Thừa Thiên Huế: Nhiều đình làng xuống cấp nặng, có nguy cơ thành “phế tích”

02/01/2019 13:01

(TN&MT) - Hiện nay, nhiều ngôi đình làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia đang rơi vào tình trạng xuống cấp, bị đe dọa hết sức nghiêm trọng; nếu cơ quan chức năng không có các biện pháp khẩn cấp thì rất có thể những di tích quý giá ấy sẽ có nguy cơ thành “phế tích”...

Nhiều đình làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang xuống cấp nặng
Nhiều đình làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang xuống cấp nặng

Theo tìm hiểu của PV, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 900 di tích, trong đó có 87 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo nhưng trước sức ép của đô thị hóa và sự tàn phá của thiên nhiên, hiện nhiều di tích vẫn xuống cấp trông thấy trong đó có các ngồi đình làng...

Đình làng Lại Thế (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) được xây dựng từ năm 1741. Đây là một trong những ngôi đình cổ ở Huế có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo và được công nhận Di tích cấp quốc gia vào năm 2001.

Ông Nguyễn Phước - Tộc trưởng họ Nguyễn cho biết, đình Lại Thế hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý. Có thể kể đến như 4 bức hoành sơn son thếp vàng bằng chữ Hán; hệ thống câu đối; 6 sắc phong các đời vua ban tặng cho các ngài có công khai canh khai khẩn gây dựng, mở mang làng.Điều đặc biệt, trên các xà ngang, kèo có chạm khắc rất tỉ mỉ và mềm mại như những hình rồng hay hình hoa lá... Trải qua thời gian 277 năm tuổi đã làm phai dần những sắc màu sơn son, thếp vàng nhưng nét chạm khắc vẫn rất tinh xảo. 

Đình làng Lại Thế đang được gia cố tạm thời
Đình làng Lại Thế đang được gia cố tạm thời

Đình gồm tòa đại đình ba gian, hai chái kép; gian giữa rộng 2,95 mét, hai gian bên rộng 2,90 mét, hai gian chái mỗi gian rộng 1,7 mét. Toàn bộ đình có 54 cột, chia thành 8 hàng ngang và 7 hàng dọc. Các đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong đình đều mang giá trị nghệ thuật cao. Đình đã trải qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1780, 1845, 1891 và 1998. Tuy nhiên, hiện nay đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo quan sát của PV, nhiều cột trụ bằng gỗ đã bị sụt lún, mái ngói có xu hướng cong vênh ở giữa, các cột, kèo bị mục ruỗng…

“Hiện hai hàng cột cái của chính điện đang bị lún sâu, gãy các vì kèo cùng toàn bộ phần mái đình. Một số cột đã mục ruỗng do quá lâu. Để khắc phục tạm thời, Hội đồng Tộc trưởng họ Châu, Trần, Nguyễn đã dùng các cọc gỗ chống tạm tại các vị trí bị lún. Nếu không trùng tu kịp thời, đình Lại Thế sẽ bị sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa bão đang đến”- ông Châu Văn Chương , Tộc trưởng họ Châu cho biết.

Mới đây, Nhà nước đã duyệt kinh phí 300 triệu đồng và Ban Vận động tu bổ đình Lại Thế cũng đã kêu gọi được thêm khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù số tiền chưa đủ, nhưng trước mắt vẫn phải tu bổ, sửa chữa đình, bởi nếu để lâu thì đình Lại Thế khó tồn tại.

Đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng nhếch nhác, rệu rã
Đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng nhếch nhác, rệu rã

Nằm trên đường Bạch Đằng (phường Phú Hiệp, TP. Huế), đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng có gần 200 năm tuổi. Nơi đây nổi tiếng với lối kiến trúc và không gian độc đáo. Năm 1999, cụm di tích này được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Thế nhưng, do sức tàn phá của thời gian và thời tiết khắc nghiệt, cả hai di tích nổi tiếng với kiến trúc cổ ba gian hai chái, lợp ngói âm dương tuyệt đẹp đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đình làng trở nên nhếch nhác, rệu rã. Bên trong tường nứt, nền đúc bị vỡ loang lỗ. Các kết cấu gỗ bị mục khiến kèo, xà, cột đều gãy, cửa hỏng không mở được. Những cột đình bị mối mọt ăn thủng… Vì thế, đình làng bị bỏ hoang như phế tích khiến PV cũng không khỏi rùng mình khi tiến vào sân đình.

“Mái ngói cũng bị nứt toác nhưng do không có kinh phí để thay mới, mua mới nên chỉ đi mua tôn cũ để che tạm nắng mưa”- ông Nguyễn Đắc Chỉnh, Trưởng làng Thế Lại Thượng cho hay.

Đình làng An Cựu hoang tàn, dột nát
Đình làng An Cựu hoang tàn, dột nát

Cũng theo ông Chỉnh, chính quyền địa phương đã gửi văn bản lên cơ quan chức năng xin chi phí để trùng tu một số hạng mục, nhưng chờ hoài vẫn không thấy hồi âm.

Còn đình làng An Cựu (phường An Cựu, TP. Huế) là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, được công nhận vào năm 2008. Hiện nay, những người dân sống tại đây không khỏi xót xa trước tốc độ xuống cấp của ngôi đình cổ này.

Nhiều người sẽ cho rằng đây là ngôi đình bỏ hoang bởi cảnh hoang tàn của nó. Nhìn vào đình, một cảnh tượng đổ nát bày la liệt trước mắt. Bên ngoài, 4 cây cột đứng trơ trọi với nhiều mảng tường bong tróc. Sân đình chỉ được đắp tạm bằng đất, đá. Ngôi đình gồm 3 căn nhà thì 2 căn đã bị đập bỏ, chẳng khác gì nhà hoang. Trong căn chính điện, cột gỗ xiêu vẹo, mục nát, nhiều cánh cửa hỏng hóc. Hệ thống án, kiệu thờ, bài vị... bằng gỗ tuyệt đẹp đều bị hư hỏng vì mục mối. Mái ngói bể, dột nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Những ngày trời mưa, do dột nát nên mưa trút xuống làm đình càng hoang tàn và ẩm ướt hơn.

Nhiều mảng tường ở đình làng An Cựu bong tróc
Nhiều mảng tường ở đình làng An Cựu bong tróc

Ông Lê Văn Ngộ - Trưởng làng, phó ban quản lý di tích đình làng An Cựu cho biết: “Đình làng này giờ xuống cấp đến 80% và cần được chống xuống cấp khẩn cấp. Gần 10 năm nay, dân làng kêu cứu, hội đồng tộc trưởng của làng nhiều lần làm đơn kiến nghị, đề xuất nhưng vẫn chưa được trùng tu”.

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 di tích đình làng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo quy định, những di tích xếp hạng sẽ được Nhà nước hỗ trợ 10-20% kinh phí trùng tu, số còn lại đến từ các nguồn xã hội hóa. Tuy vậy kêu gọi xã hội hóa cũng là vấn đề rất nan giải hiện nay.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện kinh phí yêu cầu bảo tồn di tích quá lớn nhưng thực tế vốn rất hạn hẹp nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Quá trình bảo vệ di tích không hề đơn giản mà là hành trình dài cần sự vào cuộc, chung tay của cả xã hội. Ngoài kinh phí, cần cả cái tâm và tấm lòng dành cho di tích. Nếu được trùng tu thì phải tạo cơ chế để sử dụng và phát huy, nghĩa là phải kết nối các tour du lịch thì các doanh nghiệp mới có thể đảm bảo yêu cầu bỏ kinh phí ra mà thu lại được nguồn lợi...”- ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nhiều đình làng xuống cấp nặng, có nguy cơ thành “phế tích”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO