Tích tụ ruộng đất: Cần sử dụng linh hoạt các mô hình

04/05/2017 00:00

(TN&MT) - Tích tụ, tập trung đất đai là một xu hướng tất yếu nhằm khai thông con đường mới cho lực lượng sản xuất trong phát triển nông nghiệp. Song vấn đề đặt ra là triển khai tập trung bằng phương pháp nào phù hợp?

3 mô hình chủ yếu

Theo PGS. TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thời gian qua ở nước ta có nhiều mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất như: Các chủ trang trại mua hoặc thuê đất để canh tác một diện tích lớn, liền khoảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng hệ thống kênh, mương tưới, tiêu, sử dụng giống đồng nhất, thực hiện cơ giới hóa, công nghệ hiện đại… Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ người thuê đất thuê trong thời hạn đủ dài để họ có thể thu hồi vốn đầu tư nông trại. Đồng thời, điều kiện cho phép thuê đất của hộ nông dân một cách ổn định, lâu dài còn chưa tích hợp đủ mạnh, nhất là tình trạng nông dân không muốn cho thuê lâu dài và tình trạng phá ngang hợp đồng cho thuê đất còn khá phổ biến.

Việc tích tụ ruộng đất là con đường mới cho lực lượng sản xuất trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: HM
Việc tích tụ ruộng đất là con đường mới cho lực lượng sản xuất trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: HM

Tiếp đó, mô hình các hộ nông dân tập trung đất để sử dụng dịch vụ chung của hợp tác xã nông nghiệp mà vẫn giữ quyền sở hữu và canh tác trên đất của mình. Các hợp tác xã không đứng ra quản lý đất của nông hộ với tư cách đại diện cho nông hộ về sở hữu đất đai mà chỉ phối hợp hoạt động canh tác của nông hộ theo một kế hoạch có lợi cho nông hộ trong các khâu cần sự hợp tác như cùng chung hợp đồng mua vật tư, phối hợp về các khu vực sử dụng giống đồng nhất để tránh thoái hóa giống cũng như cung cấp đủ quy mô sản phẩm tối ưu cho thị trường, sử dụng chung máy nông nghiệp để giảm chi phí mua sắm, hợp tác trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm thích nghi với thị trường một cách có lợi chung cho các nông hộ… Nhưng do thiếu vai trò chủ động của nông hộ, thiếu người tài năng và tâm huyết với hợp tác xã, mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp khó cạnh tranh được với mạng lưới tư thương len lỏi vào từng thôn xóm phục vụ nông dân một cách thuận tiện, tự giác.

Mặt khác, mô hình tập trung đất giao cho các doanh nghiệp kinh doanh ở quy mô lớn theo công nghệ hiện đại có thể hình thành theo hai cách: chủ doanh nghiệp thuê hoặc mua đất nông nghiệp của chủ đất. Hiện tại, thu nhập từ nông nghiệp ở nước ta khá thấp, nên giá thuê đất cũng thấp (120 - 150 kg thóc/sào, năm), người nông dân đắn đo giữa rủi ro không lấy lại được đất cho thuê và lợi ích nhận được khi cho thuê đất. Vì thế, so sánh giữa lợi ích thấp, rủi ro cao nên hộ nông dân không có nhiều động lực cho thuê đất, ngay cả khi đất bỏ hoang, không có lao động để canh tác. Nếu mua đất của nông dân, ngoài khó khăn do nông dân không muốn bán đất vì giá thấp, vì muốn giữ đất như một hình thức bảo hiểm khi cơ nhỡ… do đó, doanh nghiệp vấp phải hai khó khăn: đó là phải chi ra lượng vốn lớn để mua đất và hạn điền. Hầu hết các doanh nghiệp không trường vốn đến độ có thể mua được diện tích đất lớn để kinh doanh hiệu quả. Hơn nữa, do tỷ suất lợi nhuận kinh doanh nông nghiệp khá thấp, nếu vay vốn ngân hàng mua đất, các doanh nghiệp không thể cáng đáng nổi lãi suất thị trường. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp nông nghiệp còn ít, số doanh nghiệp nông nghiệp lớn, kinh doanh thành đạt càng ít hơn.

Sử dụng đa dạng các mô hình

Theo PGS. TS Trần Thị Minh Châu, để tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, nên sử dụng đa dạng các mô hình. Trước đó, mô hình tập trung mà không thay đổi chủ đất của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã thực hành thành công ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản nên được ưu tiên khuyến khích phát triển. Bởi vì hình thức tập trung này hiện rất phù hợp với tâm lý và điều kiện đất đai hạn chế và khả năng rút lao động ra khỏi nông nghiệp chậm như ở nước ta hiện nay. Tập trung dưới dạng các hộ hợp tác cùng sản xuất chung một loại sản phẩm đồng nhất về giống, kỹ thuật, vật tư, dịch vụ cày bừa, thu hoạch, tiêu thụ qua hợp tác xã sẽ có được tính hiệu quả theo quy mô, đồng thời vẫn giữ được các lợi thế của canh tác gia đình.

Mô hình này cũng không gây xáo trộn quá lớn ở nông thôn. Tuy vậy, vấn đề là phải phát triển được các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ hiệu quả. Do đó, cần tuyên truyền, vận động nông dân, đi đôi với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các ngân hàng và doanh nghiệp để cung cấp cho hợp tác xã các điều kiện hoạt động hiệu quả, qua đó thuyết phục nông dân, đặc biệt là hỗ trợ cán bộ có tài quản trị hợp tác xã dịch vụ và có tâm huyết bảo vệ lợi ích của nông dân. Hợp tác xã dịch vụ cũng phải được hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mở rộng hoạt động theo chuỗi giá trị nông sản, nhất là trong các khâu đảm bảo vật tư, giống có chất lượng, xây dựng các cơ sở chế biến, vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

Tiếp đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình thuê đất của dân để kinh doanh ở quy mô hiệu quả. Tránh thu hút doanh nghiệp bằng cái giá là hy sinh lợi ích của nông dân. Bởi trong nông nghiệp, kinh doanh lớn của doanh nghiệp, nếu không tham gia vào chuỗi giá trị có hiệu quả và ở các khâu có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp nông nghiệp dễ phá sản hơn nông dân. Doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh quy mô lớn bị phá sản gây hậu họa cho ngành nông nghiệp và đất nước lớn hơn rất nhiều các hộ nông dân làm ăn kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng thuê đất khó khăn, nên khuyến khích các nhóm hộ nông dân (hợp tác, tổ hợp tác, nhóm hộ cùng nhau ký hợp đồng với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm chung…). Một khi doanh nghiệp đem lại lợi ích lớn hơn cho nông dân, không cần vận động, họ cũng sẽ cho thuê hoặc bán quyền sử dụng đất của họ.

Đặc biệt khuyến khích nông hộ làm ăn hiệu quả được thuê đất và mua đất. Thậm chí, trong một số trường hợp đặc biệt, có thể thử nghiệm những ngoại lệ về hạn điền để tìm giới hạn hiệu quả mới của hạn điền. Tuy vậy, tập trung đất chỉ là điều kiện của sản xuất hiệu quả. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất, làm chủ và có năng lực cạnh tranh ở thị trường nông sản, trang trại lớn sẽ dẫn đến chi phí cao, khả năng kiểm soát kém, tranh chấp đất đai…

Tích tụ tập trung đất đai phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xuất xứ sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng nông sản… Phải thực hiện toàn diện các giải pháp thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển mới. Dù ở trình độ phát triển nào, lập trường xã hội chủ nghĩa trong phát triển nông nghiệp vẫn là bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân, giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước trong lòng người dân ở nông thôn.

Trường Giang(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ ruộng đất: Cần sử dụng linh hoạt các mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO