(TN&MT) - Xây dựng đô thị thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung, triển khai xây dựng phát triển đô thị thông minhđịnh hướng trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này đã và đang mang đến nhiều kết quả nhất định...
Xây dựng chính quyền điện tử
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung, triển khai xây dựng phát triển đô thị thông minh, hướng tới đô thị có nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhất.
Và nền tảng quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến xây dựng đô thị thông minh là hình thành chính quyền điện tử. Vì vậy, quá trình xây dựng chính quyền điện tử đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua và đã mang lại nhiều kết quả nhất định.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kết nối mạng diện rộng từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo an ninh trong toàn hệ thống; hiện tại đã có một trung tâm quản lý dữ liệu tương đối đồng bộ và đủ lớn để quản lý cơ sở dữ liệu theo hướng quản lý tập trung; mạng LAN nội bộ trong các sở, ban, ngành, các địa phương cũng đã từng bước được hoàn thiện; Hạ tầng kỹ thuật như hệ thống camera, wifi công cộng, Hệ thống Thẻ điện tử tích hợp với mã định danh công dân/tổ chức cũng đã được triển khai...
Bên cạnh đó những hoạt động, dịch vụ phục vụ cho cơ quan chính quyền cũng đã được tỉnh đưa vào vận hành như Trung tâm hành chính công tỉnh và các huyện, hướng tới người dân được tạo mọi điều kiện khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước nhằm giảm giấy tờ hành chính, giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Nhằm hiện đại hóa nền hành chính để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế đã triển khai mô hình trang thông tin điện tử đa cấp, liên thông từ tỉnh đến xã. Thông qua hệ thống này, cán bộ, công chức, người dân có thể tương tác, làm việc khi truy cập hệ thống, nhận được thông tin ở mọi lúc mọi nơi.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị đầu tiên trên toàn quốc áp dụng số hóa hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận và thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh, mang lại nhiều lợi ích và thuận tiện cho người dân, rút ngắn được thời gian đi lại, thủ tục hành chính, góp phần thực hiện đề án người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường hóa đơn điện tử trong quá trình giao dịch giữa người dân và Nhà nước.
Cần nhiều giải pháp hơn...
Từ năm 2015, UBND TP. Huế đã triển khai dự án Quy hoạch chung TP. Huế thông minh từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc. Dự án xây dựng thành phố thông minh thông qua ứng dụng công nghệ mới về quản lý và phương pháp kết nối các ngành công nghiệp liên quan. Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống quản lý đô thị tổng hợp để quản lý đô thị hiệu quả; thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch văn hóa để đảm bảo tính độc lập của đô thị; xây dựng đô thị xanh thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng đô thị an toàn thông minh để bảo vệ an toàn cho người dân và thúc đẩy công nghiệp...
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đến nay, đã có một số đơn vị hỗ trợ tỉnh trong quá trình nghiên cứu xây dựng đô thị thông minh như VNPT, Viettel, Koica,... Tuy nhiên việc xem xét, lựa chọn mô hình phù hợp cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí của quốc gia về đô thị thông minh, nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển đô thị phải gắn với việc bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị, gắn với cải thiện môi trường ở các điểm dân cư và bảo đảm chỗ ở hợp lý cho mọi người dân.
Để có được một đô thị thông minh theo đúng những tiêu chí, theo ông Phan Ngọc Thọ- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì việc đầu tiên phải làm là nâng cao dân trí cho cư dân thành phố bằng giáo dục, bằng ý thức dân chủ và trình độ tự chủ, tinh thần cộng đồng và ý thức trách nhiệm, lòng nhân ái và sự chia sẻ, sự kiên định bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh đó, cần sự đầu tư công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ kiểm soát môi trường và biến đổi khí hậu. Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh là phát triển kinh tế đô thị, phát triển kinh tế bền vững, người dân được cung cấp dịch vụ tốt nhất, được tham gia giám sát hoạt động nhà nước trong quá trình cung cấp các dịch vụ công, nhà nước đảm bảo hiệu quả hoạt động quản lý và phục vụ tốt nhất cho người dân...