Thời gian vừa qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có xu hướng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM - 2.5 thường xuyên vượt ngưỡng an toàn, luôn ở mức cao.
Trong khi đó tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo kết quả quan trắc tại Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục (đặt tại Trường cao đẳng Sư phạm Huế, TP. Huế) thì nồng độ trung bình 24 giờ các thông số bụi PM - 10, bụi PM - 2.5, SO2, NO2 đều dao động ở mức thấp và luôn đạt giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
TP. Huế xanh nhìn từ trên cao |
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở TN&MT duy trì và tăng cường công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Lập và trình UBND tỉnh phê duyệt “Dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường tự động tỉnh giai đoạn 2020 - 2025” theo chủ trương của UBND tỉnh. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí theo chỉ đạo của Bộ TN&MT.
Nghiên cứu một số điểm cần quan trắc chất lượng môi trường không khí khu vực ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị để bổ sung vào cơ sở dữ liệu môi trường không khí của tỉnh. Có kế hoạch kiểm tra và đề nghị các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định; giám sát hoạt động quan trắc tự động, liên tục khí thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát những khu vực, dự án đốt rác thải, chất thải... Tiến hành thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi, khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên địa bàn quản lý.
Yêu cầu Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức “Xấu”, “Rất xấu” và “Nguy hại”. Sở GTVT đề xuất biện pháp, giải pháp sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; khuyến khích sử dụng xe cơ giới cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Xây dựng đề án tăng cường sử dụng ôtô điện, xe máy điện, xe đạp tại TP. Huế và các đô thị.
Yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, ban hành quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình); rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh, mặt nước tại các đô thị, trung tâm các huyện, thị xã; tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý trong thi công xây dựng công trình.
Chất lượng không khí tại Cố đô Huế luôn tốt |
Sở TN&MT, Sở TT&TT, Sở VHTT, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã và TP.Huế chủ động thực hiện, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Không vứt rác bừa bãi; đổ rác đúng nơi quy định. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, trồng thêm cây xanh tại mỗi hộ gia đình, khu vực mình sinh sống.
UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông. Đầu tư xây dựng thêm nhiều khu vực không gian xanh, khu vui chơi, giải trí công cộng, trồng thêm nhiều cây xanh trong khu vực đô thị. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan trong việc giám sát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ động kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sản xuất, dịch vụ, xây dựng và hoạt động dân sinh đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương...