Thừa Thiên Huế: Hồi sinh những "tấm bình phong" vùng ngập mặn

26/11/2016 00:00

(TN&MT) - Dù là địa phương không có những bãi triều rộng như ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng bằng quyết tâm hồi sinh và mở rộng những khu rừng ngập mặn (RNM) dọc các cửa sông, ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, từ khoảng năm 2010 đến nay, nhiều dự án trồng RNM đã biến kỳ vọng này thành hiện thực.

Trồng RNM trên phá Tam Giang
Trồng RNM trên phá Tam Giang

Thành công nhờ… thất bại

Những người “nặng lòng” với cây ngập mặn luôn đau đáu mong một ngày nào đó những khu RNM ven phá, ven biển ở Thừa Thiên Huế được hồi sinh. Cũng bắt nguồn từ mong mỏi ấy, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã manh nha từ những năm 90 của thế kỷ XX và nhiều tổ chức, chương trình, dự án đã bắt tay vào trồng, phục hồi RNM ở nhiều khu vực đầm phá, ven biển của tỉnh.

Khởi thủy là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bằng nguồn vốn đầu tư của Dự án PAM 4304, ngành lâm nghiệp tỉnh đã trồng hàng chục ha trụ mầm cây đước đôi trên các bãi bồi ven phá Tam Giang - Cầu Hai. Năm 1999, PGS.TS. Nguyễn Khoa Lân (Trường đại học Sư phạm Huế) thử nghiệm trồng cây đước đôi ở phía Đông đầm Lập An (Lăng Cô - Phú Lộc). Tuy nhiên, tất cả số cây được trồng của cả hai dự án trên đều bị nước lũ cuốn trôi. Năm 2002, một giáo viên sinh học, Trường PTTH Hai Bà Trưng và Chi hội Bảo tồn thiên nhiên Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu trồng hơn 2.000 cây đước tại rú Chá (xã Hương Phong - Hương Trà). Do công tác quản lý, bảo vệ kém, nên phần lớn cây con bị trâu bò phá hoại, chết và hiện nay chỉ còn 14 cây sinh trưởng rất tốt tại rú Chá.

Sau thất bại đó, việc nghiên cứu trồng RNM ở Thừa Thiên Huế tạm lắng. Từ năm 2010 đến nay, việc trồng RNM được xúc tiến trở lại thông qua một số đề tài, dự án trồng RNM tại các vùng cửa sông, ven biển, ven phá. Trong đó phải kể đến đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách tỉnh do Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) lâm nghiệp tỉnh chủ trì “Nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm trồng cây ngập mặn ở Tân Mỹ, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và phía Tây đầm Lập An”. Thông qua đề tài, đã có 3.000 cây đước, bần, vẹt, trang được trồng, với tỷ lệ sống đạt khoảng 80%. Đến nay, số cây này đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Chủ nhiệm đề tài - ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế khẳng định, thành công này là cơ sở khoa học và thực tiễn, đã mở ra những hướng nghiên cứu mới cho việc gây trồng RNM trên toàn tỉnh.

Cũng sau thời gian này, một số dự án về trồng RNM được các đơn vị, tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện, như dự án “Tăng cường RNM nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế” do WWF tài trợ (2012-2014) đã gieo ươm và trồng được hơn 23.000 cây ngập mặn ở khu vực tam giác xung yếu cửa sông Hương - phá Tam Giang - cửa biển Thuận An và vùng rú Chá. Dự án “Thích ứng với BĐKH và quản lý tài nguyên nước cấp cộng đồng ở Thừa Thiên Huế” do Tổng cục hợp tác phát triển Hà Lan (CSRD) tài trợ năm 2011, đã trồng hơn 1ha RNM ở cồn Tè, xã Hương Phong. Tất cả đều cho tỷ lệ cây sống trung bình đạt từ 75 - 80% và đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Đo đếm chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây ngập mặn
Đo đếm chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây ngập mặn

Dự án về trồng RNM có quy mô lớn nhất từ trước đến nay phải kể đến dự án “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2015 - 2020 do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Ngoài các hợp phần quản lý, bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ ven biển, đất cát ven biển, trồng rừng ngập ngọt (trên các trầm bàu), xây dựng các công trình lâm sinh, tập huấn nâng cao năng lực thích ứng BĐKH..., dự án sẽ trồng mới hơn 150ha RNM ở vùng cửa sông, ven biển, ven đầm phá của tỉnh.

Vượt nhiều rào cản

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Ngọc Dũng trò chuyện, không như nhiều vùng đất ở miền Tây Nam bộ, Thừa Thiên Huế không có những bãi triều rộng nên việc trồng RNM chưa được “sướng”! Đất trồng manh mún, mỗi xã chỉ trồng được vài ha. Hơn nữa trồng RNM là hoạt động còn khá mới, nhiều đơn vị chưa có kinh nghiệm, nên chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm xem như “ôm trọn” từ khâu sản xuất, chuẩn bị cây giống, thiết kế cho đến tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát… Do nước ngập thường xuyên, độ mặn thay đổi rất lớn, diện tích phân tán, nên quá trình thi công phải dùng nhiều giải pháp kỹ thuật. Đây không chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà là tình trạng chung của khu vực miền Trung khi bắt tay trồng RNM. Tuy nhiên, chính nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan đầu ngành và tâm huyết của những người trong ngành lâm nghiệp, đến nay, nhiều khu RNM tự nhiên được gìn giữ và phục hồi, hàng chục ha RNM được trồng mới, trở thành những thảm rừng xanh trải dọc vùng ven biển, ven đầm phá.

Diện tích RNM tự nhiên trên toàn tỉnh hiện có 26ha, trong đó rú Chá 4,5ha, Tân Mỹ 4,5ha, Lăng Cô 13ha và sông Bù Lu (Phú Lộc) 4ha. RNM tại Tân Mỹ và sông Bù Lu phát triển tốt; ở Lăng Cô đang trên đà suy thoái do điều kiện môi trường biến đổi và tác động của các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, sự phát triển các công trình dân sinh, khu định cư...

RNM rú Chá chuyển sắc thu vàng trong những ngày tháng 9
RNM rú Chá chuyển sắc thu vàng trong những ngày tháng 9

Đối với rừng trồng, ngoài số cây đã được các đề tài, dự án thực hiện, trong năm 2015, dự án “Đầu tư phát triển rừng vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế” đã trồng hơn 40ha RNM, gồm rú Chá 4,6ha và Quảng Lợi (Quảng Điền) 36ha. Dự án đã cấp và tổ chức trồng hơn 70.000 cây ngập mặn phân tán cho hơn 150 hộ dân các xã ven biển, đầm phá để trồng trên các ao nuôi thủy sản, cửa sông, bờ vùng, bờ thửa. Với mật độ trồng 1.650 cây/ha, nếu quy đổi ra diện tích rừng tập trung thì được khoảng 45ha RNM.

Ngoài hiệu ứng mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, những cánh RNM được hồi sinh và phát triển còn là những “bức bình phong” vững chắc chắn gió, ngăn bão, giúp người dân chống chọi với thiên tai, BĐKH và giúp nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Gắn bó, cùng “ăn”, cùng “ngủ” với cây ngập mặn suốt nhiều năm nay, ông Phạm Ngọc Dũng tâm đắc, nhiều khu rừng bần, đước ở cửa sông Hương (cồn Tè), Lăng Cô... giờ đã lên cao 5 đến 6m, chế ngự những bộ rễ vững chắc và cho hoa quả tràn đầy nhựa sống. Người dân có thể cột được thuyền, nhiều tôm cua cá vào “trú ngụ”, sinh sôi nảy nở trong RNM.

Riêng địa bàn rú Chá được mở rộng gấp đôi so với nguyên thủy, tạo ra một khu rừng cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp ở khu vực ngã ba sông Hương- phá Tam Giang- cửa biển Thuận An. Thú vị nhất là vào khoảng tháng 9 vừa qua, màu xanh tự nhiên của RNM rú Chá đổi sắc thu vàng rất ấn tượng. Có thể, hiện tượng này đã có từ những năm trước, nhưng năm nay, sự xuất hiện rừng mùa thu đổi màu ở rú Chá đã gây sự chú ý và thu hút nhiều nhiếp ảnh gia, học sinh, sinh viên cũng như khách du lịch đến tham quan, ghi hình.                                                                                                        

Bài & ảnh:Xuân Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Hồi sinh những "tấm bình phong" vùng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO