Hư hỏng, đến hạn kiểm định...
Tính đến thời điểm năm 2018, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ chứa thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Trong đó 1 hồ chứa có dung tích trên 100 triệu m3, 2 hồ chứa có dung tích từ 10 đến 100 triệu m3; 5 hồ chứa có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; 48 hồ chứa nước loại nhỏ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý hồ Tả Trạch; Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế (Công ty Thủy lợi) quản lý 20 hồ vừa và nhỏ, các địa phương cấp huyện quản lý 35 hồ chứa nhỏ còn lại.
Theo kết quả đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, 22 hồ đang có hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính có thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ, nhà trạm quản lý xuống cấp. Trong đó, các hồ Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang, Truồi... có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Có mặt tại hồ Truồi, PV nhận thấy các vị trí tại cửa đập chính có hiện tượng thấm nhẹ giữa chân đập. Vị trí đập phụ tại cao trình +27m, giếng quan trắc bị hỏng 8 cái. Tràn xả lũ hai bên trụ ở vị trí khe phai rò rỉ nước; cống lấy nước bê tông tại khe phai bị phong hóa cục bộ. Người dân sống ở khu vực hạ lưu khá đông đúc, lo ngại những dấu hiệu trên ảnh hưởng đến quá trình tích nước của hồ trong mùa mưa lũ, rất dễ xảy ra sự cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tại hồ Khe Ngang, PV quan sát tại đỉnh đập, hệ thống thoát nước mặt bị tắc, mặt đập bị lồi lõm, mái đập hạ lưu, cửa tràn chính bị sụt lún cục bộ...
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số hồ chứa nước thủy lợi đầu tư lâu năm hệ thống quan trắc lún, thấm, bắt đầu hư hỏng nhưng chưa có kinh phí khắc phục. Số lượng hồ đã đến thời hạn kiểm định cần thực hiện 53/56 hồ nhưng chưa được kiểm định do khó khăn về kinh phí thực hiện.
“Mới chỉ có hồ Thủy Yên xây dựng được bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du, còn các hồ khác chưa thực hiện. Các hồ như Tả Trạch, Truồi, Khe Ngang, Hòa Mỹ, Phú Bài 2... vùng hạ du tập trung đông dân cư rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố. Đến nay, mới chỉ có hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ tiến hành kiểm định giai đoạn 1, năm 2018 đang triển khai kiểm định hồ Khe Ngang”- ông Hùng thông tin.
Ông Nguyễn Đình Đính - Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế lý giải, theo quy định các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 sau 10 năm đi vào sử dụng phải kiểm định chất lượng công trình, riêng hồ có dung tích dưới 10 triệu m3 không quy định kiểm định nhưng yêu cầu sau 7 năm phải đánh giá lại tốc độ dòng chảy, kiểm tra trực quan chất lượng công trình. Việc kiểm định chất lượng công trình thủy lợi không hề đơn giản bởi trung bình để thực hiện kiểm định cần số tiền khoảng trên 1 tỷ đồng thuê tư vấn đánh giá khả năng ổn định thân đập, khả năng bồi lắng...
“Kinh phí duy tu bảo trì công trình khắc phục sự cố, kiểm định quá lớn để đảm bảo an toàn công trình và công tác vận hành. Hiện công ty đang triển khai khắc phục tạm một số hạng mục trong phạm vi cho phép, phần sửa chữa lớn đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp”- ông Đính đề xuất.
Lên phương án ứng phó
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai dự án WB8 tiến hành tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập; đang tiến hành các thủ tục đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ gồm Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Nam Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi, Ba Cửa; dự kiến khởi công cuối năm 2018.
Cùng với khắc phục các hư hỏng trước mùa mưa bão, Công ty Thủy lợi và chính quyền các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện đảm bảo ứng phó khi có sự cố xảy ra. “Trong mùa mưa bão, công ty tổ chức quản lý vận hành, điều tiết nước đúng quy trình phê duyệt; phân công lực lượng thường xuyên theo dõi để có các phương án xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố nhằm đảm bảo an toàn các công trình”- ông Đính cho hay.
Vừa qua, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đã đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí 153 tỷ đồng đầu tư nâng cấp sửa chữa 10 hồ chứa gồm: Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang, Khe Râm, La Ngà, Cơn Thộn, Hòa Mỹ, Truồi và đập ngăn mặn Thảo Long. Quan tâm nâng cấp một số hồ chứa nhỏ gần khu dân cư, xem xét đầu tư nâng cấp một số đường cứu hộ cứu nạn của một số hồ chứa lớn để đảm bảo an toàn trong phòng chống lụt bão...
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh tiến hành thực hiện kiểm tra toàn diện và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa để cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lụt bão công trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất và biện pháp tiến hành; phát hiện đối phó với các tình trạng khẩn cấp cho đập và khu vực hạ du, ngăn ngừa hạn chế tối đa tác hại khi sự cố xảy ra.
“Tỉnh đang hướng đến xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo mưa bão từ tỉnh đến cán bộ cấp thôn, bản nhằm thông tin kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết. Sắp tới, tỉnh sẽ cân đối ngân sách, yêu cầu các chủ đập tiến hành kiểm định chất lượng các công trình hồ đập, lên kế hoạch kiểm tra, trang bị thêm các thiết bị dự phòng cho các hồ thủy lợi...”- ông Phương nói.