Tích tụ đất đai - phải đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu

14/04/2017 00:00

(TN&MT) - Phát biểu tại Hội nghịGiải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp diễn ra sáng 14/4 tại TP Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Tất cả những giải pháp, tập trung vào tích tụ, tập trung vào phát triển nền nông nghiệp lớn, đều phải có mục tiêu là vì quyền lợi phải bảo vệ được người nông dân”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì chủ trì hội nghị. Ảnh: Việt Hùng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (Thứ hai  từ bên phải sang), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (Thứ ba từ phải sang), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì (bìa trái) chủ trì hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều mô hình thành công

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hơn 30 năm trước đây, bắt đầu từ chủ trương khoán 10 do đồng chí Kim Ngọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khởi xướng, chính sách giao đất ổn định lâu dài góp phần giải phóng sức lao động, tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn. Từ một nước thiếu lương thực đã vươn lên trở thành một trong các nước xuất khẩu gạo, nông sản lớn của thế giới. Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập sâu rộng, chính sách, pháp luật đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

“Tôi rất đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc cần phải có những đánh giá về các mô hình hiện nay đã tập trung được đất đai và thu hút được doanh nghiệp sản xuất để thấy được những mặt mạnh, những mặt yếu, những cản trở… để từ đó đưa ra những chính sách, những giải pháp nhằm đem lại hiệu quả của việc tích tụ đất đai” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Nêu lên việc một số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh tạo đã thành công với các cánh đồng mẫu lớn ở An Giang; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế hộ cũng phát triển mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, An Giang, Hà Nội... Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá đã có nhiều mô hình sáng tạo trong thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị sáng 14/4
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị sáng 14/4

Còn tình trạng chậm tích tụ đất đai

Về tình trạng còn chậm tích tụ đất đai, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dung đất, năng suất lao động mà theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng ADB cho thấy sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng ½ so với Thái Lan và Philipin mà trong đó có rất nhiều nguyên nhân.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguyên nhân của tình trạng chậm tích tụ là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn diễn ra chậm; Một số chính sách, pháp luật đất đai chưa thúc đẩy tích tụ như đối với hộ gia đình, cá nhân: Quy định hạn mức nhận chuyển quyền đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân tại Điều 130 Luật đất đai chưa khuyến khích tích tụ để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cá nhân nhận chuyển quyền vượt hạn mức là hành vi pháp luật nghiêm cấm và phần diện tích đất vượt hạn mức bị từ chối nhận thế chấp khi vay vốn ngân hàng… “Có phải đây là vấn đề đang cản trở hay không, chúng ta cần xem xét để hoàn thiện chính sách” - Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, đối với nhà doanh nghiệp, mặc dù không có quy định hạn mức giao và nhận chuyển nhượng nhưng quyền tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trừ trường hợp được chuyển mục đích theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

Luật đất đai hạn chế các trường hợp Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong khi đó mặc dù có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng nhưng nhiều trường hợp do chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế về các hình thức tiếp cận đất nông nghiệp so với doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - trình bày tham luận tại Hội nghị
Ông Nguyễn Mạnh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - trình bày tham luận tại Hội nghị

Chính sách thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Việc xử lý đối với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng chưa được thực hiện nghiêm trên thực tế. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển kém; còn tình trạng nông dân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất… đây là những đề thuộc về nhận thức.  

“Nước ta không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu suất lao động trong nông nghiệp nếu vẫn duy trì nền nông nghiệp manh mún, phân tán, tự phát… Đó là một nguyên nhân cơ bản đồng thời chưa gắn được với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với thị trường để nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam và càng không có điều kiện trong thế giới hội nhập ngày nay.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phải đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, tích tụ, tập trung ruộng đất hình thành những cánh đồng lớn cùng với những giải pháp khác là yêu cầu, là đòi hỏi và là một trong những động lực cho tái cơ cấu nền nông nghiệp. “Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói, tất cả những giải pháp, tập trung vào tích tụ, tập trung vào phát triển nền nông nghiệp lớn, thì đều phải có mục tiêu là vì quyền lợi, mục đích là phải bảo vệ được người nông dân” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, ưu tiên đầu tiên là phải đảm bảo đời sống, sinh kế ngày một tốt hơn cho nông dân, để nông dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển, tích tụ và tập trung; tránh tình trạng nông dân bán đất tiếp tục phá rừng làm nương như ở Tây Nguyên trong giai đoạn trước đây. Cần đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế để chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn;

Đề cập đến thực tế, việc tích tụ và cập trung mà chúng ta không chú ý đến lợi ích của người nông dân và tính phù hợp của lực lượng lao động ở nông thôn thì việc thực hiện tích tụ rất khó khả thi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người nhận chuyển nhượng, nhận thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp tổ chức đào tạo nghề và khuyến khích người nông dân tham gia vào công việc này để họ vào làm việc để có thu nhập và sinh kế tốt hơn.

Toàn cảnh Hội nghị sáng 14/4 tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh Hội nghị sáng 14/4 tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Chưa phải là vấn đề cần và đủ

Về những giải pháp trong tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Tôi muốn nói, tích tụ đất đai không phải là vấn đề cần và đủ mà chúng ta cần phải tính đến nhiều giải pháp đồng bộ và quan trọng khác như: giải pháp về thị trường, giải pháp về thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, giải pháp để quy hoạch và xây dựng được nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh trên Thị trường Thế giới, giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ…  để có thể có được nền nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh và hội nhập”

Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia tập trung vào nghiên cứu, thảo luận về những giải pháp trong quá trình tích tụ đất đai như: Cần có chính sách đánh thuế cao đối với đất nông nghiệp bị bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng để hạn chế các trường hợp đầu cơ đất nông nghiệp chờ quy hoạch chuyển mục đích, cũng như hạn chế tình trạng nông dân không sản xuất để đất hoang nhưng không chuyển nhượng, cho thuê lại;

Việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo công khai minh bạch để người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất yên tâm đầu tư mà không lo bị nhà nước thu hồi để chuyển mục đích sử dụng. Điều này hết sức quan trọng bởi nó liên quan đến vấn đề huy động ứng dụng khoa học, công nghệ và thu hút đầu tư nó đảm bảo được tính ổn định, lâu dài của chính sách;  

Phải tạo được cơ chế đồng bộ thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển thông qua việc công khai minh bạch thông tin, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa… cần được tiến hành nhanh hơn. Việc cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký biến động khi chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn quyền sử dụng đất; thực hiện chính sách miễn thuế thu nhập đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;

Cùng với việc hoàn thiện các chính sách, chính quyền các cấp phải tích cực vào cuộc để vận động thuyết phục nông dân có đất không sản xuất, sản xuất không hiệu quả cho thuê lại đất; đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa cho người nhận chuyển nhượng để hợp thành thửa lớn thuận lợi cho cơ giới hóa;

Nghiên cứu mở rộng quyền tiếp cận về đất đai đối với doanh nghiệp nông nghiệp. Để thu hút đầu tư đầu tư xây dựng hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao, một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao vào các trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 62 Luật đất đai. Sửa đổi Điều 191 Luật đất đai theo hướng không hạn chế tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân.

Nghiên cứu mở rộng quyền tiếp cận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp tại khu vực đã được quy hoạch, không thuộc khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Xem xét quy định thời hạn sử dụng đất đối với đất nông nghiệp trong hạn mức Nhà nước giao đất của hộ gia đình, cá nhân để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh vì đối với quỹ đất này khi hết thời hạn thì hộ gia đình, cá nhân vẫn được tiếp tục gia hạn nếu có nhu cầu.

Thiết lập cơ chế tạo quỹ đất để phục vụ cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn và có tâm lý ngại tiếp xúc để trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất.

Thúc đẩy nông dân liên kết để sản xuất kinh doanh. Trong mô hình này doanh nghiệp đóng vai trò đầu mối cung cấp vật tư, giống, khoa học công nghệ và bao tiêu đầu ra, nông dân vẫn sản xuất trên ruộng đất của mình nhưng tự hình thành các nhóm hộ sản xuất cùng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa và đặc biệt là vấn đề nắm bắt thị trường...

Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến của lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương và các chuyên gia, các nhà khoa học. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Bài: Việt Hùng, Ảnh: Khương Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ đất đai - phải đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO