Thừa Thiên Huế: Nhiều kết quả tích cực từ dự án Trường Sơn Xanh

Văn Dinh| 26/11/2020 11:42

(TN&MT) - Sau 3 năm triển khai, dự án Trường Sơn Xanh tại Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó 175.000 ha rừng có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và sinh học và sinh cảnh được cải thiện về quản lý...

Dự án Trường Sơn Xanh chính thức khởi động năm 2018 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Dự án đã đầu tư 23,9 triệu đô la Mỹ hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ các cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số đa dạng cải thiện sinh kế.

Nhiều ha rừng có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và sinh cảnh được cải thiện về quản lý

USAID đã hỗ trợ tập huấn cho 15.254 người về cảnh quan bền vững và 9.669 người về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ cải thiện hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên đối với 512.000 ha rừng có giá trị đa dạng sinh học cao; góp phần giúp 13.387 người được hưởng lợi về cải thiện sinh kế thông qua các hoạt động cảnh quan bền vững và 15.321 người được hưởng các lợi ích kinh tế gia tăng nhờ hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học được cải thiện. Dự án cũng huy động được 59,8 triệu đô la Mỹ đầu tư từ ngân sách nhà nước, khối tư nhân và cộng đồng cho việc phát triển chuỗi giá trị, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; cũng như các hoạt động phục hồi rừng.

Tại Thừa Thiên Huế, dự án Trường Sơn Xanh triển khai hỗ trợ với tổng kinh phí gần 10 triệu USD do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại. Dự án được triển khai ưu tiên tại 7 huyện, thị xã gồm: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà với 3 hợp phần gồm tăng cường áp dụng các phương thức sử dụng đất phát thải thấp; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Mục tiêu ban đầu của dự án hướng đến cải thiện sinh kế cho khoảng 8.000 người, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho khoảng 10.000 người, giảm phát thải khí nhà kính 2,4 triệu tấn CO2. Ngoài ra, dự án còn giúp cải thiện về quản lý nguồn tài nguyên cho 160.000 ha rừng.

Đệm bàng ở Thừa Thiên Huế - một sản phẩm thân thiện với môi trường được dự án hỗ trợ tập huấn thiết kế mẫu mã

Sau 3 năm triển khai, đến nay dự án tại Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả thiết thực khi đạt và vượt 8 chỉ số chính, nhiều tiêu chí đạt trên 300%.

Trong đó, 8,28/2,4 tấn khí cacbon được cố định đạt 178%; 28/8 cơ quan được nâng cao năng lực đạt 350%, 24,6/8 triệu USD được huy động cho các hoạt động cảnh quan bền vững đạt 308%; 175.000/160.000 ha rừng có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và sinh cảnh được cải thiện về quản lý, đạt 109%...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, tất cả các hoạt động dự án tại Thừa Thiên Huế đã kết thúc và đạt được các mục tiêu đề ra theo văn kiện dự án. Các kết quả dự án đã thực sự đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh nhà, cải thiện đời sống của đại đa số người dân trong tỉnh. Trong đó đối tượng hưởng lợi trực tiếp chính là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, các bộ phận người dân ở ven biển đầm phá, các đối tượng yếu thế như người nghèo, phụ nữ, trẻ em.

“Thành công của dự án cũng giúp hình thành nên các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp góp phần vào bảo tồn đa dạng sinh học…”, ông Phương chia sẻ.

Theo giám đốc USAID Việt Nam - Yastishock, USAID rất vinh dự phối hợp với các đối tác tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế để thúc đẩy cam kết của họ trong việc cải thiện sinh kế cho các cộng đồng miền núi, phát triển các doanh nghiệp bảo tồn, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và quản lý rừng.

“Thành công của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ và sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các tỉnh trong việc thực hiện nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, ông Yastishock nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nhiều kết quả tích cực từ dự án Trường Sơn Xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO