Thừa Thiên Huế: Nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích đậu phộng chết hàng loạt

15/04/2019 18:02

(TN&MT) - Dù chuẩn bị vào mùa cao điểm thu hoạch đậu phộng (lạc), thế nhưng nông dân trồng đậu tại Thừa Thiên Huế những ngày qua vô cùng lo lắng khi nhiều diện tích đậu chết do nắng nóng, có nguy cơ kéo dài gây ảnh hưởng kinh tế...

Người dân trồng đậu phộng tại Huế đang rất khó khăn
Người dân trồng đậu phộng tại Huế đang rất khó khăn

Những ngày đầu tháng 4 này, có mặt tại phường Hương Văn (thị xã Hương Trà), PV nhận thấy tại những diện tích đất người dân ở đây đang trồng đậu phộng lại khô cằn; hàng loạt cây đậu bị cháy lá, thối gốc, phát triển rất chậm, củ ít hạt và nhỏ hơn bình thường.

Hương Trà là một trong những vùng trọng điểm về sản xuất lạc của Thừa Thiên Huế, với tổng diện tích gần 1.000 ha. Người dân cho hay, chỉ còn khoảng chưa đầy một tháng nữa là thu hoạch, thế nhưng, ngoài nắng nóng gây chết héo thì trên các cây đậu, sâu bệnh, rầy và nhện đỏ xuất hiện, phát triển nhanh gây hoang mang cho bà con...

Ông Trần Thương (tổ dân phố Giáp Trung, phường Hương Văn) chia sẻ từ sau Tết đến nay chỉ có một đợt mưa nhẹ, còn lại là nắng kéo dài khiến đâu phộng mất mùa.

“Sâu ăn lá, rầy phá hoại khiến chúng tôi thiệt hại nặng. Bà con ai cũng hoang mang mà khó tìm được cách giải quyết. Nhà tôi đã dùng máy bơm để lấy nước từ dưới áo lên, tưới để chống lại sự phá hoại của nhện đỏ... Nay đến khi thu hoạch chưa biết xoay sở ra sao”- ông Thương lo lắng.

Hạt đậu phộng nhỏ hơn bình thường, chết héo
Hạt đậu phộng nhỏ hơn bình thường, chết héo

UBND phường Hương Văn cho biết, đợt nắng nóng trên địa bàn trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sinh trưởng và phát triển một số loại cây trồng (chủ yếu là lạc) của người dân ở các địa phương. Năm nay, tổng diện tích đậu phộng được gieo trồng vụ Đông Xuân trên toàn địa bàn phường Hương Văn là 247,6 ha. Hiện nay, đã có hơn 50 ha do thiếu nước đã bị cháy và mất trắng. Nếu từ đây đến cuối vụ không có mưa thì diện tích mất trắng sẽ còn tăng lên.

Ông Phạm Thận - Giám đốc Hơp tác xã Văn Xá Tây (phường Hương Văn) thông tin, diện tích lạc không còn cứu vãn được khoảng 30%, năng suất dự tính mất 50-60%.

“Hiện nay xã chỉ có thể tạo điều kiện cho bà con những vùng diện tích khá nhỏ dọc theo mương thuỷ lợi đặt máy hút nước và tưới cho diện tích sát mương, còn bà con xa chúng tôi vẫn chưa có biện pháp thiết thực do nguồn nước không đủ và điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đây là mùa đầu tiên sau nhiều năm bà con trong khu vực phải chịu thiệt hại nặng nề...”- ông Thận nói.

Còn tại thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), bà con nông dân cũng  hoang mang, khốn đốn khi số đậu bị chết ẻo (chết non) ngày càng nhiều, nguy cơ trắng tay và nợ nần là rất cao. Có nhiều diện tích đậu chết lên đến 70%.

Tưới nước cho đậu phộng để chống nắng nóng...
Tưới nước cho đậu phộng để chống nắng nóng...

“Vụ Đông Xuân năm nay gia đình tôi trồng hơn 1,5ha đậu phộng. Cả gia đình chỉ nhờ vào trồng đậu sinh sống mà kiểu này cũng chưa biết tính sao. Bao mồ hôi công sức bỏ ra, chưa đến mùa thu hoạch lại ê chề như vậy, nhiều hộ dân trồng đậu tại Hiền Sĩ sẽ rơi vào cảnh mất mùa nghiêm trọng, 1 sào đậu chỉ thu hoạch được chừng chưa đầy 1 triệu đồng, giá bán ra không đủ bù lại chi phí. Mỗi hộ dân ở khu vực này thiệt hại cũng khoảng từ 10- 20 triệu đồng, con cái ăn học chưa biết tính sao...”- ông Đỗ Xuân (thôn Hiền Sĩ) chia sẻ.

Được biết còn nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế cũng đang đối mặt với tình trạng nắng nóng cục bộ, nhiều diện tích cây trồng chủ yếu là lúa và hoa màu hư hại nặng nề.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, vì mưa quá ít, còn nắng thì kéo dài từ tháng 2 đến nay đã khiến đậu phộng của người dân địa phương bị chết nhiều. Vừa rồi, lãnh đạo huyện đã cùng với các cơ quan ban ngành đi khảo sát nhiều nơi trồng đậu trên địa bàn...

“Dự kiến sắp tới huyện sẽ lắp đặt một số trạm bơm ở các vùng trồng đậu nhiều của huyện, nhất là các xã gò đồi Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân... để giúp bà con chống hạn. Rà soát một số diện tích hư hại để chuyển đổi cây trồng phù hợp cho vụ tới như đậu mè, ngô. Ngoài ra sử dụng nguồn vốn để nạo vét các kênh hói, đập nhằm giữ nước...”- ông Hùng thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích đậu phộng chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO