Thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH

16/02/2016 00:00

(TN&MT) - TP. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện các giải pháp ứng phó trong lĩnh...

 

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng với các biểu hiện như nhiệt độ tăng cao, lốc xoáy, ngập lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở… đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt phát triển kinh tế- xã hội.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại, trong thời gian qua TP. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện các giải pháp ứng phó trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, chống ngập, chống sạt lở, phát triển hệ thống cây xanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…

Rạch Tham Tướng, quận Ninh Kiều sau khi được góp phần cải tạo môi trường, ứng pho với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Rạch Tham Tướng, quận Ninh Kiều sau khi được góp phần cải tạo môi trường, ứng pho với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Thực trạng

Cần Thơ là đô thị trung tâm, động lực phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL. TP. Cần Thơ với địa hình bằng phẳng và thấp, độ cao trung bình khoảng 0,5 đến 1m trên mực nước biển. Đối với dãy đất chạy dọc theo sông Hậu, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 91 cao hơn mực nước biển từ 1,0 đến 1,5m là khu vực phát triển đô thị chính của thành phố…

Cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, TP. Cần Thơ đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu như: hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở đất. Ngập nước theo mùa là yếu tố tự nhiên của vùng ĐBSCL và TP. Cần Thơ, mùa mưa đến từ tháng 5 đến tháng 11, tập trung vào các tháng 8 đến tháng 10 cùng thời gian này xuất hiện lũ trên sông Mêkông tạo ra mùa nước nổi hàng năm đem lại nhiều nguồn lợi thủy sản, cải tạo đất đai cho trồng trọt...

Tuy nhiên, những năm gần đây mực nước sông Hậu trên địa bàn TP. Cần Thơ có những diễn biến bất thường kết hợp với triều cường đã gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng với mực nước ngày càng cao, gây thiệt hại không nhỏ đến cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất của người dân. Theo các ngành chức năng TP. Cần Thơ, trong những năm gần đây vào mùa mưa thường đi kèm với ngập lũ ảnh hưởng tới khoảng 50% diện tích toàn thành phố. Bên cạnh đó, vào mùa khô thường đi kèm với thiếu nước tưới, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là khu vực bị ảnh hưởng của mặn, phèn làm tăng thêm tính thời vụ cũng như nhu cầu dùng nước không đều giữa các mùa của sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh tình trạng ngập lụt do lũ, triều cường thì sạt lở đất cặp các tuyến sông rạch do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đã xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây. Đơn cử tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra ít nhất 3 vụ sạt lở đất ở 3 khu vực khác nhau, gây thiệt hại cho nhà nước, người dân hàng trăm triệu đồng…So với các vùng, miền khác trong cả nước, ĐBSCL trong đó có TP. Cần Thơ là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi khi “mưa thuận gió hòa”, thế nhưng trong thời gian qua ở Cần Thơ xuất hiện nhiều cơn giông lốc xoáy mà điển hình là vào cuối tháng 7/2014 tại thị trấn Cờ Đỏ xuất hiện một cơn lốc xoáy làm sập 56 căn nhà, 91 căn tốc mái, 40 trụ điện bị ngã và 5 người bị thương do cây đè trúng…    

Một góc TP. Cần Thơ
Một góc TP. Cần Thơ

Triển khai nhiều giải pháp ứng phó

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại, trong thời gian qua TP. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế…thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, chống ngập, chống sạt lở, phát triển hệ thống cây xanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…

Tại hội thảo quốc gia về quy hoạch đô thị chống ngập thích ứng với biến đổi khí hậu do UBND TP. Cần Thơ và Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội tổ chức vào cuối tháng 10/2015, bà Ngô Thị Lệ Mai, điều phối viên Quốc gia- Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội cho rằng, trong thời gian qua với sự quan tâm, ủng hộ của TP. Cần Thơ, Viện Chuyển đổi Môi trường- Xã hội đã phối hợp cùng các Sở, ngành tiến hành đánh giá các rủi ro và tính dễ bị tổn thương, tập huấn nâng cao năng lực, thực hiện một số dự án thí điểm, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố, thực hiện dự án xây dựng văn phòng biến đổi khí hậu và một số dự án can thiệp khác.

“Thông qua các chương trình, dự án này đã thu hút được sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý sạt lở và ngập lụt tại phường An Bình, tạo ra được mô hình đồng quản lý và chia sẽ trách nhiệm giữa người dân với chính quyền trong việc quản lý thiên tai ở khu vực đô thị; thiết lập hệ thống quan trắc mặn tự động nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng lập kế hoạch ứng phó; huy động được sự tham gia của cộng đồng và cán bộ ngành y tế, giáo dục trong việc phòng chống sốt xuất huyết trong bối cảnh biến đổi khí hậu…” - bà Ngô Thị Lệ Mai, điều phối viên Quốc gia - Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội nhấn mạnh. Song song đó, TP. Cần Thơ đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp công trình nhằm cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình là các dự án xây dựng hồ Xáng Thổi, kè rạch Cái Khế, rạch cầu Chùa, rạch Tham Tướng, Rạch Cái Bần, nâng cấp hệ thống thoát nước dọc các tuyến đường nội thị TP. Cần Thơ, lắp đặt 113 van ngăn triều có đường kính từ D400 đến D2500 tại các vị trí cửa xả ra sông, rạch để phòng chống lũ và ngăn triều cường…

Hồ Xáng Thổi nằm ở trung tâm quận Ninh Kiều, với diện tích khoảng 6,5ha là nơi thoát nước chính của khu vực trung tâm thành phố, tuy nhiên do trước đây chưa được xây dựng hệ thống thoát nước nên khu vực này thường xuyên bị ngập, ngoài ra nước thải, rác thải sinh hoạt của người dân được thải trực tiếp ra khu vực hồ trở thành điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2006 từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, hồ xáng Thổi được khởi công xây dựng với một số hạng mục chính như đường giao thông, bờ kè bảo vệ, đập tràn, nạo vét kênh và hồ…Sau gần 3 năm thi công hồ Xáng Thổi được xây dựng hoàn thành đã góp phần điều hòa nhiệt độ, điều tiết nguồn nước cho khu vực trung tâm thành phố, cải tạo môi trường, cảnh quan xanh- sạch- đẹp.

Gần đây, TP Cần Thơ đã xúc tiến thực hiện dự án kè bờ sông Cần Thơ để ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án này khi kết nối với dự án kè sông Cần Thơ đang thực hiện sẽ góp phần vào chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố. Theo ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ, Dự án kè bờ sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình SP-RCC. Dự án kè bờ sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu cho thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 5,16 km (gồm bờ kè trái từ cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng và đến Phong Điền; bờ kè phải từ cầu Cái Sơn đến tiếp giáp Dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 800 tỉ đồng… Việc triển khai Dự án kè bờ sông Cần Thơ sẽ giúp cho Cần Thơ giải quyết được một số vấn đề về ứng phó biến đổi khí hậu như giải quyết tình trạng xói lở bờ sông, tình trạng ngập úng…

i & ảnh: Lê Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO