Thực phẩm biến đổi gen có ảnh hưởng đến sức khỏe?

21/05/2019 11:23

(TN&MT) - Theo các chuyên gia, cho đến nay, vẫn chưa có một khẳng định chắc chắn nào về tác hại của việc sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gen.

photo 3 1509442192546


Thực phẩm biến đổi gen an toàn

Tại Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, An ninh và An toàn thực phẩm trong bối cảnh Hội nhập do Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức CropLife Việt Nam tổ chức mới đây, TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng  Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như: WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định thực phẩm biến đổi gen an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người. Các loại thực phẩm khi ăn vào cơ thể sẽ hấp thụ trong ruột, dạ dày là protein, lipit chứ không hấp thụ gen đó. Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định thực phẩm biến đổi gen có tác động tới gen của con người.

Kết quả của nhiều nhóm nghiên cứu độc lập về độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen trên thế giới và được công bố ở một số tạp chí khoa học có giá trị như: Critical Reviews in Biotechnology, Environment International, Genetics, Nature Biotechnology cũng như các tổ chức quốc tế như WHO và FAO cũng cho biết, lịch sử dùng thực phẩm biến đổi gen của toàn thế giới cho đến nay khoảng 20 năm chưa thấy có báo cáo nào nói đến hiện tượng ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người sử dụng.

Tuy vậy, các nhà khoa học cũng nhận định, thực phẩm được chế biến từ các cây trồng biến đổi gen GMO, cũng có thể dẫn đến những rủi ro như gây dị ứng hoặc gây nên tình trạng lờn thuốc ở người tiêu dùng, kích hoạt các gen không mong muốn làm rối loạn quá trình chuyển hóa. Các nhà khoa học cho rằng, việc gây dị ứng hoặc gây ngộ độc của một protein là rất thấp vì chúng đã được biến đổi trong quá trình chế biến, đồng thời, chúng được phân giải đi trong quá trình tiêu hóa. 

TS. Phan Thế Đồng (Bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM) cũng cho rằng, khả năng các gen kháng thuốc từ thực phẩm biến đổi gen chuyển sang vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột hoặc khả năng nhiễm các gen lạ vào cơ thể được đánh giá rất thấp vì hệ tiêu hóa của con người có khả năng phân hủy hết các gen, đồng thời, khả năng tái tổ hợp với các gen của vi khuẩn hoặc trong tế bào khó có thể xảy ra.

Phải được kiểm soát gắt gao

Tại Việt Nam, số lượng lẫn chủng loại thực phẩm biến đổi gen tương đối nhiều, khảo sát 323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị kết quả có 111 sản phẩm biến đổi gen. Để kiểm soát các thực phẩm biến đổi gen cũng như minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn, Bộ NN&PTNT đã quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen.

Theo đó, từ 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gen được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt. Thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam. Các thực phẩm biến đổi gen không ghi nhãn theo quy định sẽ không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu.

Bên cạnh đó, mặc dù, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguy cơ gây hại với sức khỏe con người, nhưng các nhà quản lý, các chuyên gia khẳng định, cây trồng biến đổi gen cũng có khả năng gây hại cho môi trường bởi nguy cơ làm thay đổi hệ sinh thái, làm xuất hiện các loài sâu bệnh kháng thuốc, xuất hiện những loài virus mới có hại. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ra một quyết định hợp lý, đó là cho lưu hành cây trồng biến đổi gen một cách có kiểm soát, chủ yếu phục vụ công tác khảo nghiệm, sản xuất giống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm biến đổi gen có ảnh hưởng đến sức khỏe?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO