Tiền Giang: Sạt lở bờ biển ngày càng phức tạp

11/08/2017 00:00

 (TN&MT) – Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, vài thập niên qua, tình hình sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh...

 

 (TN&MT) – Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, vài thập niên qua, tình hình sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh này xảy ra ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất mà còn tác động không nhỏ đến đời sống và sinh kế của hàng nghìn hộ dân ở địa phương.

Sạt lở ăn sâu vào đê kè
Sạt lở ăn sâu vào đê kè

Những con số đáng lo ngại!

Ông Cao Văn Hóa - Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Tiền Giang có 32 km bờ biển, trong đó có 21 km thuộc huyện Gò Công Đông và 11 km thuộc huyện Tân Phú Đông. Trước kia, bên ngoài bờ biển của tỉnh đã từng có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100m đến 800m. Hai thập niên gần đây rừng phòng hộ ven biển suy thoái dần, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay. Rừng suy thoái tạo điều kiện cho sóng biển nhanh chóng phá hỏng bờ khiến bờ biển bị xâm thực rất nhanh.

Qua thống kê, từ năm 1973 đến nay bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền từ 120m tại xã Kiểng Phước, sâu vào đất liền từ 600m-800m tại hai xã Tân Điền và Tân Thành thuộc huyện Gò Công Đông. Diện tích đất ven biển bị mất do xâm thực từ năm 1973 đến nay là trên 1.300 ha, trong đó tính riêng giai đoạn từ 2006 đến nay là trên 500 ha. Đáng lưu ý là tại khu vực ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông tốc độ sạt lở trong năm qua rất nhanh, tỉnh phải lập dự án di dời khẩn cấp 47 hộ dân.

Gốc cây bị cuốn phăng vào bờ, còn lại một ít rừng phòng hộ
Gốc cây bị cuốn phăng vào bờ, còn lại một ít rừng phòng hộ

Về tình hình suy thoái rừng ngập mặn, năm 2006 diện tích rừng phòng hộ của tỉnh là 1.677 ha, trong đó thuộc huyện Gò Công Đông là 1.073 ha, huyện Tân Phú Đông là 604ha. Cuối năm 2016 diện tích rừng phòng hộ của tỉnh là 1.339 ha (Gò Công Đông: 502 ha, Tân Phú Đông: 837 ha). Như vậy chỉ trong 11 năm diện tích rừng phòng hộ của huyện Gò Công Đông đã giảm 571 ha. Diện tích rừng tại Tân Phú Đông tăng do được trồng mới; khu vực Gò Công Đông có trồng nhưng tỷ lệ sống thấp do không có công trình giảm sóng, gây bồi.

Có mặt tại tuyến đê thuộc ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), đây là một trong những điểm sạt lở diễn ra nhanh và mang tính phức tạp trong thời gian qua. Dù chưa đến mùa gió chướng, nhưng vào những ngày này triều cường từng cơn sóng cao từ 3-5m vỗ sầm sập như muốn “nuốt chửng” con đê.

Tại đoạn đê mà phía ngoài đã không còn rừng ngập mặn che chắn, chúng tôi gặp ông Trần Văn Thu, năm này gần 60 tuổi, ngụ ấp Rạch Bùn, cho biết, trước đây những cánh rừng cây trang, cây đước cao lút đầu người chạy dài từ con đê ra ngoài biển tới mấy trăm mét, cây cối rậm rạp, đi lại khó khăn, cho nhiều tôm, cá, nhưng đến nay chỉ còn sót lại vài khu rừng nhỏ, phần lớn đã biến mất, mấy năm gần đây, vào mùa gió chướng cuối năm, từng cơn sóng dữ liên tục ập vào, cuốn phăng những khu rừng còn lại với tốc độ nhanh đến kinh ngạc.

Ông Nguyễn Văn Đoán (xã Tân Thành, Gò Công Đông) cho biết về mức độ sạt lở
Ông Nguyễn Văn Đoán (xã Tân Thành, Gò Công Đông) cho biết về mức độ sạt lở

Còn ông Nguyễn Văn Đoán, 60 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thành (Gò Công Đông) cho hay, trước kia gia đình tôi cất nhà trồng mãng cầu cách con đê tới mấy trăm mét phía ngoài bờ biển, nhưng hàng năm vào mùa gió chướng, sóng lớn đánh vào những khu rừng, những cây mắm, cây đước to như cổ tay, cổ chân người gãy rạp, bung cả gốc rễ nằm trơ trên bãi. Không trụ được phía ngoài đê, gia đình đành phải “dắt díu” nhau vào phía trong đê để cất nhà làm ăn sinh sống. Mong rằng nhà nước quan tâm đầu tư trồng lại những cánh rừng ngập mặn bảo vệ tuyến đê Gò Công để người dân an tâm sinh sống và sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Minh Tòng, Hạt phó Quản lý đê điều và rừng phòng hộ Tiền Giang cho biết: Hiện nay, Hạt quản lý trên 168 km đê các loại, trong đó tuyến đê biển Gò Công có chiều dài hơn 21km thì có khoảng 9 km đê trực diện với biển, nhưng không còn rừng phòng hộ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ tuyến đê, nhất là vào mùa gió chướng, mưa, bão. Hơn nữa, tình trạng xâm thực rừng phòng hộ đê biển huyện Gò Công Đông diễn ra nhanh, phức tạp, chỉ tính giai đoạn từ tháng 1/2014-6/2017 đã mất thêm gần 36 ha rừng phòng hộ thuộc 3 xã: Kiểng Phước, Tân Điền và Tân Thành. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng phòng hộ huyện Gò Công Đông chỉ còn xấp xỉ 500 ha.

