Nhiều vụ cháy trong năm 2019
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 349 nghìn ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp (trong đó, diện tích đất có rừng trên 311 nghìn ha). Để đảm bảo tốt cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là chủ động ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng từ hoạt động khai thác rừng trồng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định 6 vùng trọng điểm về cháy rừng trên địa bàn tỉnh để tập trung chỉ đạo; Ban chỉ đạo các cấp cũng đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019 với phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng”.
Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm đến nay đặc biệt là khoảng một tháng trở lại đây nền nhiệt luôn trên 40 độ C, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn xảy ra hàng chục vụ cháy, với diện tích bị cháy gần 119 ha; trong đó, có 20 vụ cháy rừng trồng kinh tế (trồng thông và keo). Bên cạnh đó, tình hình phá rừng, xâm lấn để lấy đất trồng rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua có chiều hướng diễn biến phức tạp...
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, trong số các vụ cháy rừng, đã xác định được nguyên nhân 23 vụ (trong đó có 17 vụ do xử lý thực bì thiếu kiểm soát, 2 vụ sơ ý sử dụng lửa và đạn lân tinh tự phát nổ do điều kiện nắng nóng, 4 vụ do người dân đốt hương vàng mã), còn 4 vụ đang xác định nguyên nhân.
Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 6/2019 do thời tiết nắng nóng gay gắt nên đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng tại 4 phường/xã thuộc thị xã Hương Thủy và Hương Trà, với tổng diện tích thiệt hại khoảng gần 100 ha. Đã có 20 hộ dân tại Hương Trà phải cấp tốc di dời khi xảy ra cháy. Không ít chiến sĩ chống chọi với lửa đã nhập viện...
Sau khi xảy ra các vụ cháy, Ban chỉ đạo tỉnh đã huy động hơn 1.600 người tham gia, gồm tất cả các lực lượng cùng phương tiện các loại để tổ chức cứu chữa, dập tắt các vụ cháy rừng hoàn toàn và không cho bùng phát trở lại. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, giám đốc Công an tỉnh... cũng đã đến hiện trường để chỉ đạo.
Tăng cường giải pháp
Trao đổi với PV, ông Ngô Hữu Phước-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà cho rằng, diện tích rừng trồng trên địa bàn lên đến 20.000ha chủ yếu là thông và tràm keo. Do địa bàn rộng, lực lượng chữa cháy chưa tốt, các công trình phòng cháy chữa cháy còn hạn chế, ý thức người dân chưa cao khi đốt thực bì... cộng với nắng nóng là một số nguyên nhân tăng nguy cơ cháy rừng trong thời gian qua.
“Sau sự việc cháy vừa xảy ra, đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa lực lượng cán bộ, các trang thiết bị để trực chiến 100% ở các trạm, các chòi canh nhằm sớm phát hiện các sự cố, không được chủ quan khi nắng nóng sẽ còn kéo dài...”, ông Phước nói.
Làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trọng cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, do tình hình nắng nóng kéo dài nên đã xảy nhiều vụ cháy rừng không riêng chỉ ở Thừa Thiên Huế mà ở nhiều nơi tại khu vực miền Trung.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt là đã nhanh chóng chữa cháy và dập tắt được 3 vụ cháy rừng lớn xảy ra trong những ngày qua không để cháy lan ra diện rộng.
“Thời gian tới vẫn còn cao điểm của mùa khô hạn, tỉnh cần bám sát 5 các giải pháp chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo và cương quyết không để xảy ra cháy rừng, nhất là đối với các khu rừng có các công trình trọng điểm quốc gia (đường dây 500kv); phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và phải chấm dứt hẳn việc dùng lửa để xử lý thực bì đối với rừng trồng. Tỉnh cần phát huy tốt vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là người chỉ huy, bởi nếu chỉ huy không tốt thì sự phối hợp cũng sẽ không tốt. Đề nghị tỉnh cần phải có phương án bài bản, trong đó phải có dự án đầu tư trung hạn cho công tác này...’, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải chuẩn bị công tác phòng chống mưa lũ và phương án xử lý hình thái thời tiết bất thường như sau nắng nóng là có mưa đá, lốc xoáy, nhất là mưa lũ bất thường gây sạt lở đất đá. Đối với diện tích rừng bị cháy cần có giải pháp để phục hồi rừng và xây dựng kế hoạch trồng lại đối với những diện tích không thể phục hồi được nhằm đảm bảo cho công tác quản lý rừng sau này...
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, thời gian này thời tiết miền Trung luôn ở nhiệt độ cao nên Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kì nguy hiểm. Do vậy, chính quyền địa phương các cấp cũng như cơ quan chức năng cần liên tục tuyên truyền, tổ chức các phương án diễn tập phòng chống cháy rừng, cứu hộ cứu nạn; đồng thời khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trong công tác phòng cháy, chữa cháy...