Đó là tình cảnh éo le của hơn 80 hộ dân tham gia chương trình “Xây dựng quê hương” tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang phải đối mặt. Sự việc khiến các hộ không những không thể xây nhà mà đi thuê nhà để có nơi sinh hoạt.
Dân “điêu đứng” hơn 10 năm
Qua tìm hiểu của PV, vào năm 2001, UBND xã Lộc An có tờ trình xin ý kiến của UBND huyện Phú Lộc về quy hoạch các khu xen ghép trên địa bàn xã để cấp cho các đối tượng bộ đội xuất ngũ, giáo viên và một số hộ chưa có nhà ở. Theo đó, năm 2001 và 2007, UBND xã Lộc An đã quy hoạch và tổ chức Hội đồng họp xét duyệt cấp đất cho nhân dân tổng số lô quy hoạch 81 lô.
Cụ thể hơn, năm 2001, UBND xã Lộc An phối hợp Phòng TNMT huyện Phú Lộc quy hoạch vùng Cồn Soi (thôn Nam) trên diện tích 3.706 m2 gồm 17 lô (đã cấp cho các hộ dân, có 11 hộ đã xây dựng nhà ở); vùng Rột Rèn (thôn Nam Phổ Hạ) diện tích 14.340 m2, gồm 52 lô (trong đó 2 lô xây dựng nhà ở và một số lô hiện trạng đo bao). Ngoài một số lô tiếp giáp với QL1A được đấu giá, còn lại hầu hết cấp đất theo hình thức nộp tiền “Xây dựng quê hương”.
Năm 2007, UBND xã Lộc An tiếp tục phối hợp với Phòng TNMT, Phòng Hạ tầng kinh tế huyện quy hoạch khu dân cư vùng Cửa Miếu và Đồng Sim (thôn Xuân Lai). Ngày 19/3/2007, UBND huyện Phú Lộc ban hành quyết định số 242/QĐ-UBND về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và có bản vẽ quy hoạch cho 2 khu đất nói trên. Trong đó, vùng Cửa Miếu quy hoạch tất cả 52 lô, trong đó có 31 lô được xét cấp; vùng Đồng Sim quy hoạch 18 lô, có 17 lô được xét cấp. Tại 2 vùng này, có tất cả 47 lô được giao đất không đúng thẩm quyền, nhưng đã nộp tiền “Xây dựng quê hương”.
Sau khi có bản vẽ quy hoạch, tháng 9/2007, UBND xã Lộc An ra thông báo gửi các hộ dân có tên trong danh sách được cấp đất đến bộ phận kế toán xã để nộp khoản tiền được xã này gọi là “tiền xây dựng quê hương”. Dù trong hóa đơn thu, các cán bộ kế toán xã đều ghi người dân tự nguyện đóng góp, song trên thực tế, xã này lại quy định cụ thể mức đóng với từng vùng đất: Khu vực thuộc Đồng Sim: 10 triệu đồng/lô; Khu vực Cửa Miếu có 2 mức giá là 8 triệu đồng đối với lô mặt trước và 5 triệu đồng đối với lô mặt sau.
Theo người dân, dù có bản vẽ phân lô, có bản quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tuy nhiên UBND xã Lộc An không xây dựng cơ sở hạ tầng tại 2 khu đất nói trên. Chính quyền để nguyên trạng ban đầu là đất ruộng bỏ hoang, ao bèo rồi phân lô cho dân. Họ cũng không nhận được quyết định giao đất từ chính quyền mà chỉ có 1 thông báo nộp tiền và 1 biên lai thu tiền của bộ phận kế toán xã Lộc An. Người dân về mặt lý thuyết là chủ sở hữu thửa đất nhưng thực tế họ lại không thể sử dụng.
Anh Lê Trọng Quốc (SN 1975, trú tại thôn Đông, xã Lộc An) chia sẻ, vợ chồng anh được cấp vì trước đây anh là cán bộ hợp đồng của y tế xã. Để được cấp đất thì anh đã đóng khoản tiền hơn 6 triệu đồng, bao gồm tiền “Xây dựng quê hương” và một số khoản thu liên quan khác .Sau khi nộp tiền, vợ chồng anh được UBND xã Lộc An phân cho 1 thửa đất số 289, tờ bản đồ 69, vùng Cửa Miếu (thôn Xuân Lai).
“Kể từ ngày nhận được thông báo trên, gia đình tôi vẫn chưa nhận được sổ đỏ và khi có ý định xây nhà trên thửa đất này vào năm ngoái thì chính quyền không cho phép xây dựng vì đất không có sổ đỏ. Tôi phải đưa vợ và 2 con nhỏ sang xã Lộc Điền bên cạnh thuê 1 căn nhà ở tạm.Giờ gia đình tôi con đã lớn cần có nhà ở để tiện sinh hoạt chứ ở trọ hơn 10 năm nay cực quá...”, anh Quốc lo âu.
Tương tự như trường hợp của anh Quốc, anh Lê Hoài Thương đã được cấp đất được thể hiện trên tờ bản đồ 69, vùng Cửa Miếu nhưng hơn 10 năm qua, thửa đất nhà anh vẫn chưa được cấp sổ đỏ và không được phép xây dựng. Theo anh Thương, khi tiến hành đo đạc, phân lô cho các hộ tại đây có sự tham gia của nhiều cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh có ý định xây dựng trên thửa đất của mình đã bị xã từ chối với lý do đất này không hợp lệ, không được phép xây dựng...
Sớm giải quyết cho dân
Liên quan đến sự việc trên, ông Hoàng Xuân Lợi- Cán bộ địa chính xã Lộc An cho hay, tất cả 81 lô đất hiện nay xã quản lý nhà nước theo diện đất ở và đã xác định chủ đất. Tuy nhiên, khi xã xin chủ trương cấp giấy chứng nhận cho người dân thì Chi nhánh đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phú Lộc không đồng ý vì không đủ cơ sở để cấp. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân không thể xây nhà; không có nhà chính quyền không cấp giấy...
“Hiện nay xã đang xin chủ trương của huyện còn huyện cũng đang xin chủ trương từ cấp tỉnh. Chính quyền luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, nhất là những người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở, nhưng luật đã quy định thì cũng khó cho chính quyền cơ sở...”, ông Lợi trình bày.
Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc và các cơ quan chức năng liên quan rà soát quy hoạch, các quy định của nhà nước để xem xét, giải quyết vụ việc theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Tuy nhiên vụ việc xảy ra đã lâu nên đòi hỏi phải có thời gian xử lý. UBND tỉnh sẽ thông tin kết quả sau khi có tham mưu của UBND huyện và các cơ quan chức năng...”, bà Trâm nói.