Tính đến đầu tháng 10/2019, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 44/104 xã (42,3 %) đạt chuẩn NTM (tăng 24 xã so với cuối năm 2015). Bình quân số tiêu chí/xã của cả tỉnh đạt 16,2 tiêu chí, cao hơn 1 tiêu chí so với cả nước; đặc biệt không có nợ đọng trong xây dựng NTM. Tỉnh cũng đã huy động 11.100 tỷ đồng đầu tư xây dựng gần 450 công trình hạ tầng, hỗ trợ 641 mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nay đã 31,5 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,2%, giảm hơn 50% so với năm 2010...
Để có được những thành quả đó, nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế đã có những hướng đi, mô hình hay, cách làm đúng, hiệu quả và lâu dài. Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã tìm hiểu cách làm của một số địa phương điển hình trong NTM tại Thừa Thiên Huế.
Huyện A Lưới: Sáng kiến “Ngày nông thôn mới”, vận động người dân xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, để khơi dậy phong trào thi đua “Cùng cả nước chung sức xây dựng NTM” thể hiện tính chủ thể của nhân dân trong thực hiện chương trình, huyện đã ban hành chỉ thị thực hiện “Ngày nông thôn mới” của huyện. Cụ thể, vào ngày 20 tháng cuối của mỗi quý, toàn huyện đồng loạt tổ chức Lễ ra quân thực hiện “Ngày nông thôn mới”.
Một số công việc chủ yếu do sức dân thực hiện được phát động như “Chỉnh trang đường làng ngõ xóm”, “Đào hố rác, xử lý rác thải bằng chôn lấp ở các hộ gia đình”, “Trồng cây xanh, hàng rào xanh”, “Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, nhà ở”...
Với tinh thần đó từ năm 2016 đến nay, có trên 108.000 lượt người tham gia hàng chục đợt ra quân và thực hiện được 115.150 hàng rào xanh, đào 12.100 hố rác, trồng trên 1.000 cây xanh, nạo vét 3km kênh mương, nạo vét 15 bể chứa nước sinh hoạt, xây dựng 63.680km/70 tuyến đường điện thắp sáng, 70 cổng chào vào trục đường chính thôn, xóm...
“Trong năm 2019, thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh, huyện đã lồng ghép thực hiện “Ngày nông thôn mới” vào; đã phát động 258 đợt ra quân. Đã có 34.460 lượt người dân và cán bộ tham gia, thu gom 455m3 rác thải, lắp đặt điện chiếu sáng dài 3km, chăm sóc gần 30km và trồng mới hơn 8km hàng rào xanh, nạo vét 8,2km kênh mương, trồng mới gần 12.500m2 hoa các loại...”- ông Hùng thông tin.
Huyện Nam Đông: Phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả
Theo UBND huyện Nam Đông, gắn với chương trình NTM, huyện đã và đang tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất để nhân rộng trên toàn huyện có hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho dân như mô hình trồng cam Nam Đông, trồng chuối đặc sản, mô hình cây dứa Cayen.
Cụ thể, về mô hình trồng cam, năng suất cây cam trung bình 1822 tấn/vụ, giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân từ 450-550 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ các chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng/ha/năm; hơn hẵn về lợi nhuận thu được trên địa bàn từ cây keo gấp 10 lần, cao hơn cây cao su 57 lần, cao hơn cây chuối 56 lần. Hiện huyện đang tiến hành hoàn thiện việc công nhận nhãn hiệu tập thể về Cam Nam Đông để quảng bá, tuyên truyền và để bán ra thị trường có giá ổn định hơn...
Về mô hình chuối đặc sản, huyện Nam Đông đã quy hoạch các loại chiếu đặc sản như chuối Thanh Tiên, chuối Tiêu, Ngự Tím làm sản phẩm chủ lực của huyện và được trồng ở vườn nhà, những vùng đất phù sa ven sông. So với các loại chuối khác như chuối ba lùn, chuối mốc... thì chuối Tiêu, chuối Thanh Tiên- Ngự Tím với mật độ trồng từ 1.100-1.500 cây/ha, cho năng suất khoảng 1.317 tấn/ha. Trong những năm gần đây, giá chuối Tiêu- Thanh Tiên ổn định, dao động từ 120.000-20.000 đồng/buồng, cao hơn 1,5-2 lần so với chuối khác.
Về mô hình cây dứa Cayen, loại cây này đang được trồng khoảng 20 hecta tập trung ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Với mật độ trồng từ 16.000-18.000 cây/ha, năng suất ước đạt 55 tấn/ha/năm. Doanh thu đạt từ 450-600 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ đi các chi phí thì người dân lãi từ 350-450 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Phú Vang: Làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải
Ông La Phúc Thành - Chủ tịch UBND huyện Phú Vang chia sẻ, tiêu chí 17 (môi trường) và đặc biệt tiêu chí 17.5 (chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định) là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Từ đầu năm 2011, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, với mục tiêu xã hội hóa hoàn toàn hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Chính quyền giám sát, hỗ trợ, đơn vị dịch vụ tổ chức thực hiện còn người dân tham gia đánh giá hiệu quả dịch vụ và đóng phí vệ sinh môi trường hàng tháng. Do chủ động được công tác vận chuyển, xử lý rác thải, giá thành cạnh tranh nên hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn không ngừng cải thiện.
“Đến nay 100% các xã thực hiện công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, thu phí VSMT thường xuyên trên địa bàn toàn xã và đã hợp đồng đơn vị dịch vụ vận chuyển rác về xử lý tại bãi xử lý rác thải của tỉnh. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý hợp vệ sinh môi trường trên toàn huyện đạt 83%, số hộ tham gia đóng phí vệ sinh môi trường hàng tháng bình quân đạt gần 90%. 100% chất thải rắn y tế và chất thải rắn nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều được thu gom, hợp đồng đơn vị dịch vụ vận chuyển xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định. Hiện 18/18 xã đạt chỉ tiêu về thu gom và xử lý rác thải”- ông Thành thông tin.
Làm tốt việc thu gom rác thải không chỉ đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, mà quan trọng hơn là làm thay đổi được nhận thức của người dân, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Vì vậy mô hình xã hội hóa thu gom rác thải tại Phú Vang hiện đang được nhiều địa phương của Huế tìm hiểu để nhân rộng.
Thị xã Hương Thủy: Các tổ chức đoàn thể xây dựng NTM với nhiều hoạt động thiết thực và lâu dài
Trong năm nay, Hương Thủy là đơn vị huyện thị đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện có 6/7 xã được công nhận đạt chuẩn, xã Thủy Vân cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, hiện đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận xã NTM.
UBND thị xã Hương Thủy thông tin, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt chương trình NTM.
Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc thị xã đã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình NTM, qua đó kêu gọi các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ủng hộ giúp đở “Ngày vì người nghèo”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nhà tạm ở các xã.
Hội Nông dân đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu”, qua đó vận động người dân góp đất, tài sản, hoa màu trên đất không đền bù để xây dựng hạ tầng nông thôn và đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để làm đường bê tông, xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Hội Phụ nữ đã phát động phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”; Hội Cựu chiến binh đã phát động phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ”; Hội Người cao tuổi với phong trào “Tuổi cao gương sáng” vận động con cháu trong gia đình, bà con thôn xóm tham gia hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đoàn Thanh niên phát động phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội để bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ thị xã Hương Thủy chung tay xây dựng NTM”; bằng các việc làm như chỉ đạo các đoàn cơ sở tham gia vớt bèo, thu gom rác làm sạch đường làng ngõ xóm, hướng dẫn bà con cải tạo vườn nhà, xây dựng hàng rào xanh, trồng cây xanh thoáng mát, sạch đẹp...
Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tăng thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 54 xã (52%). Đến năm 2020, toàn tỉnh ít nhất có 61 xã/104 xã NTM, tương đương tỷ lệ 59%, trong đó 8 xã đạt xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu... |