Như đã phản ánh, trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua tại các tiểu khu 297 (xã Phú Vinh) và 311(xã Hương Phong) thuộc rừng phòng hộ A Lưới và tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa) thuộc rừng phòng hộ Phú Lộc đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc nhiều cây gỗ quý lâu năm.
Cụ thể, tại tiểu khu 311 ở khu vực đỉnh núi là cảnh nhiều cây gỗ lớn, có đường kính 0,5-1m bị cưa trơ gốc, gỗ nằm rải rác khắp nơi. Nhiều cây đã bị xẻ thành tấm, chờ mang ra ngoài. Bên cạnh đó, những vật dụng như can đựng nguyên liệu, dao chặt... được lâm tặc bỏ lại với nhiều dấu tích còn mới.
Ở tiểu khu 297 trong bán kính khoảng 100m, hơn 20 gốc cây cổ thụ quý bị chặt hạ, trong đó chủ yếu là dổi, quế rừng, chò... Trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi, lâm tặc đốn hạ hàng chục cây để làm hành lang 2 bên đường. Hơn thế, lâm tặc còn “đầu tư” làm một cây cầu khỉ để vận chuyển gỗ qua chỗ sạt lở…
Còn tại khe Đá Mài thuộc tiểu khu 215 (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc), nhiều cây gỗ lớn trong đó có gỗ quý như lim, dẻ đỏ, dẻ trắng, lêu hêu, sến tía, trường, dâu... có đường kính khoảng 0,5- 0,8m; 0,5- 1m bị cưa trơ gốc. Trong đó, nhiều cây đã được xẻ thành phẩm, một số đã được vận chuyển ra khỏi bìa rừng tiêu thụ. Để tồn tại lâu dài, “lâm tặc” đã dựng nên các lán trại làm “đại bản doanh”. Gỗ được xẻ ngay tại chỗ trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi.
Sau khi sự việc xảy ra , Sở NN&PTNT đã vào cuộc và cách chức ông Lê Văn Thoại - Đội trưởng đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ ở huyện A Lưới. Còn 2 trạm trưởng ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Lộc Hòa và Trạm trưởng Trạm Xuân Lộc ở huyện Phú Lộc thì bị đình chỉ công tác, kiểm điểm trách nhiệm.
Để tăng cường hơn nữa công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng; ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Cụ thể, đề nghị UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, phân định mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính cấp xã, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng; khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo quy định của pháp luật.
“Địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật thì người đứng đầu của địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên trực tiếp...”- ông Thọ nhấn mạnh.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng để tập trung lực lượng chốt chặn tại các tuyến trọng điểm.
Sở NN&PTNT phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp dưới sự chỉ huy của lực lượng Kiểm lâm. Bố trí các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; tiếp tục bồi dưỡng, xây dựng lực lượng Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vững về nghiệp vụ, tốt về đạo đức công vụ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
Triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp có tính đặc thù của địa phương; sẵn sàng tiếp nhận và triển khai các dự án ODA đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững; đảm bảo chính sách chi trả dịch vụ môi trường.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ ảnh viễn thám và các phần mềm, thiết bị chuyên dụng cũng như tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, bám địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, xâm lấn rừng; tham mưu các cơ quan chức năng xử lý các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật...
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế rà soát công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo diện tích rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thật sự; đồng thời chỉ đạo Phòng TN&MT các huyện, thị xã, TP. Huế phối hợp với lực lượng kiểm lâm tham mưu UBND cấp huyện tăng cường công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai lâm nghiệp...
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động, phối hợp với ngành NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.
Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay để xảy ra tình trạng phá rừng như vừa qua là điều đáng tiếc nhưng ông cũng nói rằng do diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh quá lớn, trên 300.000ha và trải dài trên tất cả 9 huyện, thị xã và thành phố nên khó kiểm soát hết...
“Khi mình làm chỗ này mạnh thì rò rỉ ở chỗ khác. Hiện lực lượng kiểm lâm tỉnh cũng tăng cường lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để phối hợp với các đơn vị rà soát tại các khu vực rừng có trữ lượng gỗ lớn tại khu vực thượng ngồn sông Hương và sông Bồ, qua đó ngăn chặn triệt để nạn phá rừng tự nhiên ở khu vực này”- ông Tuấn nói.