Tuyến đê xung yếu không còn rừng phòng hộ để bảo vệ
Tuyến đê xung yếu không còn rừng phòng hộ để bảo vệ

Cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Có thể khẳng định, tốc độ sạt lở bờ biển có quan hệ chặt chẽ với tốc độ xâm thực rừng. Rừng bị xâm thực càng nhanh, bờ biển càng sạt lở mạnh, đặc biệt là vào mùa gió chướng hoặc lúc có mưa to, bão, áp thấp nhiệt đới. Hiện nay, đê biển Gò Công có khoảng 9 km đê trực diện với biển, nhưng không còn rừng phòng hộ che chắn bảo vệ mà chỉ là những bãi bồi, do vậy không có khả năng chống chịu khi bão đến. Vì vậy, cần sớm có giải pháp xây dựng công trình giảm sóng, gây bồi tụ để khôi phục lại những cánh rừng phòng hộ, có như vậy mới bảo vệ vững chắc đê biển Gò Công.

Báo cáo của Sở NN&PTNT cho thấy, diện tích rừng bị xâm thực và tốc độ bờ biển bị sạt tăng nhanh từ năm 2006 đến nay. Bình quân diện tích rừng phòng hộ tại huyện Gò Công Đông mất 52 ha/ năm trong giai đoạn 2006-2016. Dù các ngành chức năng, cũng như chính quyền các xã như Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước đã có nhiều cố gắng trong việc trồng khôi phục các khu rừng đã mất tại bờ biển Gò Công Đông. Tuy nhiên, diện tích trồng rừng thành công thấp do nhiều nguyên nhân như: sóng biển, lượng phù sa bồi tụ trong đất quá thấp… Do vậy, cần phải có công trình giảm sóng, gây bồi để giúp cho việc trồng rừng đạt hiệu quả cao hơn.

Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, thời gian qua tỉnh đã thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển. Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tích cực trồng rừng phòng hộ, giai đoạn 2014-2016 diện tích rừng phòng hộ trồng tại huyện Gò Công Đông là 11 ha, tại Tân Phú Đông là 70,77 ha. Cùng với đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và phê duyệt đầu tư Dự án nâng cấp đê biển Gò Công với tổng kinh phí 887 tỷ đồng, trong đó tập trung xử lý những đoạn đê xung yếu trước. Đến nay, các đơn vị thi công đã kè mái đê được 5.821m.

Song song với việc trồng rừng phòng hộ, tu bổ, kè mái đê, tỉnh còn đầu tư trên 56 tỷ đồng để xây kè mềm (bằng cách bơm cát vào các túi Geotue) giảm sóng với chiều dài 1.420 m cách chân đê khoảng 200-300m hướng ra biển. Việc xây kè mềm có tác dụng giảm sự tác động của sóng biển đối với tuyến đê, cũng như giữ lại lượng phù sa, gây bồi, tạo bãi, tiến tới thử nghiệm trồng và khôi phục rừng phòng hộ, nhằm bảo vệ tuyến đê theo hướng bền vững.

Xây kè mềm (bơm cát vào các túi Geotue) giảm sự tác động của sóng biển đối với tuyến đê, cũng như giữ lại lượng phù sa, gây bồi, tạo bãi.
Xây kè mềm (bơm cát vào các túi Geotue) giảm sự tác động của sóng biển đối với tuyến đê, cũng như giữ lại lượng phù sa, gây bồi, tạo bãi.

Cũng theo ông Cao Văn Hóa nhận định, thời gian tới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ làm cho tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh diễn ra theo hướng phức tạp và có nhiều khả năng tăng mạnh về mức độ. Để ứng phó với diễn biến này, thời gian tới, Sở NN&PTNN và các ngành chức năng, cũng như các địa phương cần tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn hiện có; thường xuyên tiến hành quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên toàn tuyến đê biển để có tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở bờ biển nói riêng để giảm các tác động tiêu cực gây sạt lở bờ biển. Trong đó, trước mắt, tiếp tục đầu tư gia cố bảo vệ mái đê biển tại những vị trí sạt lở không còn rừng phòng hộ, về lâu dài cần có giải pháp công trình để làm giảm sóng, gây bồi tụ phù sa nhằm khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ vững chắc tuyến đê biển Tiền Giang.

Bài, ảnh: Bạch Thanh - Phạm Hoạch

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Sạt lở bờ biển ngày càng phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO