Tiền lương đóng BHXH hơn 5,7 triệu/tháng, doanh nghiệp chậm đóng tiếp tục tăng
Trong năm 2022, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của người lao động hơn 5,7 triệu đồng/tháng; chậm đóng BHXH tiếp tục tăng, trong đó chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Thông tin trên được nêu tại báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2022, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Chậm đóng BHXH chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp tư
Theo báo cáo, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết năm 2022 là hơn 16,03 triệu người, tăng hơn 935,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương với mức tăng 6,19%), chiếm gần 34,83% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Số tiền thu BHXH bắt buộc là hơn 299,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 35,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động trong năm 2022 là hơn 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 0,55% so với năm 2021
Về tình hình chậm đóng BHXH bắt buộc, Chính phủ cho hay, “tiếp tục gia tăng”, và chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm hơn 80% tổng số tiền chậm đóng.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là hơn 8.560 tỷ đồng, tăng hơn 121 tỷ đồng so với năm 2021, tương đương mức tăng 1,44%. Lãi phạt chậm đóng hơn 3.438 tỷ đồng.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước chậm đóng BHXH hơn 790 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021, chiếm 9,23% tổng số tiền chậm đóng.
Khu vực doanh nghiệp FDI, tổ chức nước ngoài chậm đóng BHXH hơn 663 tỷ đồng, giảm 9,83% so với năm 2021, chiếm 7,75% tổng số tiền chậm đóng.
Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chậm đóng BHXH hơn 6.890 tỷ đồng, tăng 3,66% so với năm 2021, chiếm 80,49% tổng số tiền chậm đóng.
Phân loại theo thời gian chậm đóng thì từ 3 năm trở lên chiếm nhiều nhất (56,33%) với hơn 4.822 tỷ đồng (tăng 654,79 tỷ đồng so với năm 2021).
Tăng thanh tra, kiểm tra cả về số lượng và chất lượng
Chính phủ cho hay, thực hiện kiến nghị của Quốc hội, trong năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng so với năm trước để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ pháp luật về BHXH đang diễn ra tương đối phổ biến, trong thời gian dài và tại nhiều địa phương.
“Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo chiến dịch và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra để tránh chồng chéo”, báo cáo nêu.
Các cơ quan đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 38 nghìn đơn vị, ban hành hơn 1 nghìn quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 67 tỷ đồng; yêu cầu đơn vị sử dụng lao động nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng hơn 477 tỷ đồng.
Chính phủ khẳng định, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng lên, tăng cường xử lý vi phạm hành chính đã góp phần ngăn chặn, hạn chế tối thiểu các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như: mua bán sổ BHXH; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu các biện pháp để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, không còn người đại diện theo pháp luật.
Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam về thực hiện chế độ BHXH theo hướng: giải quyết chế độ BHXH với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, BHXH một lần, tử tuất); xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHTN và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Theo chương trình phiên họp thứ 26 (dự kiến khai mạc sáng ngày 12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến bằng văn bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2022.
Chính phủ cho hay, số người tham gia BHTN trong năm 2022 là hơn 14,33 triệu người, tăng hơn 929,9 nghìn người so với năm 2021, tương đương với mức tăng 6,94%, chiếm 31,13% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số thu bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2022 là hơn 14,42 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 2,59 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, tương đương với mức giảm 15,26%. Năm 2022, có hơn 983.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22,68% so với năm 2021. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là hơn 975,3 nghìn người, tăng 27,55% so với năm 2021 và chiếm 99,13% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. |