Thủy điện Đrang Phôk đặt giữa "lõi" rừng VQG Yok Đôn: Bài 3 - "Tất cả của chúng ta thì việc gì phải vội?"

08/05/2016 00:00

  (TN&MT) - Các nhà khoa học cho rằng "làm thủy điện là phải đánh đổi" nhưng cần xem xét cái "được" và cái "mất" thật kỹ, có cái nhìn sâu rộng trước khi...

 

(TN&MT) - Các nhà khoa học cho rằng “làm thủy điện là phải đánh đổi” nhưng cần xem xét cái “được” và cái “mất” thật kỹ, có cái nhìn sâu rộng trước khi xây dựng mỗi công trình.

Đối với dự án xây dựng Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đrang Phôk, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy về tài nguyên môi trường, kinh tế - xã hội và đề nghị xem xét lại tính khả thi của dự án. Liệu dự án NMTĐ Đrang Phôk sẽ được phê duyệt khi “bất chấp tất cả” các ý kiến phản đối của chính quyền địa phương, các cảnh báo của nhà khoa học hay sẽ dừng lại? 

Hội thảo tham vấn ý kiến về các tác động môi trường và các giải pháp khắc phục dự án “Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đrang Phôk” được tổ chức vào ngày 23/3/2016
Hội thảo tham vấn ý kiến về các tác động môi trường và các giải pháp khắc phục dự án “Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đrang Phôk” được tổ chức vào ngày 23/3/2016

Sẽ “trả giá” rất nhiều

TS. Y Ghi Niê - Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Đắk Lắk, cảnh báo: “Nếu dự án được phê duyệt, kẻ gian sẽ lợi dụng quá trình người ra vào rừng thi công để tàn phá rừng, gây sức ép cho công tác QLBVR vốn đã khó khăn tại VQG Yok Đôn. Đó là chưa kể việc máy móc vào, hoạt động ầm ầm nhiều năm sẽ khiến cho các loài thú quý hiếm không còn không gian sống trong lành và biến mất”.

Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam, diện tích rừng chuyển đổi để xây dựng NMTĐ Đrang Phôk tuy nhỏ nhưng là hệ sinh thái rừng khộp trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn và là địa bàn hoạt động kiếm ăn của các loài động vật hoang dã. Vì vậy, việc chiếm dụng đất rừng vùng lõi sẽ gây tác động bất lợi đối với một số loài động thực vật, trong đó có các loài thú lớn, thú quý hiếm.

Còn theo PGS-TS Bảo Huy (Khoa Nông lâm nghiệp - Trường Đại học Tây Nguyên), hệ thống sông ở Tây Nguyên vô cùng quan trọng trong cân bằng sinh thái và sinh kế của cư dân trên địa bàn. Bởi nó nằm trên đầu nguồn nên quyết định đến chất lượng và số lượng nước, động vật thủy sinh, nguồn lợi thủy sản. Mọi tác động lên sông suối ở đây đều tác động rất lớn và lâu dài cho tự nhiên và xã hội. Trên lý thuyết, các thủy điện đều có đánh giá tác động môi trường và trồng rừng thay thế, nhưng tất cả chỉ là lớp vỏ bọc cho việc làm suy kiệt các hệ sinh thái, mất sinh kế của cộng đồng. Thực tế cho thấy ở Việt Nam những năm qua, việc xây dựng thủy điện chủ yếu chạy theo lợi nhuận, nhiều khi bất chấp các tác động của nó.

“Cho đến nay, thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông, hệ thống thủy văn đang có vấn đề. Thủy điện xây dựng làm chia cắt, manh mún hệ thống sinh thái, thủy văn, xã hội. Vì vậy, khi làm thủy điện, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, không thể làm với mọi giá. Việc xây dựng thủy điện ở Việt Nam cần cẩn trọng, không chạy theo lợi ích kinh tế, đặt lợi ích lâu dài về môi trường, xã hội, văn hóa lên hàng đầu thì mới bền vững được. Hướng lâu dài là các địa phương cần xây dựng chiến lược quản lý sử dụng nguồn nước bền vững, trên cơ sở đó để xác định được ở đâu có thể làm thủy điện và xây dựng thủy điện ở quy mô nào, tránh tình trạng như hiện nay ở đâu có nước, có sông suối là có thể làm thủy điện”, PGS-TS Bảo Huy đề xuất.

: “Sông của chúng ta, nước của chúng ta, cơ chế chính sách cũng là của chúng ta, tại sao phải vội vàng xây dựng một NMTĐ giữa VQG
“Sông của chúng ta, nước của chúng ta, cơ chế chính sách cũng là của chúng ta, tại sao phải vội vàng xây dựng một nhà máy thủy điện giữa VQG"?

Có “nhất thiết” phải thực hiện bằng mọi giá?

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về các tác động môi trường và các giải pháp khắc phục dự án “Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đrang Phôk” được tổ chức vào ngày 23/3/2016, TS. Nguyễn Hoàng Phương (Đoàn nghiên cứu khoa học Trường Đại học Tây Nguyên) đã chỉ rõ: “Trên dòng Srêpôk có khoảng 10 dự án thủy điện lớn nhỏ với tổng công suất chúng tôi tính toán được là khoảng 878MW. Dự án này có công suất 26MW, tức là chiếm chưa tới 3% tổng công suất mà tự nhiên mang lại cho chúng ta trên dòng sông này. Chúng ta có cần thiết phải xây dựng nhà máy thủy điện với công suất 26MW và phải đặt nó ngay giữa “trái tim” của VQG Yok Đôn(?)”.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Phương, rừng khộp là hệ sinh thái độc đáo, hiện chỉ còn ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm một phần rất lớn và tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Rừng khộp không chỉ là rừng, càng không phải là rừng nghèo mà rất phong phú về tài nguyên, đa dạng về sinh học. Đặc biệt, rừng khộp tại VQG Yok Đôn còn gắn liền với phong tục tập quán, sinh kế của đồng bào bản địa. “Chúng ta có thể nhìn thấy được những tác động về mặt môi trường khi thực hiện dự án NMTĐ Đrang Phôk và có các biện pháp giảm thiểu nhưng không thể đánh giá được sự “hòa hợp” của công trình này với tự nhiên trong tương lai. Chúng ta có thể sẽ mất nhiều hơn cái chúng ta nhìn thấy, đánh giá được. Quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ thực hiện dự án này!” - TS. Phương thẳng thắn.

Địa phương phản đối gay gắt việc xây dựng NMTĐ Đrang Phôk, các nhà khoa học cũng lên tiếng cảnh báo và cần xem xét tính khả thi của dự án, nhưng thẩm quyền phê duyệt là của các bộ, ban ngành có liên quan. Chúng tôi xin tạm dừng câu chuyện thủy điện Đrang Phôk bằng lời chia sẻ chân tình về dự án này của ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn và cũng là người sinh ra và lớn lên tại vùng đất này: “Sông của chúng ta, nước của chúng ta, cơ chế chính sách cũng là của chúng ta, tại sao phải vội vàng xây dựng một NMTĐ giữa VQG? Nếu cần thiết làm thì hãy “để dành” cho tương lai, khi nào con cháu chúng có điều kiện kinh tế tốt hơn, có trình độ cao hơn thì chúng sẽ làm”.

Bài & ảnh: Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện Đrang Phôk đặt giữa "lõi" rừng VQG Yok Đôn: Bài 3 - "Tất cả của chúng ta thì việc gì phải vội?"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO