Thực hiện Nghị định 203 về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Kỳ I: Tính tiền trên trữ lượng cấp phép, doanh nghiệp “kêu” sẽ phá sản!

21/10/2014 00:00

(TN&MT) - Sau 9 tháng thực hiện Nghị định 203/NĐ-CP không ít doanh nghiệp chây ì, kéo dài thời gian kê khai với muôn vàn lý do…

   
(TN&MT) - Nghị định 203/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ đầu năm 2014. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sau 9 tháng thực hiện, đã thu được cho ngân sách 500 tỷ đồng, dự tính đến hết năm sẽ thu được khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Song, trong khi cơ quan chức năng “đau đầu” hướng dẫn, kiểm soát doanh nghiệp kê khai hồ sơ thì không ít doanh nghiệp chây ì, kéo dài thời gian kê khai với muôn vàn lý do…
   
Cách tính thiếu thực tế?
   
  Trong khi thực hiện kê khai hồ sơ nộp tiền cấp quyền, hầu hết doanh nghiệp cho rằng phương pháp tính thu tiến cấp quyền khai thác dự trên trữ lượng được cấp trên giấy phép là không chính xác. Bởi thực tế khi doanh nghiệp tiến hành khai thác theo phương pháp khai thác lộ thiên như hiện nay thì hệ số thu hồi khoáng sản cao nhất cũng chỉ đạt từ 0,6 – 0,8 trong khi  Nghị định tính theo hệ số thu hồi khoáng sản K1=0,9 là không thực tế.
   
  Đại diện Cty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Yên Bái) cho biết: Phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác đá trắng dựa trên trữ lượng được cấp trên giấy phép là quá cao, lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. So với trữ lượng khai thác thực tế của DN thì phải nộp tiền cho 20m3 mà chỉ khai thác được 1m3. Về đá bột, chúng tôi phải nộp tiền cấp quyền cho 10 tấn trong khi chỉ khai thác được 1 tấn. Nếu làm phép tạm tính thì cũng thấy, doanh thu trung bình của DN là 2 tỷ đồng/năm trong khi phải nộp tiền cấp quyền là 5 tỷ đồng/năm. Đây là con số vô lý không thể chấp nhận được.
   
   
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đá trắng đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét tháo gỡ khó khăn
   
  Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Đá trắng Nghệ An cho biết: Căn cứ theo số liệu của 50 giấy phép khai thác và chế biến đá vôi trắng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho các DN đang hoạt động tại địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) và Quỳ Hợp (Nghệ An), tổng trữ lượng đá hoa đã cấp phép là 161,6 triệu m3 làm ốp lát và 418 triệu tấn làm bột carbonat canxi, tổng công suất khai thác là 5,8 triệu m3 đá ốp lát/năm và 16 triệu tấn đá bột/năm. Trữ lượng khai thác được tính trên cơ sở cấp tính trữ lượng 121 và 122 trong các báo cáo thăm dò cho các khối đá có kích thước từ 0,4m3 trở lên, tỷ lệ thu hồi phần lớn đạt từ 28 - 33%.
   
  Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các DN đang khai thác trên địa bàn thì tỷ lệ thu hồi thực tế đối với đá hoa làm ốp lát chỉ đạt từ 3 - 5%, đối với đá hoa làm bột canxi cacbonat chỉ đạt tối đa 40%. Như vậy, phép tính để thu tiền cấp quyền nói trên là hoàn toàn bất cập.
   
  Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Đá trắng Nghệ An, hầu hết các mỏ đá hoa trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được cấp từ năm 2006 - 2011, sau một thời gian khai thác thực tế tất cả các mỏ đều cho thấy trữ lượng, sản lượng thực tế thấp hơn hàng chục lần so với giấy phép.
   
Nên trừ khấu trừ phí đầu tư khi thu thuế!
   
  Còn đại hiện một số doanh nghiệp khia thác quặng sắt tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên thì lại có chung một băn khoăn: chúng tôi hiểu bản chất thu tiền cấp quyền là thu trên giá trị tài nguyên, trong khi đó, chỉ tiêu giá đưa vào công thức tính tiền cấp quyền lại tính theo giá tính thuế tài nguyên, trong giá này ngoài giá trị tài nguyên còn hàng loạt chi phí như: Chi phí thăm dò cấp phép, xây dựng cơ bản mỏ phân bổ và chi phí khai thác … Các chi phí này là do DN bỏ ra, cao thấp phụ thuộc vào từng DN, từng vùng, từng thời điểm, nó không chỉ là giá của tài nguyên.
   
  Giá này biến động liên tục và theo luật thì khi thay đổi trên 20% thì UBND tỉnh sẽ quyết định lại, trên thực tế hầu như năm nào cũng điều chỉnh trong khi đó lại lấy giá này làm cơ sở tính tiền cấp quyền với mỗi khoảng thời gian 5 năm là bất hợp lý, đó là chưa kể đến các biến động xấu về thị trường và sự cạnh tranh của các quốc gia khác có tài nguyên đá trắng chất lượng cao, đáp ứng thị trường quốc tế.
   
  Trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 203 đối với những mỏ thuộc thẩm quyền địa phương cấp phép. Lãnh đạo Sở TN&MT địa phương có chung nhận định, chủ trương của Nhà nước đã ban hành, trước tiên các ban, ngành và doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc mạnh dạn trình bày bằng văn bản gửi cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ.
   
  Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai cho biết: Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Sở TN&MT đã có văn bản số gửi các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn hướng dẫn và yêu cầu gửi hồ sơ kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để kiểm tra, xác nhận trữ lượng, công suất khai thác theo giấy phép được cấp, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Vướng mắc hiện nay, có một số loại khoáng sản như graphit, secpentin, molipdenmới được cấp giấy phép, doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản, chưa khai thác, nên chưa có sản phẩm và chưa phát sinh giao dịch mua bán dẫn đến chưa có cơ sở để quy định giá tính thuế tài nguyên.
   
  Tuy nhiên, Nghị định 203 bắt buộc doanh nghiệp đã được cấp giấy phép phải kê khai tiền cấp quyền khai thác và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về khoáng sản phải tham mưu ban hành quy định giá tính thuế là rất khó khăn.
   
  Ông Phạm Văn Đoàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng phản ánh thực trạng tại địa phương, có DN khai thác mỏ đá trên địa bàn tỉnh đã dừng khai thác vì hiệu quả đạt thấp. Nếu thực hiện theo phép tính này thì khả năng số DN khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh có thể bám trụ được là rất ít. Tuy nhiên, đã là quy định thì phải thực hiện. Trong quá trình thực hiện thấy có bất cập, các DN có quyền gửi  ý kiến tới  cơ quan chức năng để được xem xét và tìm cách tháo gỡ.
  Chú thích ảnh:Nhiều doanh nghiệp đá trắng đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét tháo gỡ khó khăn
   
  Bài và ảnh: Minh Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị định 203 về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Kỳ I: Tính tiền trên trữ lượng cấp phép, doanh nghiệp “kêu” sẽ phá sản!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO