Thừa Thiên Huế: Nguy cơ mất kiểm soát chất thải y tế ra môi trường

04/10/2017 00:00

(TN&MT) - Tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 6.832 kg/ ngày (2.494 tấn/ năm), trong đó 1.079 kg/ngày (394 tấn/ năm) là chất thải rắn y tế nguy hại và 5.772 kg/ ngày (2.107 tấn/năm) là chất thải thông thường.

Bệnh viện Trung ương Huế nơi có 2.300 giường bệnh
Bệnh viện Trung ương Huế nơi có 2.300 giường bệnh

Theo thống kê, hệ thống y tế công lập trong tỉnh Thừa Thiên Huế có 4.343 giường bệnh (không kể giường phòng khám khu vực và giường trạm y tế xã). Công suất sử dụng giường bệnh trong các cơ sở y tế công luôn lớn hơn 100%. Các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh và tuyến huyện đều thực hiện chức năng chẩn đoán và điều trị cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Ngoài ra còn phải thực hiện thêm các chức năng đào tạo, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học và quản lý kinh tế theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, công tác thu gom vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nếu không kịp thời xử lý. Hiện nay chưa có cơ sở y tế nào thực hiện việc kiểm soát lượng nước thải phát sinh từ quá trình hoạt động. Theo thống kê số liệu báo cáo của các cơ sở, mỗi ngày một lượng nước thải từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được xả ra môi trường khoảng 2.300 - 4.800 m3/ngày đêm.

Quá tải các nhà máy rác ở Huế
Quá tải các nhà máy rác ở Huế

Tại các bệnh viện, lưu lượng nước thải không ổn định trong ngày, lưu lượng thải lớn và tập trung vào buổi sáng. Theo ước tính lượng nước thải phát sinh từ các giường bệnh dao động trong khoảng 0,45 - 0,95 m3/ngày đêm: mức xả thấp nhất 0,45 m3/ngày, mức xả trung bình 0,65 m3/ngày và mức xả cao nhất 0,95 m3/ngày. Với ước tính trên, dự đoán lượng phát sinh nước thải tại các bệnh viện trong năm 2015 và năm 2020 tương ứng từ 2.700 - 5.700 m3/ngày và từ 3.000 - 6.300 m3/ngày.

Hầu hết các bệnh viện trên địa bàn đều có hệ thống thu gom nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom nước thải, nước thải sinh hoạt và nước thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn của cơ sở y tế hoặc được dẫn về xử lý tại hệ thống nước thải hoặc xả trực tiếp ra ngoài cống thoát nước chung hoặc tự ngấm xuống đất. Thế nhưng phần lớn các bệnh viện tuyến huyện không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc không đạt chuẩn hoặc xuống cấp nghiêm trọng đang gây ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư xung quanh (các đơn vị trên đều nằm trong khu dân cư).

Chất thải rắn y tế
Chất thải rắn y tế

Qua kiểm tra đánh giá, các công trình xử lý nước thải tại các cơ sở y tế (nếu có) đều áp dụng công nghệ xử lý sinh học và được khử trùng trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, quá trình nâng cấp quy mô giường bệnh những năm qua và tình trạng quá tải tại các bệnh viện dẫn đến quá tải các hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, hiệu quả xử lý và chất lượng nước sau xử lý chưa được thực hiện giám sát định kỳ nên chưa đánh giá được hiệu quả và chất lượng nước sau xử lý.

Đối với chất thải rắn y tế nguy hại, hầu hết các cơ sở y tế đã bố trí túi nilon, hộp an toàn và các xô, thùng để phục vụ công tác thu gom, phân loại. Về cơ bản công tác thu gom, phân loại chất thải y tế trong đó có chất thải rắn y tế nguy hại đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc bố trí túi nilon, hộp an toàn đảm bảo theo quy định còn chưa đầy đủ hoặc túi nilon, hộp an toàn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, tại một số cơ sở còn có hiện tượng để chất thải có tính nguy hại không đúng với dụng cụ, thiết bị thu gom theo quy định hoặc có lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường/chất thải nguy hại khác loại.

Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nguy cơ mất kiểm soát chất thải y tế ra môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO