Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, gần 30 cổ vật được tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (số 3 Lê Trực - TP. Huế).
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã sưu tầm và đưa về cất giữ ở Tân Thơ Viện rất nhiều cổ vật Chăm Pa tìm được ở Huế và những vùng phụ cận. Sau đó, nhiều cổ vật được khai quật ở Trà Kiệu - Quảng Nam vào các năm 1927 và 1928, Tháp Mẫm - Bình Định năm 1934, rồi được đưa về khu cổ vật Chàm.
Năm 1928, Khu cổ vật Chàm chính thức mở cửa, giới thiệu những cổ vật được sưu tầm tại Kinh đô Huế và vùng phụ cận; hoạt động của Phòng Chàm đặt dưới sự giám sát khoa học của Trường Viễn Đông Bác Cổ.
Tuy vậy, trong suốt những năm đất nước chiến tranh, khu cổ vật Chàm đóng cửa, không phục vụ khách tham quan. Sau giải phóng đến những thập niên gần đây, do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép nên bộ sưu tập này chỉ hạn chế đối tượng tiếp cận, ưu tiên phục vụ cho một số nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Trải qua nhiều biến động về thời gian với bao thăng trầm, bộ sưu tập hiện vật Champa thuộc Khu cổ vật Chàm vẫn luôn được bảo vệ, chăm sóc và gìn giữ như một bộ phận cấu thành của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thể hiện những giá trị đặc sắc của kho tàng di sản văn hóa Chăm Pa nhìn từ nhiều khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng, mỹ thuật, kiến trúc...
Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, các hiện vật về Chăm Pa hiện nay còn lưu giữ tại Thừa Thiên - Huế đều ở dạng bi ký và các tác phẩm điêu khắc đá, còn các công trình kiến trúc và đền tháp hầu như đã bị phá hủy. Về các tác phẩm cổ vật Chàm sưu tập được tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương đánh giá là rất phong phú và có giá trị cao về nghệ thuật cũng như về niên đại được sưu tầm, bổ sung từ thời Pháp và lưu giữ cho đến nay.
Việc mở cửa trở lại và trưng bày những hiện vật Chăm Pa quý hiếm tại bảo tàng giúp cho người dân và du khách hiểu thêm giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc Chăm Pa trên đất Huế.
Khu cổ vật Chàm sẽ mở cửa từ 7- 17 giờ hàng ngày. Một số hình ảnh về cổ vật Chăm Pa quý hiếm lần đầu tiên giới thiệu rộng rãi đến công chúng, sau 71 năm cất kín trong kho của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Tin và ảnh: Thế Anh