát tự động, thẩm định số liệu quan trắc song song giữa vị trí được lựa chọn và vị trí hiện nay, các vấn đề phát sinh và xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện; Đài KTTV khu vực Việt Bắc phối hợp Liên đoàn khảo sát KTTV tiến hành khảo sát, đo đạc.