Sạt lở bờ sông, bờ biển
Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông tầng thấp nên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ghi nhận của PV tại xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc), bờ biển ở đây bị sạt lở với chiều dài khoảng 3,3km; một số đoạn nước đã tràn qua tỉnh lộ 21; biển xâm thực vào đất liền từ 5-7 mét, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân, đất sản xuất và vùng nuôi trồng thủy sản. Tại các điểm sạt lở dọc tuyến bờ biển Vinh Hải, hàng loạt cây phi lao đã bị sóng biển xô ngã, bật gốc, bờ cát bị sạt lở dựng đứng tiến vào sát khu dân cư.
Khu vực sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) cũng đã sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5m; dài 100m. Còn tại khu vực kè thôn An Dương (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) đã được đầu tư xây dựng trong năm 2015 và các khu vực tiếp giáp hai khoá đầu kè, phần chưa được đầu tư xây dựng bị sạt lở với chiều dài 2km, xói sâu vào 5-8m.
Bờ sông Bồ đoạn qua phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở ăn sâu vào sát mép đường bê tông với chiều dài 60m. Sông Hương đoạn qua tổ dân phố 3, phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà) cũng sạt lở với chiều dài hơn 300m. Sạt lở hói 7 xã đoạn qua phường Hương Chữ với chiều dài khoảng 200m; sạt lở hói 5 xã đoạn qua phường Hương An với chiều dài khoảng 150m.
Ông Hoàng Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền) cho biết, đợt mưa lũ lần này đã gây hư hỏng kênh mương thoát nước thải của khu nuôi tôm thôn Hải Thế. Cụ thể nước từ mương chảy tràn sang hai bên bờ biển, gây sạt lở với chiều dài ước khoảng 1km, ảnh hưởng đến 30 hộ nuôi tôm của thôn và 7,5ha rừng phòng hộ ven biển của thôn Hải Thế; sập bể mương thoát nước khiến nước tràn vào bể lắng của khu nuôi tôm mới đầu tư trải bạt được các hộ nuôi tôm đầu tư 50 triệu đồng, tràn ra bờ biển gây ô nhiễm môi trường.
“Do kinh phí đầu tư sửa chữa kênh thoát nước này quá lớn, trước mắt mong các ngành chức năng của tỉnh, huyện sớm đầu tư khắc phục để hạn chế tình trạng sạt lở. Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư xây kè dọc bờ biển qua xã Phong Hải với chiều dài gần 6km từ thôn Hải Thế đến thôn Hải Đông”- ông Sửu nói.
Mưa lũ cũng đã làm Trạm điện Phong Hải 4 (xã Phong Hải) bị xói lở. UBND xã Phong Hải đã huy động 50 người và 350 bao cát để khắc phục. Bên cạnh đó, đê phân lũ Điền Hương - Điền Môn bị sạt lở 50m. UBND xã Điền Hương và Điền Môn đã huy động 40 người, 200 bao cát để khắc phục tạm thời.
Đợt mưa lũ từ ngày 10/12 đến nay khiến vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) thiệt hại nặng. Trước đó, hồ tôm của ông Hồ Cường tại xã Điền Hương bị vỡ, thiệt hại 40 vạn con. Chính quyền đã huy động người dân giúp hộ ông Cường đắp lại đê hồ nuôi và tuyên truyền với các hộ nuôi tôm khác.
Nhiều tuyến đường sạt trượt
Trong khi đó, mưa lớn trong những ngày qua đã làm tuyến Tỉnh lộ 16 (nhánh 1) đi qua địa bàn thị xã Hương Trà đường dẫn vào Nhà máy Thủy điện Hương Điền bị sạt lở taluy dương tại km2+500, đất đá tràn ra một phần mặt đường và làm cống tại Km 2+900 trên tuyến này bị xói hàm ếch. Còn trên tuyến Quốc lộ 49B tại Km95+200 và Km100+900 bị sạt trượt taluy dương làm đất đá tràn xuống mặt đường.
“Tại tuyến Tỉnh lộ 16 (nhánh 1), Công ty đã tiến hành rào chắn tại vị trí cống và bố trí biển cảnh báo, dây phản quang nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện. Ngoài ra, công ty cũng dọn dẹp bèo, khơi thông bèo rác, cây xanh đổ ngã trên các tuyến đường, cầu đi qua địa bàn các địa phương. Còn tuyến Quốc lộ 49B thì tận dụng thời tiết mưa giảm, đơn vị đã bố trí nhân công, vật tư tiến hành san gạt, đào rãnh và giải phóng hết khối lượng đất đá, cây rừng lấp trên mặt đường…”- ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ I thông tin.
Hiện nay, tuyến đê Tây phá Tam Giang kéo dài từ cầu Hòa Xuân đến khu vực Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) xuất hiện tình trạng nứt nẻ, sạt trượt nhiều đoạn, sụt vỡ khoảng 2 mét, khiến nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng, nguy cơ ảnh hưởng 120ha lúa vụ Đông Xuân tới. Còn tuyến đê Hói Bến Trâu thuộc HTX Tam Giang dài khoảng 700m cũng đang xuống cấp nghiêm trọng với nhiều điểm bị sụt lún.
Theo dự báo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 24 giờ tới trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đợt mưa này kéo dài đến ngày 15/12, khả năng xuất hiện lũ trên các triền sông.
Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và TP. Huế triển khai một số nội dung như: Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, ven biển; toàn bộ các khu dân cư ngập úng; khu vực ngập úng đô thị…
Chủ đầu tư các công trình đang thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang, khơi thông dòng chảy. Các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến mưa lũ. Các địa phương triển khai các phương án chống úng cục bộ bảo đảm sản xuất vụ đông xuân và nuôi trồng thủy sản…
Theo ghi nhận của PV, hiện tại trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang mưa to, nguy cơ lũ trên diện rộng là rất cao. Mực nước trên sông Hương, sông Bồ đã trên mức báo động 1. Nhiều nơi xuất hiện lũ nhỏ.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.