Thừa Thiên- Huế: Nhà máy xi măng chậm di dời, gây ô nhiễm

10/10/2016 00:00

(TN&MT) - Dù đã có phương án di dời từ lâu, nhưng đến nay nhà máy xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn đang hoạt động và ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Dân kêu trời vì ô nhiễm

Nhà máy xi măng Long Thọ là một cơ sở sản xuất xi măng lâu đời nhất khu vực miền Trung, ra đời thời Pháp thuộc và đã hơn 100 năm. 13 năm trước, nhà máy bị Chính phủ liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời phải nhanh chóng di dời để đảm bảo quy hoạch đô thị.

Nhà máy xi măng Long Thọ vẫn đang hoạt động
Nhà máy xi măng Long Thọ vẫn đang hoạt động

Năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai dự án di dời toàn bộ nhà máy ra khỏi địa bàn thành phố Huế, dự tính đến 2013 phải hoàn thành. Sau đó, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản buộc công ty cổ phần Long Thọ phải di dời, chậm nhất đến tháng 6/2016. Nhưng cho đến nay, nhà máy vẫn hoạt động bình thường.

Theo ghi nhận của PV, nhiều hạng mục như dây chuyền nghiền đá, việc nổ mìn khai thác đá... vẫn còn hoạt động. Hàng chục công nhân vẫn làm việc. Lượng xe chở đất đá khai thác chạy ra, chạy vào liên tục. Chính những điều này gây nên khói bụi gây ô nhiễm, cộng với nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Anh Nguyễn Trọng Đức (thôn Trường Đá, phường Thủy Biều) bức xúc: “Ngày nào cũng nghe tiếng ồn của nhà máy, cùng khói bụi của nhiều xe chở đất đá đi ngang qua. Cây cối trong vườn cũng đến nỗi bạc màu hết. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng nổ mìn làm mẹ già trong nhà tôi giật mình...”. Trong khi đó chị Lê Thị Bé, sống gần nhà máy cũng cho hay: “Tôi nghe di dời lâu rồi nhưng sao bây giờ vẫn còn. Nhà máy ồn và ô nhiễm quá”.

Người dân cũng cho biết họ đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về vấn đề nhà máy gây ô nhiễm trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

13 năm trước, nhà máy bị Chính phủ liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời phải nhanh chóng di dời để đảm bảo quy hoạch đô thị
13 năm trước, nhà máy bị Chính phủ liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời phải nhanh chóng di dời để đảm bảo quy hoạch đô thị

Bao giờ di dời?

Ông Hoàng Thăng Long - Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho hay, nhà máy xi măng Long Thọ đã đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn phường trong thời gian dài. Hi vọng nhà máy sớm di dời để người dân thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế), chủ trương của tỉnh muốn đóng cửa nhà máy càng sớm càng tốt, lý do là hiện vùng đất của nhà máy đã được quy hoạch du lịch, không quy hoạch sản xuất nên không phù hợp.

Theo ghi nhận của PV, nhiều hạng mục như dây chuyền nghiền đá, việc nổ mìn khai thác đá... vẫn còn hoạt động
Theo ghi nhận của PV, nhiều hạng mục như dây chuyền nghiền đá, việc nổ mìn khai thác đá... vẫn còn hoạt động

Theo công ty cổ phần Long Thọ, địa điểm di dời đã được công ty tiến hành khảo sát nhiều nơi và quyết định lựa chọn xây dựng nhà máy ở 3 địa điểm khác nhau, gồm: một nhà máy tại khu công nghiệp Tứ Hạ ( thị xã Hương Trà); nhà máy sản xuất gạch ngói tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề Thuỷ Phương (thị xã Hương Thủy), và nhà máy ở khu công nghiệp La Sơn (huyện Phú Lộc).

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc điều hành mỏ Long Thọ cho biết, từ năm 2010, công ty đã tiến hành các bước di dời nhà máy về cụm công nghiệp Thủy Phương (thị xã Hương Thủy). Hiện nay, công ty chỉ còn lại mỏ khai thác đá (được UBND tỉnh tiếp tục cấp phép hoạt động) và dây chuyền nghiền đá. Số công nhân cũng giảm mạnh. Bây giờ do gặp khó khăn về kinh phí và đang chờ chính sách hỗ trợ từ tỉnh nên chưa thể di dời toàn bộ.

Hàng chục công nhân vẫn làm việc. Lượng xe chở đất đá khai thác chạy ra, chạy vào liên tục. Chính những điều này gây nên khói bụi gây ô nhiễm
Hàng chục công nhân vẫn làm việc. Lượng xe chở đất đá khai thác chạy ra, chạy vào liên tục. Chính những điều này gây nên khói bụi gây ô nhiễm

Được biết, cuối tháng 5/2016, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao không hài lòng khi việc di dời nhà máy xi măng Long Thọ đã chậm trễ quá lâu. Ông Cao yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thống nhất phương án di dời và phê duyệt chậm nhất trước ngày 30/9/2016 để triển khai ngay công tác di dời từ đầu năm 2017.

Như vậy việc di dời nhà máy đã quá châm trễ so với yêu cầu. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan sớm di dời nhà máy, nhằm hạn chế sự ô nhiễm và mang lại cuộc sống bình yên hơn cho người dân.

Bài & ảnh: Thế Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên- Huế: Nhà máy xi măng chậm di dời, gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO