Thừa Thiên Huế: Nhiều hệ lụy từ nuôi tôm trên cát

30/04/2017 00:00

(TN&MT) - Tình trạng người dân lấn chiếm, phá rừng phòng hộ ven biển, sử dụng cho mục đích nuôi tôm trên cát tại xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) đã diễn ra mấy năm nay, mặc dù các cơ quan ban ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra và xử lý nhưng sự việc này vẫn còn tiếp diễn. Việc nuôi tôm trên cát với số lượng nhiều đã dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng…

Con kênh dẫn nước thải từ hồ tôm đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy thẳng ra biển, khiến môi trường nơi đây nhiễm nặng nề
Con kênh dẫn nước thải từ hồ tôm đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy thẳng ra biển, khiến môi trường nơi đây nhiễm nặng nề

“Bức tử” môi trường vì nuôi tôm trên cát

Những ngày cuối tháng 4/2017, có mặt nuôi tôm ven biển tại các thôn 1, 2, 3 của xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Mặc dù đã qua tháng cao điểm thả tôm, thế nhưng tình trạng nước thải từ các hồ tôm trên cát vẫn tiếp tục chảy ra môi trường rồi đổ thẳng xuống biển, khiến cho vùng nước nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy các hồ tôm nơi đây được đầu tư hệ thống bể lắng, bể lọc, nhưng theo quan sát của PV, các bể lắng, bể lọc được xây dựng theo kiểu đối phó, hầu hết các hồ lắng đều không được trải bạt, khâu xử lý rất kém. Hệ lụy hơn, nước thải của các hồ nuôi tôm chưa qua xử lý bốc mùi hôi nồng nặc được xả trực tiếp ra con kênh, trên bề mặt chất thải tù đọng thành những vũng nước đen ngòm, sủi bọt đặc quánh chảy thẳng ra biển, khiến môi trường biển nơi đây bị “bức tử” nghiêm trọng.

Ông Trần Đụt (54 tuổi, trú thôn 2, xã Vinh Mỹ) lo lắng nói rằng, để nuôi tôm, người dân trong thôn phải bắt đường ống dẫn nước biển vào hồ tôm, còn phía gần bờ biển, họ đào mương rãnh để thải nước thải. “Nguồn nước này lâu ngày tích tụ thành từng lớp váng vàng, sủi bọt đặc quánh bốc mùi hôi thối rồi chảy ra biển, khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Trước đây, ven biển tôm cá nhiều vô kể, thế nhưng từ khi có những hồ nuôi tôm này đã khiến cá tôm nơi đây không còn nữa. Nghiêm trọng hơn, tình trạng hôi thối tại khu vực xả thải này rất nghiêm trọng, bất kể ai đặt chân đến đây đều phải đeo khẩu trang”- ông Đụt cho biết.

Không những thế, do con kênh dẫn nước thải của hồ tôm được các chủ đầu tư dở dang, nên mỗi lần các hồ tôm xả nước với số lượng lớn đã làm xói lở nghiêm trọng, nhiều cây phi lao chắn gió, chắn sóng bị tróc rễ, ngã đổ la liệt.

Việc các hồ tôm xả nước với số lượng lớn đã làm xói lở nghiêm trọng, nhiều cây phi lao bị tróc rễ, ngã đổ la liệt
Việc các hồ tôm xả nước với số lượng lớn đã làm xói lở nghiêm trọng, nhiều cây phi lao bị tróc rễ, ngã đổ la liệt


Đốn rừng phòng hộ để… nuôi tôm

Do lợi ích kinh tế từ con tôm mang lại quá lớn, đã khiến người dân vùng ven biển thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc bất chấp tất cả, kể cả việc chặt bỏ rừng phòng hộ chắn sóng gió bảo vệ làng mạc. Việc nuôi tôm trên cát đã khiến rất nhiều hecta rừng phòng hộ với tuổi đời hàng trăm bị đốn hạ không thương tiết.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn 1, 2 và 3 của xã Vinh Mỹ, trước đây khu vực rừng phòng hộ là một khu rú, sau đó người dân bắt đầu trồng cây dương, phi lao, tràm nhằm chống sạt lở, ngăn gió bão, cát nhảy, bảo vệ người dân sống vùng ven biển. Thế nhưng, từ năm 2004 nơi đây bắt đầu thả tôm chân trắng thì khi đó rừng phòng hộ bắt đầu bị đốn hạ. Việc đốn hạ rừng phòng hộ đã khiến làng mất đi lá chắn tự nhiên, nên hiện nay mỗi khi có gió mạnh thì nhiều nhà trong làng toàn là cát. Ngoài ra, hơi nước từ biển thổi vào đã làm chết nhiều diện tích trồng cây hoa màu, rất nguy hại đến cuộc sống an sinh nhiều hộ dân ven biển.

Những gốc cây to có đường kính lớn bị đốn hạ
Những gốc cây to có đường kính lớn bị đốn hạ

Bà Trần Thị Bích Hạnh trú xã Vinh Mỹ cho biết, từ năm 2004 nơi đây bắt đầu thả tôm chân trắng thì khi đó rừng phòng hộ bắt đầu bị đốn hạ. Thời điểm đó có đến 20ha đất rừng phòng hộ bị chặt. Theo ước tính của bà Hạnh, đến thời điểm cuối năm 2016, con số này đã tăng lên rất nhiều. “Do rừng bị đốn hạ nên mỗi khi gió lớn đã cuốn theo cát biển bay thẳng vào nhà người dân chúng tôi. Ngoài ra, việc hơi nước từ biển thổi vào khiến cho nhiều loại hoa màu không thể sống nổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của hàng chục hộ dân nơi đây”- bà Hạnh bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV, lợi dụng nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác để thực hiện dự án xây dựng khu quy hoạch nuôi tôm xen ghép cao triều xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), nhiều người dân đã ồ ạt vào chặt hạ hàng chục hecta rừng phòng hộ để lấn đất đào hồ nuôi tôm trên cát, điều này đã gây bức xúc cho nhiều hộ dân nơi đây.

Trước thực trạng này, người dân liên tục làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng của UBND xã Vinh Mỹ và huyện Phú Lộc để phản ánh tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm trên cát, gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân. Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng vẫn không chấm dứt được tình trạng này. Qua tìm hiểu, không chỉ chặt phá khiến rừng phòng hộ bị “chảy máu”, nhiều hộ nuôi tôm tại xã này không nằm trong quy hoạch của  địa phương.

Các diện tích rừng làm nhiệm vụ chắn cát, chắn gió đã bị đốn hạ
Các diện tích rừng làm nhiệm vụ chắn cát, chắn gió đã bị đốn hạ

Theo ông Phan Như Ý - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có 27ha nuôi tôm trên cát, trong đó số diện tích phê duyệt để chuyển đổi rừng để đưa vào nuôi tôm chỉ là 19,5 ha.

Đối với diện tích 7 ha còn lại nằm ngoài quy hoạch phát triển tôm thẻ chân trắng, ông Ý giải thích, 4,3 ha ở thôn 1 do 11 hộ dân chặt phá, lấn chiếm từ rừng phòng hộ từ tháng 4/2015, chính quyền địa phương đã đình chỉ việc đào ao, nuôi tôm tại đây; còn lại gần 3ha là diện tích chuyển đổi từ rừng phòng hộ theo chủ trương của UBND huyện Phú Lộc sang nuôi trồng thủy sản từ năm 2011.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ trước đây giờ chỉ còn là cát trắng
Nhiều diện tích rừng phòng hộ trước đây giờ chỉ còn là cát trắng

Đối với 11 hộ dân tự ý chặt rừng nói trên, ông Ý cho biết, khi phát hiện phía chính quyền địa phương đã cho đình chỉ, tuy nhiên người dân tiếp tục múc để đào ao nuôi tôm. Sau khi vào cuộc kiểm tra các hộ này đã xử phạt với số tiền 144 triệu đồng, đồng thời yêu cầu trồng lại rừng.

Thế nhưng, theo quan sát của PV tại những khu vực rừng phòng hộ bị chặt hạ đã được người dân trồng lại bằng những cây mới, song do thời tiết khắc nghiệt, đa phần cây con đã bị chết. Về vấn đề này, ông Ý thừa nhận, vì thời tiết nắng nóng, nên mặc dù đã trồng đến lần thứ 3 nhưng cây vẫn chết và không phát triển. “Hiện UBND xã đã đề nghị các hộ tranh thủ thời tiết tiếp tục trồng, chăm sóc để đảm bảo các cây mọc bình thường”- ông Ý trao đổi. Cũng theo ông Ý, trong thời gian tới, nếu chủ sử dụng đất sử dụng không đúng với mục đích phía xã sẽ đề nghị UBND huyện Phú Lộc thu hồi lại.

Bài & ảnh: Đức Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nhiều hệ lụy từ nuôi tôm trên cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO