Thừa Thiên Huế: Sử dụng bùn cát nạo vét để tôn tạo Bến số 3 - cảng Chân Mây

04/08/2018 12:51

(TN&MT) - Khi thi công Bến số 3 - cảng Chân Mây, chủ đầu tư sẽ sử dụng bùn cát nạo vét khu vực trước bến và luồng tàu để tôn tạo cảng...

Bến số 3- Cảng Chân Mây đang được gấp rút thi công và chủ đầu tư sẽ sử dụng bùn cát nạo vét để tôn tạo...
Bến số 3 - cảng Chân Mây đang được gấp rút thi công và chủ đầu tư sẽ sử dụng bùn cát nạo vét để tôn tạo...

Theo tìm hiểu, Dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây có quy mô 13 ha, trong đó diện tích bến bãi hơn 10ha và gần 3ha khu nước trước bến, chiều dài 270m, với tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Khi hoàn thành, đây sẽ là cảng tổng hợp với kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào.

Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa thống nhất chủ trương cho phép Công ty TNHH Hào Hưng Huế sử dụng bùn cát nạo vét khu vực trước bến và luồng tàu khi thi công Bến số 3 - cảng Chân Mây để tôn tạo bến cảng này và 2 khu vực lân cận.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Bến số 3 - cảng Chân Mây được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2907/QĐ-BTNMT ngày 12/11/2015 với khối lượng bùn cát nạo vét khoảng 1,2 triệu m3, sẽ được tận dụng để tôn tạo bờ của Bến số 3.

Nếu không giải quyết hết khối lượng bùn, chủ đầu tư sẽ xin đổ cho các bến kế bên. Trong trường hợp không hết khối lượng bùn nữa, chủ dự án sẽ xin chủ trương để đổ thải ngoài khơi (dự kiến cách bờ khoảng 3 km).

Hiện nay, chủ trương chung của BQL Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh đang yêu cầu chủ đầu tư dự án tuân thủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Khối lượng dôi dư sau khi đã dùng để tôn tạo bãi, sẽ được tận dụng để san lấp mặt bằng các khu vực lân cận.

Để tạo điều kiện chủ động cho chủ đầu tư, BQL đã cùng với chủ đầu tư khảo sát 2 vị trí trong khu vực lân cận và đã thống nhất để chủ đầu tư lập hồ sơ dự án (bao gồm cả phần đánh giá tác động môi trường theo quy định) để BQL báo cáo UBND tỉnh, thống nhất chủ trương và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định nhà nước.

Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1, sẵn sàng tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng
Việc xây dựng Bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho Bến số 1, sẵn sàng tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng

Ông Nguyễn Công Bình - Trưởng Phòng quy hoạch và xây dựng, Ban BQL Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, phương án giải quyết lượng bùn cát nạo vét tại Bến số 3 - cảng Chân Mây đã có phương án cụ thể. Trước hết, khối lượng bùn cát này được tận dụng phần lớn để tôn tạo bãi của Bến số 3, sau đó sử dụng các giải pháp xử lý nền đất yếu để gia cố nền trước khi xây dựng các công trình bên trên; phương án chống tràn bùn cát ra biển thực hiện theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

“Sau khi thi công hoàn thành kè bảo vệ bờ kè bến kín 3 mặt và kết hợp đường trục chính cảng Chân Mây đã đầu tư cùng với các giải pháp kỹ thuật khác sẽ hạn chế tối đa lượng bùn cát tràn ra biển. Khối lượng dôi dư sau khi đã tôn tạo bãi cho tận dụng để san lấp các khu vực lân cận - là các khu chức năng như kho chứa xăng dầu, khu liên hợp các ngành, cơ quan chức năng khu công nghiệp và xuất nhập khẩu, BQL sẽ chỉ đạo, giao một đơn vị sự nghiệp trực thuộc phối hợp chủ dự án để thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, đầu tư xây dựng, đất đai theo hướng một dự án độc lập trước khi thực hiện; trong đó yêu cầu đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, đất đai theo quy định...” - ông Bình thông tin.

Cảng Chân Mây là một trong những cảng biển nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Hiện nay, Bến số 1 - cảng Chân Mây có chiều dài 480m cầu bến, trong đó tuyến bến phía biển dài 360m, với độ sâu trước bến -12,5m đủ khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn...

Tuy nhiên từ nhiều năm trở lại đây, Bến số 1 - cảng Chân Mây không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng với khối lượng hàng hóa ngày càng lớn và tình trạng tàu chờ bến thường xuyên xảy ra. Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 và là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng. 

Trước đó, dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 - cảng Chân Mây do Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng cũng vừa khởi công...

Dự kiến đến năm 2020, cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng với lượng hàng qua đạt 7,4 triệu tấn/năm. Trong tương lai, bên cạnh vận chuyển hàng hóa, du lịch tàu biển sẽ là loại hình du lịch thời thượng và đang được thế giới ưa chuộng. Vì vậy, việc quy hoạch cảng biển du lịch và xây dựng các cơ sở hạ tầng hàng hải, kết nối các cảng biển trong khu vực là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam. 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Chân Mây đạt hơn 1.045.160 tấn, bằng 88,77%  so với cùng kỳ 2017 và đạt 48,8% so với kế hoạch năm. Tổng lượt tàu hàng cập cảng trong 6 tháng 2018 là 149 lượt, tăng 2,8% so cùng kỳ. Ngoài ra, Cảng Chân Mây cũng đón 25 chuyến tàu du lịch, tăng 20% so cùng kỳ 2017, lượng khách và thuyền viên đạt 71.429 lượt,tăng 65.1% so với cùng kỳ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Sử dụng bùn cát nạo vét để tôn tạo Bến số 3 - cảng Chân Mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO