Ngày 14/8, ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh rất hoan nghênh các tổ chức, cá nhân sớm bắt tay vào nghiên cứu, đầu tư công nghệ xay cát từ các nguồn nguyên liệu khác nhau như đá làm vật liệu xây dựng thông thường, rác thải xây dựng... nhằm từng bước thay thế, giảm thiểu nguồn cát được khai thác từ bãi bồi, lòng sông. Hoạt động này phù hợp với chính sách hiện nay cũng như lâu dài mà tỉnh đang khuyến khích và đã có nhiều ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh...
“UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa chính sách, trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo được vay vốn ưu đãi đối với các dự án đầu tư sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản đá gắn liền sản xuất cát nhân tạo; giải quyết các vấn đề liên quan về đất đai như cho thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng; xác định giá thuế tài nguyên đối với cát xay; ban hành lộ trình quy định sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng ngân sách nhà nước...”, ông Bách thông tin.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, dự báo khoảng 10 năm tới, nhu cầu cát xây dựng của tỉnh này vượt quá năng lực khai thác. Vì thế, đưa ra các phương án nghiên cứu để thay thế cát lòng sông đã được các cơ quan, ban ngành tính đến...
Được biết, hiện tại ở Huế đã có 2 doanh nghiệp làm máy xử lý rác thải thành cát, sỏi xây dựng và lãnh đạo tỉnh này đã nhiều lần đến “mục sở thị” những nơi này. Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt tại Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, cũng như khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường, việc đầu tư mô hình chế biến cát, sỏi từ rác thải xây dựng của một doanh nghiệp ở Huế hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế; là giải pháp hiệu quả trong việc xử lý rác thải xây dựng...