Tiền Giang: Dân chưa yên vì những bất cập của một dự án

16/04/2019 12:28

(TN&MT) - Dự án “Khu dân cư dọc sông Tiền”, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) giai đoạn 1 trải qua gần 4 năm khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ dân vẫn tỏ ra bức xúc, chưa chấp nhận bàn giao đất cho nhà đầu tư, và họ tiếp tục gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi.

H1
Công trình đường và bờ kè ven sông Tiền được xây dựng hơn 400 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước

Dân tiếp tục phản đối

Mới đây, trong đơn thư gửi Báo TN&MT, nhiều người dân sinh sống tại phường 4, phường 6 (TP Mỹ Tho) cho rằng, việc các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang lấy cớ chỉnh trang hạ tầng đô thị để rồi thu hồi đất của dân giao cho nhà đầu tư xây dựng dự án làm khu dân cư nhằm mục đích thương mại đã xảy ra nhiều sai phạm, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của cư dân nơi đây.

Lần theo đơn tố cáo của bạn đọc, Phóng viên đã phát hiện ra nhiều vấn đề bất cập của một dự án được gọi là “chỉnh trang đô thị”. Theo đó, ở khu vực dọc sông Tiền đang được xây dựng là phần đất bãi bồi ven sông đã được người dân khai hoang phục hóa để ở, sản xuất và kinh doanh từ hàng chục năm qua. Trong số ấy, có một số gia đình đã được cấp quyền sử dụng đất, số khác chưa được cấp với nhiều nguyên do khác nhau nhưng họ vẫn có quá trình sử dụng lâu dài, hợp pháp.

Theo người dân, khi biết được nơi đây được chính quyền địa phương quan tâm lập dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng tuyến kè và làm đường dọc sông Tiền thì họ rất vui mừng. Tất cả đều đồng thuận và hiến đất, không yêu cầu bồi thường. Khi công trình đường và bờ kè ven sông Tiền được xây dựng hơn 400 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã hoàn thành, khu vực này trở thành “đất vàng” của đô thị Mỹ Tho. Ngay sau đó, UBND TP Mỹ Tho lấy đất vàng ấy giao cho doanh nghiệp làm Dự án “Khu dân cư dọc sông Tiền”. Từ đây, một dự án “đầy kỳ vọng” phát sinh nhiều điều bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận của nhiều người dân bị thu hồi đất.

Ông Nguyễn Hữu Tài (SN 1958; ngụ phường 6, TP Mỹ Tho) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 180m2 đất đang làm nhà ở bị thu hồi. Dù diện tích đất này chưa có chủ quyền nhưng đã ở ổn định hàng chục năm qua, không có tranh chấp. Và rồi địa phương hỗ trợ cho tôi với mức giá chỉ 150.000đ/m2 là điều bất hợp lý”. Liên quan đến dự án, ông Tài cũng cho rằng, nếu gọi là chỉnh trang đô thị thì phải lấy tất cả diện tích đất trong khu vực theo quy hoạch ban đầu; còn ở đây, phía UBND TP Mỹ Tho chỉ lựa đất vàng ven mặt tiền để thu hồi, đất xấu, sâu bên trong thì không thu hồi.

H2
Ông Nguyễn Công Hầu bị thu hồi gần 760m2 đất mặt tiền, còn lại 4.000m2 đất bế tắc lối đi

Tương tự, trường hợp của ông Nguyễn Công Hầu (SN 1947; ngụ phường 6, TP Mỹ Tho), là chủ doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phước Hương, gia đình ông đã sinh sống và kinh doanh tại đây hơn 50 năm trên phần đất ông bà để lại có tổng diện tích hơn 5.000m2. Dự án khu dân cư này thu hồi gần 760m2 mặt tiền sông, đây là phần đất làm bến bãi, cảng, đường ra vào lên xuống nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Hầu bức xúc và cho rằng việc thu hồi đất mặt tiền khiến lô đất còn lại hơn 4.000m2 bị bế tắc lối đi, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Từ đó, ông Hầu yêu cầu nếu dự án lấy thì lấy hết để ông di dời đi nơi khác làm ăn, còn không thì để nguyên hiện trạng có mặt tiền kinh doanh. Thế nhưng, qua nhiều lần đối thoại với các cấp chính quyền, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chỉ đạo các cấp chính quyền TP Mỹ Tho và các đơn vị liên quan xem xét nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.

Trong khi đó, hộ ông Lê Vĩnh Phúc (SN 1953; ngụ phường 6, TP Mỹ Tho) có phần đất 2.700m2 kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Phúc đồng tình với dự án chỉnh trang đô thị, ông đã bỏ ra hơn 200m2 để làm đường đi. Tuy nhiên, dự án khu dân cư muốn thu hồi tất cả phần đất này, ông Phúc yêu cầu được giữ lại khu vực bên trong do chiều hậu dài để kinh doanh, chỉ giao cho dự án phần đất mặt tiền lộ ngang bằng với các hộ liền kề. Thế nhưng, chưa được chấp nhận buộc ông phải kiện ra Tòa án để được giải quyết.

H3
Dù chưa được xây dựng xong phần thô, nhưng nhà đầu tư đã bán ra với giá cao ngất ngưởng

Bộc lộ nhiều bất cập

Hợp đồng đầu tư Dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, TP Mỹ Tho (giai đọan 1) địa điểm tại các phường: 1, 4 và 6, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang do UBND TP Mỹ Tho (được UBND tỉnh Tiền Giang ủy quyền) và Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án vào cuối tháng 01/2015.

Để thực hiện dự án, 134 hộ dân, doanh nghiệp có nhà, đất ven sông phải giải tỏa, giao hơn 73.000m2 đất cho nhà đầu tư; trong đó có gần 11.300m2 đất thương mại dịch vụ, 34.700m2 đất khu dân cư quy hoạch… Tổng mức đầu tư gần 528 tỷ đồng, có 85,6 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo nội dung hợp đồng, phần diện tích xây dựng nhà ở liền kề và đất xây dựng nhà ở biệt thự là đất ở lâu dài được Nhà nước giao cho Bên B (Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc) có thu tiền sử dụng đất một lần và nhà đầu tư được phép đầu tư kinh doanh phần diện tích đất này. Đồng thời, nhà đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng hạng mục nhà xây thô để kinh doanh; các công trình thương mại dịch vụ, sẽ được lập dự án riêng…

Qua tìm hiểu của của Phóng viên, nhiều hộ dân bị thu hồi đất tỏ ra bất bình bởi dự án này không thuộc danh mục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Từ nội dung của hợp đồng, họ khẳng định dự án khu dân cư dọc sông Tiền này chỉ là dự án kinh tế, vì tính chất thương mại dịch vụ, do đó về nguyên tắc chủ đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng. Trong khi đó, UBND TP Mỹ Tho giao đất cho nhà đầu tư, có gần 31.000m2 đất công nhưng tất cả không thông qua đấu thầu, đấu giá.

H4
Nhiều người dân bức xúc, dù nằm trong vùng dự án, nhưng khách sạn Rạng Đông vẫn được “ưu ái” tồn tại?

Không những thế, người dân còn bức xúc hơn khi mà đất bị thu hồi, đền bù với giá hơn 2 triệu đồng/m2 cho phần đất đã có chủ quyền, riêng đất chưa được cấp quyền sử dụng thì chỉ được hỗ trợ 150 ngàn đồng/m2. Để rồi, dự án khu dân cư này đến nay chưa được xây dựng hoàn chỉnh nhưng nhà đầu tư bán ra với cao gấp hàng chục lần.

Hơn nữa, điều làm cho nhiều người dân TP Mỹ Tho nói riêng, và tỉnh Tiền Giang nói chung tỏ ra thắc mắc: Tại sao một dự án “bề thế” như vậy lại chưa được thông qua và không có sự chấp thuận của HĐND tỉnh Tiền Giang? Đây là dự án thương mại thuần túy, không vì mục đích phục vụ lợi ích công, thế tại sao việc thu hồi đất lại do chính quyền địa phương đứng ra đảm nhận để giao cho doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự thương lượng, thỏa thuận ngay từ đầu với từng hộ dân?...

Để tìm lời giải đáp chính thức, những ngày qua, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND TP Mỹ Tho, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng, cũng như chủ đầu tư dự án. Nội dung cụ thể sẽ được Báo TN&MT tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Dân chưa yên vì những bất cập của một dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO