Thời gian gần đây, người dân phản ánh tình trạng hộ bà M.T.T. lợi dụng cải tạo đất thực hiện dự án trang trại tổng hợp tại thôn Hòa Xuân, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế khai thác khoáng sản gồm đất sét, san lấp vượt quá độ sâu, phạm vi, nhiều phương tiện xe cơ giới lớn chạy gây bụi, ô nhiễm trong khu dân cư…
Khu trang trại tổng hợp của bà M.T.T., trên diện tích gần 2ha được bao bọc bởi khu vực rừng kinh tế, nham nhở các hố đào lớn nhỏ. Một số hố nằm trong khu vực khai thác có độ sâu từ 4-5 m (vượt quá độ sâu quy định là 2,2m), để lộ lớp đất sét bên dưới. Hoạt động cải tạo đất diễn ra khoảng nửa tháng nay.
Tại vị trí nói trên, xe múc hoạt động khai thác, nhiều xe tải cỡ lớn chầu chực chờ vận chuyển khoáng sản rời khỏi địa bàn. Xung quanh diện tích được cải tạo, không có các cột mốc chỉ dấu giới hạn khu vực khai thác. Tình trạng sử dụng các xe cơ giới hạng nặng cũng làm tuyến đường bê tông nhựa liên thôn dẫn vào khu vực trang trại bị cày xới nham nhở.
Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 29 ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyền khai thác, vận chuyển đất ra khỏi khu vực thực hiện dự án xây dựng trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng cho phép bà M.T.T cải tạo đất đào trên 2 hồ với diện tích 1,73ha, độ sâu trung bình 2,2m tính từ bề mặt địa hình với phương pháp khai thác lộ thiên. Tổng khối lượng đào đất, khai thác là 34.402m3; trong đó đất làm gạch ngói 15.480m3, đất làm vật liệu san lấp 18.922m3. Thời gian khai thác vận chuyển đến tháng 10/2019. Khoáng sản được khai thác vận chuyển cung cấp làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gạch ngói và san lấp các công trình trên địa bàn huyện Phong Điền, Phú Lộc và các địa phương lân cận.
Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho biết, liên quan việc khai thác khoáng sản tận thu tại trang trại tổng hợp ở thôn Hòa Xuân, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện một số điểm nằm trong khu vực cho phép khai thác vượt quá độ sâu cho phép và đã yêu cầu đơn vị khai thác khắc phục, chấp hành nghiêm các quy định.
Về tình trạng các xe cơ giới chạy gây bụi ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường liên thôn, xã yêu cầu đơn vị khai thác tưới nước thường xuyên và “ký quỹ” 200 triệu đồng để khi dự án kết thúc, tiến hành lấy kinh phí sửa chữa lại đường. Hiện nay, các hộ dân đang “nhận khoán” tưới nước hàng ngày và lập tài khoản để giữ số tiền “ký quỹ” sửa chữa đường sau này.
“Đối với việc cải tạo tận thu khoáng sản tại trang trại tổng hợp, địa phương vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra và giám sát chặt việc thực hiện các quy định trong giấy phép khai thác mỏ của UBND tỉnh cấp; giám sát việc phục hồi môi trường, đất đai sau khi khai thác”, ông Toàn khẳng định.
Ông Lê Hoàng Linh - Trưởng phòng TN&MT huyện Phong Điền cho hay, khu vực khai thác khoáng sản trang trại tổng hợp của bà M.T.T. trước đây khi mới bắt đầu khai thác, bóc lớp phong hóa, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và đã phát hiện đơn vị khai thác có một số điểm ngoài điểm cắm mốc cho phép và đã tiến hành lập biên bản kiểm tra. Sau đó, ngành chức năng đã cắm lại mốc bê tông cho đơn vị khai thác. Các khoản thuế, phí đều nộp trong Sở TN&MT, đơn vị không quản lý. Riêng tình trạng khai thác quá độ sâu như phản ánh hiện tại phía phòng sẽ cho kiểm tra.
Theo Giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp, đơn vị khai thác khoáng sản tại khu trang trại tổng hợp ở thôn Hòa Xuân phải tiến hành hoạt động khai thác, vận chuyển đất sét làm gạch ngói và đất làm vật liệu san lấp theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, khối lượng quy định và thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án. |