Thực hiện Nghị định 203 về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản - Kỳ II: Doanh nghiệp kêu cũng phải làm

24/10/2014 00:00

(TN&MT) - Theo thông tin của cơ quan quản lý tài nguyên và cơ quan thuế, doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay phải có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên, phí...

   
(TN&MT) - Tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia, cơ chế xin – cho trong cấp phép khai thác khoáng sản trước đây chỉ làm giàu cho một nhóm người, Nhà nước thất thu. Chính vì vậy Nghị định 203 bản chất là làm thay đổi, hạn chế tình trạng này bằng việc cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được xem xét  dựa trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản… Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đây là chính sách mới phù hợp với giai đoạn hiện nay khi nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam không khuyến khích khai thác khoáng sản hóa thạch.
   
Doanh nghiệp tự khai báo, thất thu lớn
   
  Theo thông tin của cơ quan quản lý tài nguyên và cơ quan thuế, doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay phải có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và hiện tại là đóng tiền cấp quyền khai thác… Thế nhưng, tất cả các khoản đóng góp trên lại được thu dựa trên số liệu báo cáo của DN như sản lượng khai thác hay mức lợi nhuận. Trong khi Việt Nam hiện nay chưa có cơ chế kiểm chứng một cách hiệu quả các số liệu do DN báo cáo. Điều này dẫn đến việc DN khai báo thấp hơn thực tế nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp tài chính hoặc DN chỉ chú trọng khai thác phần tài nguyên có chất lượng cao, vị trí dễ tiếp cận nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư công nghệ trong khai thác để tăng lợi nhuận, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên quốc gia và giảm hiệu quả thu ngân sách.
   
   
Khai thác theo tư duy "dễ làm khó bỏ" đang làm lãng phí tài nguyên
   
  Xung quanh chủ trương thu tiền cấp quyền khai thác, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn nhiều lần khẳng định: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có giá trị khá lớn, nhiều mỏ tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Trước đây không có chuyện một năm thu được 2.000 - 3.000 tỷ đồng nhưng năm nay với việc thực hiện nghiêm quy định này, dự kiến sẽ thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng vào ngân sách và các năm sau cũng như vậy. 
   
  Theo ông Thuấn, số tiền này được xác định căn cứ vào trữ lượng khoáng sản còn nằm trong lòng đất sẽ thúc đẩy DN phải có sự đầu tư công nghệ để khai thác triệt để tài nguyên khoáng sản, không thể “dễ làm khó bỏ”. Và quy định này cũng loại trừ tình trạng “ôm mỏ” rất phổ biến trước đây, DN phải tính toán để đề nghị cấp phép phần trữ lượng phù hợp với công suất và thời gian khai thác.
   
  Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT: Quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản 2010 là một quy định mới, phức tạp và nhạy cảm. Do đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN trên quan điểm thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong quá trình thực hiện có bất cập sẽ tìm cách tháo gỡ.
   
Vướng đâu, gỡ đó
   
  Để triển khai được hiệu quả Nghị định 203, ngay từ đầu năm 2014, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức các hội nghị đối thoại với các tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản và tập huấn triển khai nghị định tại nhiều địa phương trong cả nước. Những kiến nghị của tổ chức, cá nhân tại các buổi đối thoại đều được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nghiêm túc xem xét và giải quyết những vấn đề doanh nghiệp kiến nghị. Cụ thể, tại các cuộc đối thoại hầu hết DN kiến nghị về việc không truy thu tiền cấp quyền từ thời điểm 1/7/2011 – 31/12/2013.
   
  Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, kiến nghị trên của các doanh nghiệp khoáng sản là đúng đắn. Bởi thời điểm từ ngày 1/7/2011 - 31/12/2013, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã hoàn thành quyết toán hàng năm; công bố lỗ, lãi và nộp các khoản thuế, phân chia lợi nhuận. Vì vậy, việc hồi tố thu tiền cấp phép khai thác khoáng sản trong khoảng thời gian đó là khó khả thi. 
   
  Xuất phát từ thực tế đó, ngày 12/9/2014, Bộ TN&MT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo và đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2013. Nếu kiến nghị này được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp thuận sẽ góp phần gỡ vướng và đẩy nhanh quá trình thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong phạm vi cả nước. Trong khi chờ quyết định chính thức về việc này, được sự đồng ý của Chính phủ, hiện Bộ TN&MT quyết định chưa thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác trong khoảng thời gian trên.
   
Bài và ảnh: Minh Anh
   
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp  về những bất cập trong việc thu tiền cấp quyền khai thác đối với khối DN đá trắng tại Yên Bái, Nghệ An (được phản ánh trong bài báo trước - PV), lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt nam cho rằng, Tổng cục đã nhiều lần triệu tập DN của khối này họp bàn và đã nhất trí với đề nghị của các DN về việc xin đánh giá lại trữ lượng mỏ. Những DN không đồng ý nộp tiền cấp quyền sẽ nộp đơn đề nghị đánh giá lại trữ lượng mỏ về Tổng cục. Sau khi tiếp nhận đơn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong việc thu tiền cấp quyền khai thác đối với khối DN đá trắng sẽ họp bàn quyết định phương thức thực hiện khả thi nhất cho DN.
    
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị định 203 về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản - Kỳ II: Doanh nghiệp kêu cũng phải làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO