Tiên Lãng (Hải Phòng): Sai phạm đất đai, dân khiếu kiện kéo dài

29/07/2016 00:00

(TN&MT) -  Xã Chấn Hưng (huyện Tiên Lãng) được tách thành lập 2 xã: Đông Hưng và Tây Hưng theo Quyết định số 23-HĐBT, ngày 18/3/1986, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn của các huyện Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng thuộc TP. Hải Phòng.  Hơn 30 năm trôi qua, 2 xã vùng kinh tế mới của huyện Tiên Lãng liên tục dậy sóng bởi hàng loạt đơn thư công dân khiếu nại, tố cáo những sai phạm của lãnh đạo xã.

Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã thâm nhập thực tế, tìm hiểu nguyên nhân khiến đời sống dân nghèo lao đao với vòng xoáy khiếu kiện những sai phạm của chính quyền trong việc quản lý đất đai.

Kỳ 1: Nhiều ẩn khuất trong hỗ trợ di giãn dân

Từ năm 1986, để phát triển kinh tế xã Đông Hưng và Tây Hưng, một số chính sách hỗ trợ khuyến khích di giãn dân đã được triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đến nay vẫn có nhiều mập mờ chưa được làm rõ.

Mập mờ thực hiện chế độ hỗ trợ di dân

Trước năm 1986, phần lớn diện tích tự nhiên của xã Đông Hưng và Tây Hưng là vùng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển. Do đó, một chương trình khai hoang, lấn biển để phát triển kinh tế vùng đất này đã được triển khai.

Đại diện hộ di giãn dân ở Đông Hưng, Tây Hưng phản ánh vụ việc với phóng viên.
Đại diện hộ di giãn dân ở Đông Hưng, Tây Hưng phản ánh vụ việc với phóng viên.

Một trong những nội dung trọng tâm của chương trình khai hoang, lấn biển là thực hiện di giãn dân từ các vùng lân cận về xã Đông Hưng và Tây Hưng. Khi di giãn dân về vùng kinh tế mới, mỗi hộ dân sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ dựng một căn nhà cấp 4, cấp chăn màn, lương thực trong thời gian đầu (tổng giá trị quy thành tiền lúc đó là 2,7 triệu đồng/hộ). Nhưng theo phản ánh của các hộ di giãn dân, việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ của chính quyền xã Đông Hưng rất mập mờ, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Khanh, trú tại thôn Trung Hưng, là một trong những hộ di giãn dân đầu tiên về Đông Hưng xây dựng kinh tế mới. Từ nhiều năm nay, ông cùng hơn 100 hộ di giãn dân đã đứng đơn khiếu nại những sai phạm trong quản lý đất đai và quản lý tài chính của lãnh đạo xã Đông Hưng.

Trao đổi với phóng viên, ông Khanh, cho biết: Từ năm 1986 đến 2001, có 1.408 hộ di giãn dân về Đông Hưng. Đa số các hộ chỉ nhận được 100-200 nghìn đồng tiền hỗ trợ, trong đó hơn 100 hộ không được nhận tiền hỗ trợ.

“Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong các văn bản của huyện, của thành phố trả lời đơn khiếu nại của công dân có dấu hiệu bao che sai phạm của lãnh đạo xã”, ông Khanh khẳng định.

Lãnh đạo huyện Tiên Lãng và các phòng ban của UBND huyện làm việc với phóng viên.
Lãnh đạo huyện Tiên Lãng và các phòng ban của UBND huyện làm việc với phóng viên.

Ông Khanh cho biết thêm, việc quản lý đất đai trên địa bàn xã cũng có nhiều khuất tất. Khi thực hiện di, giãn dân đến vùng kinh tế mới xã Đông Hưng, hàng trăm hộ dân đã bỏ công sức khai hoang nhiều diện tích đất canh tác. Nhưng đến năm 1993, UBND xã Đông Hưng đã tiến hành thu hồi đất canh tác của hơn 200 hộ mà không thông báo, cũng chẳng bồi thường, hỗ trợ. Riêng nhà ông Khanh bị xã thu hồi gần 2 mẫu ruộng.

Các hộ di giãn dân về xã Tây Hưng cũng cùng chung tình cảnh đó. Nhiều năm qua, các ông Phạm Hữu Nhùn, Nguyễn Thế Học, Vũ Văn Hăng,… đại diện cho các hộ dân ở thôn Hợp Hưng, xã Tây Hưng kiến nghị UBND huyện Tiên Lãng chỉ đạo kiểm tra làm rõ việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân; Đồng thời tố cáo lãnh đạo xã Tây Hưng tự ý thu hồi mỗi khẩu 55m2 đất không rõ lý do, không rõ mục đích.

Ông Phạm Hữu Nhùn (thôn Hợp Hưng, xã Tây Hưng), nói: “Có tất cả 3.102 khẩu bị thu hồi đất, với tổng số đất bị thu hồi là gần 80 mẫu Bắc bộ. Nhưng người bị thu hồi đất không được biết, không được bàn. Hơn 20 năm qua (1995-2015), nhân dân chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền rất nhiều lần nhưng huyện vẫn chưa trả lời dứt điểm”.

Tiền chi trả di giãn dân: “Huyện không có số liệu cụ thể”?

Phóng viên đã tìm gặp lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng cũng như đại diện các phòng ban liên quan của UBND huyện để làm rõ thông tin người dân phản ánh.

Ông Nguyễn Văn Khanh trao đổi với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Khanh là một trong những hộ giãn dân đầu tiên của xã Đông Hưng đã bức xúc, phản ánh những sai phạm của cán bộ địa phương với phóng viên.

Trả lời chất vấn của phóng viên về việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân, ông Vũ Đức Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng, khẳng định: Mỗi hộ khi di giãn dân được nhận 2,7 triệu đồng. Ông cũng thừa nhận các hộ dân không nhận đủ số tiền, nhưng là do các địa phương khi chi trả đã… "vận động" nhân dân đóng góp vào ngân sách xã chứ không phải chi trả không đủ (!?).

Đáng bàn là, theo hồ sơ chúng tôi có được thì nhân dân 2 xã Đông Hưng và Tây Hưng yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng làm rõ số tiền hỗ trợ di giãn dân từ khi thành lập xã (1986) đến năm 2004. Nhưng khi chúng tôi đề nghị được cung cấp số liệu của cả giai đoạn, đại diện UBND huyện Tiên Lãng chỉ đưa ra kết luận thanh tra tại thời điểm năm 1995-1996.

Ông Phạm Hữu Nhùn, hộ dân ở Tây Hưng, nói: “Hơn 20 năm qua (1995-2015), nhân dân chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền rất nhiều lần nhưng huyện vẫn chưa trả lời dứt điểm”.
Ông Phạm Hữu Nhùn, hộ dân ở Tây Hưng, nói: “Hơn 20 năm qua (1995-2015), nhân dân chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền rất nhiều lần nhưng huyện vẫn chưa trả lời dứt điểm”.

Theo ông Phạm Văn Học, Chánh Thanh tra huyện Tiên Lãng, ngày 01/12/1997, Đoàn Thanh tra liên ngành huyện Tiên Lãng đã có kết luận nội dung khiếu nại của công dân liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân. Theo đó, thời điểm 1995-1996, xã Đông Hưng có 60 hộ di giãn dân, tổng số tiền hỗ trợ là 162 triệu đồng (tương ứng 2,7 triệu đồng/hộ). Nhưng UBND xã Đông Hưng đã vận động được 58/60 hộ tự nguyện đóng góp vào ngân sách xã.

Còn trước thời điểm 1995-1996, theo ông Học, lúc đó việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân do Chi cục Điều động Dân cư (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hải Phòng) phụ trách, không thuộc thẩm quyền của UBND huyện Tiên Lãng. Còn sau thời điểm 1995-1996, việc di giãn dân gần như không còn thực hiện, hơn nữa không có đơn thư của công dân nên UBND huyện không có số liệu cụ thể.

Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, việc di giãn dân về vùng kinh tế mới Đông Hưng vẫn tiếp tục được triển khai đến năm 2004. Cụ thể, tại Quyết định số 1385/QĐ-UB ngày 22/11/2004 của UBND huyện Tiên Lãng đã ghi rõ danh sách của 12 hộ (50 khẩu) di giãn dân về xã Đông Hưng được nhận tiền hỗ trợ.

Nhưng theo phản ánh của người dân, cả 12 hộ này cũng không được nhận tiền. Các hộ di giãn dân vẫn tiếp tục có đơn thư khiếu nại chứ không phải không có đơn thư như lời ông Chánh Thanh tra huyện Tiên Lãng khẳng định.

Việc UBND huyện Tiên Lãng chưa làm rõ những khiếu nại của công dân liên quan đến chi trả tiền hỗ trợ tiền di giãn dân về vùng kinh tế mới Đông Hưng, Tây Hưng đang gây ra rất nhiều hệ lụy. Cả một vùng quê nghèo nhiều năm qua liên tục bị xáo trộn bởi đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hơn nữa, dư luận địa phương cũng đang đặt câu hỏi có hay không việc công dân khiếu nại, tố cáo bị trù dập?

Đơn cử trường hợp của ông Nguyễn Hồng Cầu, trú tại thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, vì đứng ra tố cáo sai phạm của lãnh đạo xã Đông Hưng mà bị kết án oan, chịu cảnh tù 2 tháng 10 ngày. Ông Cầu đã được minh oan, cơ quan công quyền đã xin lỗi, nhưng những thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần do chịu cảnh tù oan đến nay vật chưa được đền bù thỏa đáng.

Liên quan đến nội dung khiếu khiện những sai phạm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai, Báo Tài nguyên&Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh trong Kỳ 2.

Bài & ảnh: Xuân Vũ – Sỹ Hào

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiên Lãng (Hải Phòng): Sai phạm đất đai, dân khiếu kiện kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO