Mới đây, trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm đến các hệ thống công trình thủy lợi tại địa phương, trong đó có việc triển khai thực hiện trục vớt lục bình, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Sau khi có Kế hoạch số 185 ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Tiền Giang về thực hiện trục vớt lục bình ở các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện như Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã khẩn trương triển khai họp và xây dựng kế hoạch ra quân trục vớt lục bình của địa phương mình. Trong đó đáng lưu ý nhất là, đối với các kế hoạch của địa phương có báo cáo thông qua cấp ủy cùng cấp để có chỉ đạo thống nhất, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, tính đến ngày 05/8, toàn tỉnh Tiền Giang đã ra quân thực hiện trục vớt, trục đẩy lục bình ở các tuyến sông, kênh, rạch được gần 950 km, lực lượng huy động tham gia thực hiện 40.610 lượt người, với khoảng hơn 6,6 triệu m2 lục bình, đạt 57% kế hoạch. Trong đó, tuyến kênh, rạch do tỉnh quản lý đã trục đẩy và trục vớt đạt 32%; riêng tuyến kênh, rạch do địa phương quản lý đã trục vớt đạt 70% kế hoạch.
Nhận xét, đánh giá về việc thực hiện trong thời gian qua, ông Nguyễn Thiện Pháp khẳng định, đạt được kết quả trên là do có sự chuẩn bị chu đáo từ cấp tỉnh đến cơ sở nên trong quá trình triển khai rất thuận lợi. Bên cạnh đó, có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các lực lượng và sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân, đã không ngại khó khăn tham gia trục vớt lục bình, đồng thời dọn dẹp, phát hoang cây cối tạo thông thoáng trên tuyến kênh, rạch.
Tuy nhiên, ông Pháp cũng nhìn nhận, đa số các tuyến kênh thực hiện trục vớt bằng thủ công, nhưng do lượng lục bình dầy đặc và nhiều cỏ đã gây khó khăn trong việc trục vớt, từ đó hiệu quả chưa thật sự cao. Lực lượng tham gia chưa có kinh nghiệm, còn phụ thuộc vào thời tiết. Đối với một số tuyến kênh nguồn nước bị ô nhiễm, nên lực lượng thực hiện ngại xuống nước.
Ngoài ra, đáng lo ngại nhất là số người dân sống dọc theo kênh rạch có thói quen vức rác, các vật dụng bị hư không còn sử dụng, miểng chai.. gây khó khăn, nguy hiểm cho việc lội xuống vớt lục bình. Một số ít người dân sống cặp tuyến kênh không tham gia mà còn đạp lục bình được được vớt lên trở lại dòng kênh.
Để khắc phục những khó khăn, cũng như đảm bảo việc trục vớt lục bình đạt theo kế hoạch, ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Tiền Giang đã kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh ra quân giải quyết dứt điểm khối lượng lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch trong địa bàn tỉnh. Chậm nhất đến ngày 31/8 tới hoàn thành 100% theo kế hoạch đã đề ra, với diện tích lục bình còn lại khoảng 4,65 triệu m2.
Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã trong Vùng dự án ngọt hóa Gò Công thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thực hiện trục vớt lục bình trên 23 tuyến kênh, với khối lượng lục bình, rong cỏ 1,1 triệu m2, kinh phí do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang chi trả từ nguồn vốn sửa chữa thường xuyên năm 2018.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lục bình làm ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân, tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân cùng tham gia thực hiện trục vớt lục bình góp phần thông thoáng lòng sông, kênh, rạch.
Sau khi lục bình ở các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được trục vớt, trục đẩy cơ bản đảm bảo thông thoáng; Sở NN&PTNT Tiền Giang đề nghị UBND có văn bản giao cho các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy trì thông thoáng, không để tái diễn tình trạng lục bình trở lại. Gắn với việc tuyên truyền và xử lý các tổ chức, cá nhân xả chất thải vào lòng sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.