Tích tụ đất lúa và nỗi lo vượt hạn điền – Bài 2: Ôm đất, những nỗi lo

03/10/2016 00:00

(TN&MT) - Ông Tư Hiện đang rao bán 150 hecta ruộng ba vụ ở huyện Tri Tôn, trong vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang sau 14 năm "bán lưng cho trời, bán mặt...

 

(TN&MT) - Ông Đặng Văn Hiện (Tư Hiện) đang rao bán 150 hecta ruộng ba vụ ở huyện Tri Tôn, trong vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang sau 14 năm “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” và bán luôn mấy chiếc xe hơi của vợ.

Ông Tư Hiện đang rao bán 150 hecta ruộng ba vụ ở huyện Tri Tôn, trong vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang
Ông Tư Hiện đang rao bán 150 hecta ruộng ba vụ ở huyện Tri Tôn, trong vùng tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang

Điều làm ông Tư Hiện lo lắng sẽ bị đánh thuế trên phần đất vượt hạn điền. Những nỗi bất an, thắc thỏm của một người đang ôm 150 hecta đất thuộc ba vụ lúa đã thắng thế so với tình yêu đám ruộng hột lúa, dù ông đã bỏ đi nhiều thứ, kể cả hơn chục cái tuổi xanh vào đám ruộng, hột lúa kia. Tuy là trai Sài Gòn xuống làm rể An Giang, nhưng đến nay, sau hơn chục năm vật lộn với gốc tràm, lung gò, phèn mặn của khai hoang, ông Tư Hiện thành thục nghề nông như một nông dân thứ thiệt: nhìn rầy đọc được mật độ bao nhiêu con/m2, trông màu lúa biết đang đủ thiếu gì...

Ngược với ông Ba Hạo nói ở bài trước, ông Tư Hiện là mẫu người mạnh dạn nên ông chọn con đường tích tụ đất bằng việc mua, dù mất nhiều năm. Tất cả sổ đỏ đều đứng tên ông, so với mức chuẩn của hạn điền theo Luật Đất đai cũ, tính sơ sơ ông đã vượt đến 25 lần. Còn theo Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, ông vượt 5 lần.

Trong khi làm ăn lớn vẫn phải trông chờ, hồi hộp với nhiều thứ, không chắc phần thắng – bại thì nỗi lo đóng thuế phần đất vượt khiến ông quyết định bỏ cuộc. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi mọi thứ liên quan đến “thuế vượt hạn mức đất” vẫn chưa rõ ràng, việc “gom vốn xoay sang làm cái khác” của ông cũng không hề dễ dàng, cho dù ông quyết “bán rẻ hơn” thị trường.

Có một cách được nhiều người tích tụ ruộng đất chọn, đó là chia đất nhỏ cho con cháu, người thân… đứng tên giùm. So với cách của ông Tư Hiện, đây là cách “lách” an toàn hơn, nếu tính từ góc độ quản lý nhà nước.

Ông Ba Tráng
Ông Ba Tráng

Nhìn ông Trần Hùng Tráng (Ba Tráng - xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) tính toán chi phí cho một hecta ruộng, từ khi làm đất đến lúc vác lúa lên bờ, cảm tưởng như mọi chuyện quanh cây lúa đã thấm tận máu thịt của ông. Có được 70 hecta đất, ông Ba Tráng chia cho năm người con, mỗi đứa 10 hecta, phần còn lại 20 hecta, vợ chồng ông đứng tên. Trên thực tế, ông vẫn chủ trì canh tác toàn bộ đất, vợ và những người con sẽ tham gia sản xuất cùng. Chia đều cho con cái, những lo lắng khi là người nắm giữ đất vượt hạn điền của ông cũng giảm đi “vì tính bình quân, theo luật cũ mỗi đứa không vượt mấy”, còn theo luật mới thì dưới mức.

Ông Sáu Đức (An Giang) cũng dùng cách này vì theo ông “hi vọng an toàn vì tránh được thuế vượt hạn điền (nếu có) hoặc bị chuyển sang thuê. Nhưng một mối lo khác khi “chia nhau ra đứng tên”, về mặt pháp lý, đất lúc đó không còn là của mình nữa. Trường hợp xấu, nếu người đứng tên có ý đồ như bán chác, cầm cố, cho tặng… khi đó việc đòi lại cái của mình chẳng dễ gì, nhất là khi “đất bị bán xong mới biết”.

Ngoài 20 năm bám trụ ở vùng tứ giác Long Xuyên, ông Sáu Đức nhớ lại ngày xưa, để một mảnh ruộng thành đất thuộc, gieo cấy điều hoà, một người chí thú như ông cũng phải mất ít nhất bảy năm khai phá.

Bảy năm đó là bảy năm tiêu tiền vào những kênh mương, san ủi, đê bao, rửa phèn… nhưng chẳng thu được mấy. Miên man trong hạt lúa, ông Sáu Đức trở lại chuyện tưởng như đã cũ: “Ai cũng biết một sự thật hiển nhiên, làm nông nghiệp nếu không tích tụ ruộng đất sẽ chẳng bao giờ giàu, chỉ từ đủ ăn đến thiếu đói. Nhưng một doanh nghiệp nào đó muốn lấy hàng trăm, hàng ngàn mẫu đất làm sân golf thì dễ quá, trong khi mình phải bỏ tiền mua mà vẫn hồi hộp như đu dây”. Cho dù sự hồi hộp lại không phải bắt nguồn từ ở chính những hạt giống ông đã gieo xuống mảnh ruộng.

 

 

Được và mất khi bỏ, giữ hạn điền

Trên thực tế, có hai cách nhìn về quy định hạn điền. Một luồng ý kiến cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Một luồng ý kiến ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường các cơ quan nhà nước cũng không quản lý được hạn điền, không phát hiện được người vượt hạn điền và cũng không xử lý được những người vượt hạn điền. Để lại hay bỏ thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp đều có cái lợi và cái hại.

Bỏ đi hạn điền thì cái lợi là làm cho người nông dân yên tâm tích tụ đất đai để làm ăn lớn, dám đầu tư dài hạn, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất và sản lượng, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp. Bỏ đi hạn điền cũng có một cái lợi nữa là quản lý minh bạch hơn, không cần phải mượn tên người khác đứng cho thửa đất tích tụ thêm, cũng không cần “chạy chọt” để xin gia hạn khi hết thời hạn, tức là không còn nguy cơ tham nhũng. Bỏ đi thì cũng có cái khó là không dám chắc rằng địa chủ mới không hình thành, đầu cơ đất nông nghiệp sẽ phát sinh.

Để lại hạn điền thì yên tâm hơn về sự hình thành địa chủ mới nhưng tất cả mọi người sản xuất nông nghiệp đều làm ăn tạm bợ, không thể yên tâm.

So sánh cái được, cái mất, phương án bỏ thời hạn và hạn điền vẫn được nhiều hơn mất. Điều e ngại về “địa chủ mới” có thể giải quyết bằng quy định khác của pháp luật. Ví dụ như đánh thuế rất cao đối với trường hợp phát canh, thu tô, nhà nước sung công đất đối với người có đất nhưng không sử dụng. Điều e ngại chính vẫn là pháp luật có được thực thi đầy đủ ở địa phương hay không?

 

Bài & ảnh: Doãn Khởi – Trọng Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ đất lúa và nỗi lo vượt hạn điền – Bài 2: Ôm đất, những nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO