Thủy điện An Khê – Ka Nak khắc phục sự cố vỡ đập

27/11/2013 00:00

(TN&MT) - EVN đã quyết định thành lập ban chỉ đạo khắc phục hậu quả, do ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty thuỷ điện Ia Ly làm trưởng đoàn.

   
(TN&MT) - Trận lũ lịch sử trong hai ngày 14 và 15/11 vừa qua ở khu vực Nhà máy (NM) thủy điện An Khê (thuộc cụm công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak), nằm tại vùng núi giáp ranh giữa thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã làm nhiều vạt núi sạt lở, hàng nghìn m3 đất đá đổ dồn xuống vùi lấp nhiều hạng mục của NM thủy điện An Khê.
   
Nguồn ảnh: Website của Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak
   
  Đứng chân trên địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), NM thủy điện An Khê gồm 2 tổ máy, với công suất 80 MW/tổ. Do mưa lớn kéo dài từ cơn bão số 15, dòng nước lũ đã đổ về phá vỡ các kè chắn phía sau NM, kênh xả bị vùi lấp trong lũ, hệ thống tiêu năng kiên cố cũng bị lũ kèm đất đá tràn qua làm vỡ; gian đặt máy, trạm phân phối điện, trạm biến áp… cũng bị dòng lũ với vô vàn sỏi đá làm cho tê liệt. Nhiều hạng mục công trình khác cũng bị đất cát vùi lấp, có nơi cát đá vùi cao đến vài mét. Sau khi sự cố xảy ra, NM đã ngưng hoạt động cả 2 tổ máy. Tính toán sơ bộ, con số thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
   
Nguồn ảnh: Website của Công ty thủy điện An Kê - Ka Nak
    
   
  Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định thành lập ban chỉ đạo khắc phục hậu quả, do ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty thuỷ điện Ia Ly làm trưởng đoàn. Tuy nhiên, do NM bị chôn vùi dưới hàng nghìn m3 đất đá nên công tác khắc phục rất cẩn trọng và kéo dài. Hiện nay, hơn 30 công nhân kỹ thuật của Công ty thủy điện Ia Ly cùng hàng trăm công nhân của các đơn vị thuộc EVN đang ngày đêm thực hiện việc thu dọn bùn đất, đá sỏi, sửa chữa và thay thế các bộ phận bị hư hỏng… Sớm nhất là 45 ngày kể từ khi xảy ra sự cố mới khắc phục xong tổ máy thứ nhất, sau đó mới tiếp tục sữa chữa tổ máy thứ hai.
   
  Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, mặc dù NM thủy điện An Khê lấy nước từ kênh dẫn của đập An Khê trên sông Ba (địa phận thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), để vận hành phát điện. Thế nhưng đợt lũ này nước đổ về NM không phải từ sông Ba mà là của lưu vực thượng nguồn sông Kôn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), phía sau lưng NM.
   
   
  Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Gia Lai vừa có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian thông báo trước khi xả lũ ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhằm đảm bảo được thời gian tránh lũ an toàn cho nhân dân ở các vùng hạ lưu. Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 23/9/2010 và Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 12/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định các chủ công trình thủy điện, thủy lợi thông báo xả lũ trước 2 giờ. Theo kiến nghị của UBND tỉnh Gia Lai, thời gian này quá ngắn và chưa hợp lý mà cần phải thông báo xả lũ ít nhất trước 24 giờ. Thực tế là trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tiếp có những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão và ấp thấp nhiệt đới, khiến người dân vùng hạ lưu của sông Ba, cụ thể là các huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa và hai thị xã An Khê, Ayun Pa chịu nhiều thiệt hại. Các hồ chứa của cụm công trình thủy điện An Khê - Ka Nak buộc phải mở các cửa xả lũ để đảm bảo công trình. Tuy nhiên, thời gian thông báo xả lũ quá ngắn nên nhân dân ở một số nơi không kịp tránh lũ, phải chịu thêm thiệt hại nặng nề.
   
                                                                   Thục Vy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện An Khê – Ka Nak khắc phục sự cố vỡ đập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO