Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ

Việt Khang| 10/03/2022 20:13

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, chiều 10/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các đại biểu đã tham dự phiên thảo luận tại 5 trung tâm. Nhiều ý kiến tham luận quan tâm đến công tác bình đẳng giới cũng như việc lồng ghép giới trong việc giải quyết những chế độ, chính sách dành cho phụ nữ cũng như truyền thông để thúc đẩy bình đẳng giới.

Phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động quốc tế

Trình bày tham luận tại Trung tâm thảo luận, đại biểu Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn - Thư ký Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định: Ngày nay, phụ nữ Việt Nam không chỉ có vai trò "giữ lửa" trong mỗi gia đình mà còn là chủ thể có đầy đủ vị thế và tiềm năng để trở thành động lực quan trọng của tiến trình đổi mới đất nước.

Nhìn rộng ra, trên thế giới, bình đẳng giới hiện là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội, là xu hướng vận động tích cực mà toàn nhân loại hướng đến.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền và tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua cũng tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế."

Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người phụ nữ Việt Nam phát huy tiềm năng to lớn trong thời đại mới, tiên phong đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Đại biểu Lê Thị Thu Hằng cho hay, những năm qua, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là một trong những ưu tiên quan trọng trong triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ về hình ảnh một quốc gia tích cực, chủ động, dẫn dắt trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, quyền phụ nữ và vai trò của phụ nữ, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_phu_nu_2022_dai_hoi_thao_luan_chuyen_de_o_to_5992353(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận "Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới"

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó, có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam tích cực thúc đẩy ưu tiên xuyên suốt về phụ nữ, hòa bình và an ninh với việc chủ trì thông qua Nghị quyết 1889 về vai trò của phụ nữ trong tái thiết hậu xung đột (năm 2009) và tổ chức Hội nghị quốc tế duy nhất với quy mô toàn cầu về phụ nữ, hòa bình, an ninh trong năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ra đời chương trình nghị sự này.

Việt Nam cũng đã cử các nữ sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; con số này hiện chiếm khoảng 16% lực lượng của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cao hơn tỷ lệ khuyến khích của Liên Hợp Quốc.

Trong hợp tác song phương, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ được lồng ghép vào hoạt động đối ngoại ở các cấp, từ trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao, đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết, thực hiện các Thỏa thuận hợp tác cụ thể, thiết thực với các đối tác.

Thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam không chỉ giới thiệu cho quốc tế về chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người, mà còn tranh thủ được thêm nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và đẩy mạnh vai trò, đóng góp của Việt Nam về lĩnh vực này trong công tác đối ngoại nói riêng, Bộ Ngoại giao cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam.

Các cấp Hội không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ, mà còn thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề phụ nữ quan tâm, nhất là các dự án luật, chương trình, đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới, tạo sự đồng bộ, hài hòa giữa luật pháp, chính sách trong nước và hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy đóng góp của phụ nữ trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, tạo thêm thế thuận lợi cho việc triển khai công tác đối ngoại.

Lồng ghép giới trong giải quyết chế độ, chính sách

Là đại biểu khách mời trình bày tham luận, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Lê Khánh Lương cho biết, những năm gần đây, các chính sách an sinh xã hội đã tập trung ưu tiên những người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân, trong đó, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_phu_nu_2022_dai_hoi_thao_luan_chuyen_de_o_to_5992348.jpg
Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận "Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới"

Ông Lê Khánh Lương nhấn mạnh, việc lồng ghép giới trong xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được thể hiện xuyên suốt trong nhiều văn bản liên quan. Thông tư 01/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về lập kế hoạch đầu tư cấp xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Thông tư 01/2017/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn riêng cho Chương trình 135 quy định tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong các cuộc họp lập kế hoạch cấp thôn tối thiểu là 30%.

Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế tương đối toàn diện ở nhiều mức độ giải quyết rủi ro khác nhau, bao gồm các nhóm chính sách: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng tiến bộ của thế giới. Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội cũng khá đồng bộ và bao quát hầu hết các chế độ bảo hiểm xã hội: gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đang được đẩy mạnh.

Các chế độ tương đối đầy đủ theo thông lệ quốc tế, gồm: Bảo hiểm hưu trí-tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động. Điều này góp phần thúc đẩy sự tham gia của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội, đặc biệt là một số nhóm lao động nữ yếu thế.

Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã có những tiến bộ trong thúc đẩy bình đẳng giới với các quy định điều chỉnh thời gian hưởng thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Đặc biệt, lần đầu tiên pháp luật về bảo hiểm xã hội đã quy định người chồng cũng được hưởng chế độ thai sản. Quy định này mang ý nghĩa nhân văn, đề cao trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình với phụ nữ.

“Đặc biệt, quá trình xây dựng và triển khai các chính sách an sinh xã hội nêu trên có sự tham gia tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp, từ việc tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện các chính sách. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã và đang triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa trong phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển sinh kế cho hội viên phụ nữ, đóng góp vào thành tựu chung về đảm bảo an sinh xã hội của đất nước," ông Lê Khánh Lương khẳng định.

Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới

Đề cập đến cơ hội, thách thức về bình đẳng giới trong công tác truyền thông, báo chí, nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng báo chí truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực bình đẳng giới, bởi chính báo chí truyền thông góp phần tạo nên những chuẩn mực xã hội, tác động vào nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng.

Bình đẳng giới là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là một trong các mục tiêu Phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện. Chính vì vậy thúc đẩy bình đẳng giới cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên của các cơ quan báo chí hiện nay. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi đối với các nhà báo trong việc thực hiện các nhiệm vụ truyền thông về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, để báo chí truyền thông thực sự làm tốt công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan, trên thực tế còn không ít thách thức và thiếu sót cần khắc phục.

Mặc dù, các cơ quan báo chí luôn thể hiện cam kết cao về chủ trương, song thực tế các tác phẩm báo chí lại còn khá nhiều "sạn" về bình đẳng giới. Ví dụ qua khảo sát của tổ chức SCAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên), hiện tượng định kiến giới như: Coi việc nhà là công việc thuộc về phụ nữ, phụ nữ luôn là người nên hy sinh nhường nhịn trong gia đình, hay những hình ảnh và thông tin quảng cáo nhạy cảm về phụ nữ, còn khá phổ biến trên báo chí và truyền hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO